Sức khỏe

Y dược cổ truyền

Địa chỉ “vàng” chữa bệnh miễn phí cho người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với phương châm “Lương y như từ mẫu”, những năm qua, Hội Đông y thị xã An Khê đã góp sức cùng ngành Y tế trong khám-chữa bệnh, trở thành địa chỉ “vàng” chữa bệnh miễn phí cho người dân.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng (Đại đức Thích Thiện Minh)-Phó Chủ tịch Hội Đông y thị xã An Khê-cho biết: Hội Đông y thị xã hiện có 21 hội viên, với 3 bác sĩ, 5 y sĩ Đông y, 5 lương y, 4 điều dưỡng định hướng Đông y và 4 hội viên danh dự. Hầu hết y-bác sĩ, lương y, lương dược đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập và các nhà thuốc, đại lý thuốc, phòng khám bệnh, phòng chẩn trị Đông y trên địa bàn thị xã. Thời gian qua, Hội luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển nền y học cổ truyền. Tại văn phòng của Hội (số 197 đường Trần Hưng Đạo, thị xã An Khê) có 4 giường bệnh với đầy đủ trang-thiết bị như: máy kéo cột sống, máy châm cứu, máy sóng siêu âm, đèn hồng ngoại... và một số thuốc tân dược, đông dược luôn mở cửa khám-chữa trị miễn phí cho người dân.

Cùng với đó, Hội quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho hội viên; tích cực chăm sóc sức khỏe cho người dân. Công tác nghiên cứu khoa học cũng được hội viên quan tâm, nhiều lương y đã tích cực cải tiến phương pháp chẩn trị, vận dụng, phát huy các bài thuốc y học cổ truyền vào khám-chữa bệnh. “Các hội viên thực hiện tốt quy định hành nghề, phát huy y đức, nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh. Nhờ đó, công tác khám-chữa bệnh bằng Đông y của Hội ngày càng được mở rộng, hàng năm có hơn 700 lượt người đến khám và điều trị bệnh”-bác sĩ Hùng thông tin.

Lương y của Hội Đông y thị xã An Khê khám bệnh cho người dân. Ảnh: Hà Phương

Lương y của Hội Đông y thị xã An Khê khám bệnh cho người dân. Ảnh: Hà Phương

Ông Phạm Văn Thắng (phường An Phú, thị xã An Khê) cho hay: Cách đây khoảng 1 năm, ông bị đau nhức cột sống, đi lại rất khó khăn. Ông đi điều trị khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Được người quen giới thiệu, ông đến Văn phòng Hội Đông y thị xã cậy nhờ các thầy thuốc. “Chỉ với liệu trình 7-10 ngày điều trị, bệnh tình của tôi đã thuyên giảm. Hiện nay, tôi đã đi lại bình thường và còn tham gia chơi bóng bàn tại địa phương. Ở đây, các y-bác sĩ đón tiếp rất nhiệt tình, niềm nở, thực hiện xoa bóp, dùng máy kéo cột sống, châm cứu... giúp tôi nhanh chóng cắt cơn đau. Đặc biệt, khi điều trị, tôi không phải tốn kém tiền bạc”-ông Thắng cho hay.

Còn ông Đinh Văn Trực (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống từ nhiều năm khiến đi lại rất khó khăn. Sau thời gian điều trị tại Hội Đông y thị xã An Khê, bệnh tình của ông dần thuyên giảm. Ông Trực chia sẻ: “Điều trị tại đây một thời gian, lưng của tôi đã bớt đau nhức. Các lương y nơi đây rất tận tình, chu đáo trong việc thăm khám, điều trị. Hơn nữa khi điều trị tại đây, gia đình không tốn kém chi phí nhiều, tôi rất cảm ơn Hội Đông y thị xã”.

Được sự đồng tình, hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự đóng góp từ các Mạnh Thường Quân, hoạt động của Hội Đông y thị xã ngày càng lan tỏa và nâng cao chất lượng. Ngoài ra, Hội còn chú trọng bảo tồn và phát triển dược liệu, xây dựng vườn thuốc Nam để duy trì các cây thuốc quý phục vụ chữa trị. Hội đã nhân giống một số loại cây thuốc quý như: sa nhân, ba kích, kim tiền thảo... đồng thời, tích cực sưu tầm, tìm hiểu các bài thuốc hay, các cây thuốc quý của đồng bào dân tộc thiểu số; qua đó, phối hợp, kiểm chứng, đánh giá hiệu quả và giá trị khoa học của các cây thuốc, bài thuốc để sử dụng trong phòng-chữa bệnh cho người dân.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Ngữ-Chủ tịch Hội Đông y tỉnh-nhận xét: Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 cơ sở Hội với 225 hội viên. Trong đó có 4 cơ sở khám-chữa bệnh từ thiện là phòng khám nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ TP. Pleiku; Tuệ Tĩnh đường chùa Bảo Lâm; phòng chẩn trị của Hội Đông y thị xã An Khê và phòng chẩn trị của Hội Đông y tỉnh. Trong đó, Hội Đông y thị xã An Khê đã làm rất tốt công tác xã hội hóa để khám và điều trị cho bệnh nhân.

Có thể bạn quan tâm