TPHCM không chỉ có địa đạo Củ Chi “đất thép thành đồng” mà còn có một địa đạo khác tiếp giáp giữa nội thành và ngoại thành.
Hàng trăm năm trước, nơi đây được nhiều thế hệ cha ông nhìn ra là vị trí chiến lược quan trọng, với nhiều chiến lũy chống quân xâm lược, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó là địa đạo Phú Thọ Hòa (139 Phú Thọ Hòa, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TPHCM).
Nắp hầm xuống địa đạo |
1.Chúng tôi tìm đến địa đạo Phú Thọ Hòa vào những ngày đầu mùa mưa. Những câu chuyện hào hùng năm xưa dường như đã lắng đọng ở đâu đó và bị bỏ quên sau những mưu sinh hàng ngày.
Từ đường Lũy Bán Bích, hỏi thăm đường Phú Thọ Hòa và di tích địa đạo, nhiều người cũng chỉ biết tên đường Phú Thọ Hòa và không rõ lắm về địa đạo. Chợ vải bán sỉ ngay đầu đường Phú Thọ Hòa giáp với đường Lũy Bán Bích khá nhộn nhịp, ghé lại một gia đình bán vải hơn 10 năm ở ngay đầu đường, ông P.N. (50 tuổi) vừa cười, vừa lắc đầu trả lời: “Ở đây hỏi vải tui rành, chứ đường hầm địa đạo tui không rõ cô ơi”. Bác tài xế xe ôm H.D.T. (nhà đối diện với địa đạo Phú Thọ Hòa), góp lời: “Nhà tôi ở đối diện đây chứ đâu, mà tôi cũng chưa qua lần nào. Chiều chiều, thấy có nhóm thanh niên đánh bóng chuyền ngoài sân, thỉnh thoảng thấy có mấy trường học đưa tụi nhỏ tới tham quan”.
Hỏi thăm tiếp vài bạn trẻ đang ngồi trong quán cà phê đầu đường Phú Thọ Hòa, bạn N.H.P. (25 tuổi), đáp: “Địa đạo hình như là cái chỗ có sân rộng rộng, có đi ngang vài lần nhưng không để ý lắm, chị đi vào trong hỏi thăm người ta thử”. Những câu trả lời khá ngỡ ngàng và xa lạ khiến chúng tôi không khỏi tò mò lẫn chút băn khoăn, chuyện xưa hào hùng đó còn ai tiếp lời, ai nhớ và ai lưu giữ cho hôm nay và mai sau đây.
2. Đi cùng chúng tôi đến khu di tích lịch sử Phú Thọ Hòa, bạn trẻ M.P. (24 tuổi, ngụ phường Phú Thọ Hòa) dò địa chỉ từ bản đồ trên chiếc smartphone để khỏi bị lạc. Đứng trước cổng quan sát, khuôn viên không có gì quá đặc biệt ngoài những bụi tre, khoảng sân rộng, nhà trưng bày và cũng không thấy khách ra vô tham quan. M.P. tỏ ra thất vọng: “Đúng chỗ này rồi, mình về trước, nhìn có vẻ vắng lặng quá. Ban đầu, mình nghĩ có khách ra vô thì vào tìm hiểu chút cũng hay”.
Không phải ai cũng biết, tiền thân của địa đạo Phú Thọ Hòa là những hầm ếch để trú ẩn, để phục vụ cho cuộc kháng chiến, nhân dân đã cải tiến hầm ếch thành hầm xe lửa 2 ngăn. Và sau đó phát triển thành hệ thống địa đạo liên ấp, liên xã, bắt đầu từ ấp Lộc Hòa kéo dài đến ấp Bình Long, Bình Đông qua Bình Hưng Hòa đến Gò Đậu… Chiều dài địa đạo chạy theo địa hình, địa vật kéo dài trên 10km. Năm 1985, quận Tân Bình (lúc chưa tách quận Tân Phú) phục chế một đoạn địa đạo dài 100m và đến năm 1996, địa đạo Phú Thọ Hòa được Bộ VH-TT xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nay, hàng rào kẽm gai xiêu vẹo, bụi tre ngay cổng có vài cây đã bị bật gốc, vỏ chai nhựa còn vương vãi. Đối diện cổng vào địa đạo, một vài xe tập kết rác vừa đi thì một vài xe vận tải nhỏ chạy tới đậu ngay phía trước cổng. Chúng tôi ngỡ ngàng có chút chạnh lòng khi nhìn lên tấm biển đề dòng chữ “Di tích lịch sử quốc gia”.
Chia sẻ về những trăn trở hiện tại của địa đạo Phú Thọ Hòa, ông Ngô Văn Chung, Trưởng ban Quản lý di tích địa đạo Phú Thọ Hòa, bày tỏ: “Hiện tại chúng tôi vẫn cố gắng tuyên tuyền qua nhiều kênh, nhiều hình thức để người dân biết đến khu di tích nhiều hơn. Đặc biệt là qua mạng xã hội, địa đạo cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách tham quan. Nhiều khách nước ngoài khá thích thú về địa đạo, ngược lại họ cũng đưa ra ý kiến nên giữ nguyên hiện trạng. Trong kế hoạch nâng cấp và cải tạo sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục tình trạng thấm nước sớm nhất…”. |
3. Tiếp chúng tôi là anh Lương Hoài Nhơn (31 tuổi), hướng dẫn viên tại khu di tích. “Khách tham quan ở đây cũng không nói trước được, cao điểm là mùa hè, cuối tuần. Còn lại thì bữa có khách, bữa không. Khách trên địa bàn quận, các đoàn, hội, nhóm nhiều hơn khách lẻ và có cả khách nước ngoài nữa”, anh Nhơn chia sẻ.
Địa đạo hiện tại còn giữ được đoạn hầm khá nguyên sơ, hoàn toàn không có hệ thống điện bên trong, dài khoảng 100m, sâu 3-4m và cao chưa đầy 1m nên phải đi khom người, có chỗ hẹp phải nằm ép người sát xuống đất để di chuyển qua. Nép người di chuyển qua những đoạn hầm hẹp, đoạn hầm số 2 khó đi, chúng tôi phải dừng lại và trở lên mặt đất. Hầm bị ngập không nhiều, nước vừa sấp bàn chân. Theo anh Nhơn, đoạn hầm số 2 bị ngập cũng khá lâu. Cũng chưa rõ là nước thấm từ dưới đất lên hay nước mưa từ trên chảy xuống.
Ngoài khu vực hầm địa đạo, nhà trưng bày với những hiện vật xưa và mô hình mô phỏng lại đoạn địa đạo, ghế đá được bố trí xung quanh khuôn viên cho khách ngồi nghỉ chân khi đến tham quan, vài ghế đá được đặt ngay cạnh các ngôi mộ xưa. Theo giải thích từ hướng dẫn viên, vì địa đạo xưa được xây trong lòng khu dân cư và liên ấp nên việc vướng phải các mộ phần hay nhà dân là điều không tránh được. Tuy nhiên, hiện tại khu vực địa đạo chỉ còn đoạn hầm dài khoảng 100m và khuôn viên chung rộng hơn 4.000m2 nên trong thời gian tới, sẽ có chủ trương cải táng các ngôi mộ để xây dựng lại cảnh quan chung cho khu di tích.
Có lẽ chúng tôi đến địa đạo sau những trận mưa đầu mùa, nền đất cát xen lẫn khá nhếch nhác sau mưa, mọi thứ đọng lại dường như khá nhạt nhòa so với những hào hùng của lịch sử năm nào. Miền đất xưa dường như cũng trăn trở với nhiều chuyện bảo tồn của hôm nay, mọi thứ dường như vẫn chưa xứng tầm với một di tích lịch sử cấp quốc gia…
THIÊN THANH (sggp)