Điểm đến mới của du lịch Cao Bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bật mí của Bí thư Huyện ủy Thông Nông (Cao Bằng), Nguyễn Lâm Thị Tú Anh về hai điểm du lịch “mê hồn” ở địa phương đã thôi thúc chúng tôi lên đường khám phá cảnh đẹp này.

 Thác Nặm Ngùa như dải lụa trắng giữa núi rừng xanh thẳm.
Thác Nặm Ngùa như dải lụa trắng giữa núi rừng xanh thẳm.


Khởi hành từ thị trấn Thông Nông, đi 13 km, chúng tôi đến Bãi Tình (tên do người dân địa phương đặt), ở xã Thanh Long, đây là một thảo nguyên thu nhỏ, trải rộng trên diện tích khoảng 100 ha. Đến đây, du khách có thể thỏa sức nô đùa, chạy nhảy và ngắm nhìn khung cảnh vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ của thảo nguyên trên vùng núi đá, một điều khá ít thấy ở miền núi. Đứng giữa thảo nguyên trải rộng, hít thở trong làn gió trong lành, ngắm nhìn thảm cỏ và đàn trâu lững thững ăn no trở về chuồng, đàn vịt nhởn nhơ bơi lội trong hồ nước, lòng thấy thư thái lạ thường.

Chủ tịch UBND xã Thanh Long, Đỗ Thế Giáp cho biết, đánh giá cao tiềm năng du lịch của bãi Tình, một số nhà đầu tư đã đến tìm hiểu, dự kiến đầu tư dịch vụ đua ô-tô địa hình (loại nhỏ) và trò chơi bắn súng sơn trên thảo nguyên. Thời gian tới, xã sẽ tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường, phát triển du lịch bền vững; đồng thời, vận động người dân xóm Gằng Thượng xây dựng homestay, đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách.


 

Hồ nước trên bãi Tình.
Hồ nước trên bãi Tình.



Anh Đỗ Thế Giáp giới thiệu thêm, đến du lịch bãi Tình, ngoài ngắm nhìn phong cảnh đẹp, du khách còn có thể trải nghiệm bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao, tham quan làng nghề trạm bạc, xem nghệ nhân vẽ tranh thờ cúng của người Dao, với nhiều nét văn hóa đặc trưng ở xóm Táp Ná, xã Thanh Long.

Lưu luyến rời bãi tình, chúng tôi tiếp tục di chuyển 8 km đến thác Nặm Ngùa, xã Ngọc Động. Đến nơi đã hơn 11 giờ trưa, cái nắng nóng, oi ả buổi trưa bỗng như tan biến khi một vùng sơn thủy hữu tình hiện ra trước mắt. Nhìn từ trên cao, thác Nặm Ngùa như một dải lụa trắng, uốn lượn, tung bay giữa núi rừng xanh thẳm. Lại gần, bọt nước, hơi nước tung bay trắng xóa, mát rượi, thôi thúc chúng tôi muốn được trầm mình ngay xuống dòng nước trong mát. Anh Mã Văn Tuấn, ở thị trấn huyện Thông Nông bật mí, đến Nặm Ngùa không cần mang theo đá lạnh, bởi chỉ cần ngâm đồ uống xuống suối chừng 30 phút, du khách đã có bia lạnh, nước lạnh để sử dụng.


 

Du khách trải nghiệm tại thác Nặm Ngùa.
Du khách trải nghiệm tại thác Nặm Ngùa.


Chị Sầm Thị Săng, xóm Nặm Ngùa cho biết, khởi nguồn của thác Nặm Ngùa ẩn sâu trong lòng núi là một hồ nước ngọt có trữ lượng lớn, cách đây vài năm, một nhóm người nước ngoài đến thám hiểm, mang theo thiết bị lặn, khám phá ba ngày mới đi hết hồ trong lòng núi. Đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ của du khách, từ năm 2015, anh Sầm Văn Tưng, xóm Nặm Ngùa đã đầu tư homestay phục vụ khách. Anh Tưng cho biết, homestay gia đình đón khoảng vài trăm du khách nước ngoài/năm, nhiều nhóm khách lưu luyến cảnh đẹp của thác Nặm Ngùa, bản sắc văn hóa và ẩm thực địa phương đã ở đến ba ngày mới rời đi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thông Nông, Vương Văn Thuận cho biết, phát huy, khai thác tiềm năng du lịch địa phương, huyện đã làm việc, kết nối, tổ chức đưa du khách nước ngoài từ bản du lịch cộng đồng người Lô Lô ở Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc đến thác Nặm Ngùa, bãi Tình, bước đầu đạt kết quả tốt. Đồng thời, tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch bãi Tình, thác Nặm Ngùa qua mạng xã hội, thu hút du khách, nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư đã tìm hiểu, tính toán đầu tư dịch vụ tại các điểm du lịch. Để phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch, phát triển thương mại, dịch vụ, nâng cao thu nhập, đời sống cho đồng bào dân tộc, huyện đề nghị tỉnh bổ sung địa bàn huyện Thông Nông vào trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng.

Với các giải pháp đồng bộ, tin rằng bãi Tình, thác Nặm Ngùa sẽ thu hút đông đảo du khách, tạo việc làm, nâng cao thu nhập của đồng bào dân tộc từ làm dịch vụ phục vụ du khách.

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đã tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia dịch vụ du lịch, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững và làm giàu. Năm 2018, tỉnh Cao Bằng đã đón hơn 1,2 triệu lượt du khách.

Qua sáu tháng đầu năm 2019, tỉnh đã đón hơn 750 nghìn lượt du khách, tăng 33%; tổng doanh thu từ du lịch, dịch vụ 207 tỷ đồng, bằng 207% so với cùng kỳ. Du lịch đã tạo chuyển biến tích cực trong tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập người dân.

 

Nguồn: Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Cao Bằng


MINH TUẤN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm