(GLO)- Trần Khánh Dư (Nhà Xuất bản Văn học, 2016). Ngay từ trang đầu tiểu thuyết, nhà văn Lưu Sơn Minh đã khẳng định, anh sẽ không nhìn Trần Khánh Dư theo cách phiến diện như những gì “Đại Việt sử ký toàn thư” đã viết, rằng đó là một con người “tham lam, thô bỉ (…), mọi người đều rất ghét”.
Thông điệp này được tác giả thể hiện ngay trong lời tự sự của Trần Khánh Dư: “Đừng đọc về ta, đừng nhắc chuyện ta, nếu trong lòng ngươi khư khư những tín điều vô vị và bất di bất dịch. Ta là kẻ đạp lên tín điều và giật đổ những bất di bất dịch”. Và với một cái nhìn công bằng, thấu hiểu như vậy, trong tiểu thuyết của mình, Lưu Sơn Minh không chỉ tái hiện chân dung một danh tướng Trần Khánh Dư đầy uy dũng, lừng lẫy chiến công trong trận đánh quân Nguyên Mông ở Vân Đồn như sử sách đã viết mà còn dựng nên một con người Trần Khánh Dư rất đời thường. Đó là một người luôn “sống như mình muốn”, “bất chấp những đàm tiếu thị phi nhạt nhẽo của người đời”, sống ngông cuồng, khinh bạc nhưng cũng đầy cô đơn, niềm cô đơn tột cùng của một người “sinh lạc nhà, sống lạc thời, và yêu lạc người”.
Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài (Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, 2016). Cuốn sách là những điều mắt thấy, tai nghe của giáo sĩ Alexandre de Rhodes sau 3 năm (1627-1630) đi truyền giáo ở Đàng Ngoài. Ở đây, bên cạnh những thông tin về sự gia nhập và tiến triển của đức tin trong xứ Đàng Ngoài, Alexandre de Rhodes đã ghi chép khá tỉ mỉ, công phu về tình hình chính trị, quân sự, văn hóa và con người của xứ Đàng Ngoài đầu thế kỷ XVII. Bỏ qua những cái nhìn thiên kiến khó tránh khỏi của một giáo sĩ phương Tây đối với văn hóa và con người phương Đông, cuốn sách thực sự là tư liệu quý cho những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu sâu về lịch sử xứ Đàng Ngoài những năm đầu thế kỷ XVII.
Thùy Chi