(GLO)- Đến chứng kiến lễ hội ăn cơm mới của làng Leng Tơpung, xã Tơ Tung, huyện Kbang năm nay, điều đầu tiên làm chúng tôi thích thú là tất cả những người Bahnar ở đây, từ những em nhỏ mới lẫm chẫm cho đến những người già, đều “diện” trang phục truyền thống của dân tộc mình. Sân nhà rông của làng rặt một màu chàm của váy áo, điểm thêm những chuỗi lục lạc, vòng bạc, cườm màu... thật tuyệt vời.
Buổi chiều hôm ấy, sau khi hoàn tất các nghi lễ của một lễ hội ăn cơm mới mà người Bahnar gọi là Sơmăh sa mok, trong phần hội, tôi thấy rất nhiều người trong làng có thể thay nhau đánh cồng chiêng. Những em nhỏ mới khoảng 4-5 tuổi đã được trang bị những chiếc trống nhỏ, xinh. Có bé con mới tập đi đã biết cầm dùi mon men đến bên chiếc trống người lớn vừa hạ xuống. Nhưng chưa hết. Đến khoảng 5 giờ chiều, sau khi những người cuối cùng đi rẫy về thì điều làm cho tôi vô cùng ngạc nhiên mới xuất hiện: Trên sân nhà rông, toàn bộ những người đánh trống, chiêng và xoang là phụ nữ. Trong vòng xoang, bước chân của các chị đánh trống, chiêng tuy chưa nhanh mạnh, chưa dứt khoát như bước chân của cánh đàn ông, nhưng tiếng chiêng của các chị thì đã rất hòa quyện, ăn ý.
Đội cồng chiêng nữ làng Leng Tơpung, xã Tơ Tung, huyện Kbang. Ảnh: K.V |
Trưởng thôn Đinh Gol cho chúng tôi biết: Hiện nay, trong làng có 5 đội cồng chiêng. Đó là: Đội cồng chiêng tổng hợp (từ nhi đồng, thanh-thiếu niên đến người già), đội cồng chiêng thiếu nhi, đội cồng chiêng thanh niên, đội cồng chiêng già (những người từ tuổi trung niên trở lên) và đội cồng chiêng nữ. Trong 5 đội này, thì đội thanh niên và đội tổng hợp là những đội mạnh nhất. Còn Bí thư chi bộ làng Đinh Bli thì bật mí: Làng Leng Tơpung có được phong trào cồng chiêng như thế này là nhờ chiều thứ bảy hàng tuần, dân làng đều tập trung về sân nhà rông để tập đánh cồng chiêng. Mọi người đều tự giác tham gia mà không đòi hỏi phải có nguồn kinh phí hỗ trợ nào. Quả thật tại đây, chúng tôi thấy việc trao truyền di sản giữa các thế hệ được diễn ra hết sức tự nhiên: ở một góc sân, đứng giữa những thiếu nhi cầm cồng chiêng là một bác trung niên, miệng vừa hô theo cao độ của bài chiêng, vừa chỉ tay vào từng người ra hiệu gõ.
Hỏi về đội chiêng nữ, các chị cho biết, những người phụ nữ đầu tiên trong làng học đánh chiêng là chị Tim (59 tuổi), chị Biar (60 tuổi). Các chị bắt đầu học đánh cồng chiêng vào khoảng năm 2010. Thấy chị Tim và chị Biar đánh được cồng chiêng, nhiều chị em cũng tham gia tập. Đến nay, đội cồng chiêng nữ của làng đã lên tới 59 chị. Các chị đã có thể đánh được khoảng 10 bài chiêng. Tôi hỏi: tại sao các chị học đánh cồng chiêng? Blet (sinh năm 1977) đang mang chiếc cồng to nhất nói: “Vì thích quá nên tập thôi”. Tôi lại hỏi: “Chị em mình tập cồng chiêng có khó không?”. “Khó chứ, nhưng vì thích quá nên tập cũng được thôi”. Khi được hỏi: “Yang có cho phụ nữ Bahnar đánh chiêng không?”; già làng Đinh Hoah nói: “Nó đánh được thì tốt quá chớ”.
Ảnh: Hoàng Ngọc |
Trước kia, Tây Nguyên chỉ có một đội cồng chiêng nữ của người Ê Đê Bih ở buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đak Lak). Họ đánh bộ chiêng Jho gồm 6 chiếc cồng và một trống. Nay, văn hóa phi vật thể Tây Nguyên ghi nhận thêm đội cồng chiêng nữ của người Bahnar ở làng Leng Tơpung, tỉnh Gia Lai với đội hình lên đến 22 người, gồm: 5 chị đánh trống (4 người khiêng và 1 người đánh), 15 chị đánh cồng chiêng và 2 chị chơi chũm chọe. Đây cũng là đội chiêng nữ đầu tiên của tỉnh Gia Lai.
Hòa tấu nhạc cụ dân tộc là tiết mục khá phổ biến của các đoàn trong những chương trình văn nghệ dân gian gần đây. Nhưng phải đến ngày 19-5-2013, trong Liên hoan Văn hóa-Thể thao các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ nhất-2013, lần đầu tiên, dưới chân “Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”, những người quan tâm đến văn hóa dân gian Tây Nguyên mới được tận mắt chứng kiến 25 nghệ nhân, bước ra từ buôn làng, có đủ cả già, trẻ, gái, trai cùng trình diễn rất thành công tiết mục hòa tấu với 25 nhạc cụ chủ yếu được người Jrai làm từ tre nứa. Đó là những nghệ nhân đến từ làng Néh, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông.
Ấn tượng với tiết mục này, đoàn nghệ nhân làng Néh, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông đã được UBND tỉnh đồng ý cho tham gia “Tuần lễ di sản văn hóa-Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam” tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội vào tháng 11-2013. Suốt một tuần, 31 nghệ nhân của Gia Lai, trong đó, cô bé nhỏ nhất Siu Nhi mới 15 tuổi, già làng, trưởng thôn đã trên tuổi 60, tất cả đều chưa một lần đi xa, nhưng những người Jrai đến từ làng Néh đã để lại trong lòng người Hà Nội và bạn bè trong nước, quốc tế những ấn tượng tuyệt vời. Từ những thân tre nứa, vỏ bầu, dây rừng, bàn tay khéo léo của các chàng trai Jrai đã tự làm nên những chiếc: t’rưng, krông pút, đinh pơ, chuông gió… và đặc biệt trong dàn nhạc này, 2 già làng đã lần đầu tiên mang lên sân khấu 2 giàn t’rưng vốn chỉ để đuổi chim trên rẫy, tạo nên ấn tượng đẹp cho người xem.
Ảnh: Hoàng Ngọc |
Với hành trang mang theo là 5 tiết mục gồm các bài: Chiêng đón khách, hòa tấu nhạc cụ “Suối Trăng”, hát dân ca “Azin làm theo lời Bác”, múa “Được mùa”, trích đoạn lễ hội pơthi (bỏ mả) đoàn Gia Lai luôn tạo được cho người xem cảm giác thích thú. Các tiết mục của đoàn luôn được chọn để tham gia hầu hết các hoạt động trong Tuần lễ tại làng văn hóa. Đặc biệt là trong buổi trình diễn chính tại Không gian làng Jrai (ở Đồng Mô), người đến xem vây kín cả trong và ngoài khuôn viên làng. Dù đã trình diễn đến 2 lần theo yêu cầu, nhưng khi vòng xoang và tiếng cồng chiêng Jrai đã dứt mà người xem vẫn còn tiếc nuối. Những bằng khen, giấy khen mà đoàn được trao tặng, là ghi nhận của Ban tổ chức đối với đóng góp tuyệt vời của các nghệ nhân dân gian đích thực, bước ra từ huyện biên giới xa xôi của Gia Lai.
Những năm gần đây, nhiều hoạt động nghiên cứu, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể trong tỉnh được triển khai đã giúp chúng ta phát hiện thêm nhiều giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc. Từ những đốm sáng này, ngọn lửa văn hóa phi vật thể của các dân tộc Gia Lai rất cần được thổi vào, để nó đủ sức bùng lên và lan tỏa.
TS. Nguyễn Thị Kim Vân