Kinh tế

Nông nghiệp

Điểm tựa giúp nông dân Chư Prông phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã có những hỗ trợ thiết thực giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Phát huy hiệu quả vốn vay
Được bố mẹ cho 2 ha đất nhưng không có vốn nên trước đây, gia đình ông Kpuih Bech (làng Xom Pốt, xã Ia Pia) chỉ trồng mì và đậu bắp, mỗi năm thu 15-20 triệu đồng. Năm 2015, nhờ vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, ông chuyển đổi sang trồng cà phê. “Mình đào giếng để lấy nước tưới rồi mua cây giống về trồng. Mỗi năm trồng một ít rồi mở rộng diện tích ra. Hiện 2 ha cà phê mỗi năm cho thu hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 100 triệu đồng. Ngoài ra, mình còn được hỗ trợ 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để mua bò về nuôi và đến nay đã đẻ được 2 con. Mới đây, mình mua thêm 4 con nữa nên đàn bò đã tăng lên 7 con. Giờ gia đình mình đã thoát nghèo”-ông Bech cho hay.  
Đến nay, ông Bech đã thoát nghèo bền vững khi có hơn 2 ha cà phê và 7 con bò. Ảnh: Nhật Hào
Ông Bech đã thoát nghèo bền vững khi có hơn 2 ha cà phê và 7 con bò. Ảnh: Nhật Hào
Tương tự, gia đình anh Siu Lâu (làng Bang Ngol, xã Ia Bang) đã thoát nghèo nhờ được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Anh Lâu cho biết, trước đây, anh có 2,7 ha đất nhưng chỉ trồng mì nên thu nhập thấp. Năm 2009, anh chuyển sang trồng cà phê; đến năm 2016 thì chuyển đổi được 1,2 ha. Năm 2017, anh được Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp ngân hàng để cho vay 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, anh mua cây giống và phân bón trồng thêm 3 sào cà phê. Hiện nay, diện tích cà phê của gia đình anh Lâu mỗi năm cho thu 3 tấn nhân, bán được gần 120 triệu đồng. “Ngoài 1,5 ha cà phê đã cho thu, năm 2019, tôi trồng thêm được 1 ha cà phê. Diện tích này cuối năm nay sẽ cho thu chính”-anh Lâu vui vẻ nói.
Theo bà Siu H’Ler-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Prông, nguồn vốn có vai trò quan trọng để hội viên nông dân đầu tư sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Do đó, các cấp Hội đã tích cực phối hợp để giúp hội viên nông dân được tiếp cận các nguồn vốn vay. Đến nay, Hội phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện quản lý tổng dư nợ hơn 131,9 tỷ đồng, giúp 3.335 hộ vay vốn. Bên cạnh đó, tổng số Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội quản lý cho vay là trên 4 tỷ đồng đã giúp nhiều hội viên thực hiện các dự án phát triển kinh tế hiệu quả hơn. Trong đó, vốn của trung ương và tỉnh ủy thác cho vay là 1,9 tỷ đồng, vốn hỗ trợ nông dân huyện quản lý cho vay gần 1,65 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ nông dân do xã vận động bàn giao về huyện quản lý là hơn 496 triệu đồng.
Nhiều hoạt động hỗ trợ
Bên cạnh hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay, các cấp Hội Nông dân huyện Chư Prông còn đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; thành lập các nông hội, tổ hội, tổ hợp tác để hội viên trao đổi kinh nghiệm cũng như hỗ trợ nhau về đầu ra sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ cây-con giống, kỹ thuật để hội viên sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Tính từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức và trực tiếp tổ chức 177 lớp tập huấn kỹ thuật cho 10.995 lượt người; phối hợp với phòng, ban chuyên môn mở 30 lớp đào tạo nghề cho 997 lao động; hỗ trợ cây giống cho hội viên tái canh 828 ha cà phê, 335 ha điều, mua 141 tấn phân bón trả chậm và tổ chức nhiều buổi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả.
Hội Nông dân xã Ia Vê (huyện Chư Prông) hỗ trợ mô hình sinh kế cho hội viên nghèo. Ảnh: Nhật Hào
Hội Nông dân xã Ia Vê (huyện Chư Prông) hỗ trợ mô hình sinh kế cho hội viên nghèo. Ảnh: Nhật Hào
Cùng với đó, các cấp Hội đổi mới hình thức hỗ trợ bằng cách triển khai nhiều mô hình sinh kế. Từ đầu năm đến nay, đã triển khai 5 mô hình sinh kế, qua đó hỗ trợ 14 con giống trị giá 53,4 triệu đồng cho hội viên. Theo ông Đinh Quang Tuyến-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Vê: Mỗi năm, Hội phấn đấu giúp 10 hộ hội viên thoát nghèo. Vì vậy, ngoài hỗ trợ vay vốn, Hội cũng đã triển khai mô hình sinh kế và tập huấn kỹ thuật để hội viên có điều kiện phát triển kinh tế. Còn ông Siu Giỏi (làng Aneh, xã Ia Vê) thì chia sẻ: “Nhà mình chỉ có vài sào cà phê nên thu nhập chẳng bao nhiêu. Được Hội Nông dân xã hỗ trợ 1 cặp dê, mình mừng lắm. Mình sẽ chăm sóc dê thật tốt để phát triển thành đàn nhằm cải thiện thu nhập”.
Trao đổi với P.V, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Năm 2021, toàn huyện có 4.047 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 30% tổng số hội viên nông dân, đạt 21% so với hộ nông nghiệp trên địa bàn. “Sau khi rà soát theo tiêu chí mới, toàn huyện còn 1.616 hộ hội viên nghèo. Do đó, thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, tổ chức các buổi tham quan, tập huấn, hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật; đồng thời, có kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân để nâng cao trình độ sản xuất và huy động tối đa các nguồn vốn, khoa học công nghệ mới giúp hội viên nông dân áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, phát triển nông nghiệp bền vững”-bà Siu H’Ler nhấn mạnh. 
NHẬT HÀO

 

Có thể bạn quan tâm