Phóng sự - Ký sự

"Diện kiến" những "hiệp sỹ rùa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO) - Hàng năm cứ vào tháng 7, tháng 8 cho đến hết tháng 10, 11 âm lịch rùa biển trưởng thành lại dò đường trở về nơi chúng được sinh ra để đẻ trứng. Hẹn hò mãi, tôi mới quyết định cùng anh Dũng của phòng bảo tồn - Vườn quốc gia Núi Chúa đi xuống bãi Thịt (thuộc thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, tỉnh Ninh Thuận) vào một buổi chiều thứ 4 để được diện kiến những “hiệp sỹ rùa”- những người làm công việc cứu hộ và chờ trực, chụp hình cho bằng được giây phút rùa biển “vượt cạn”.
 

Toàn cảnh bãi Thịt, nơi rùa đẻ nhiều nhất nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Minh
Toàn cảnh bãi Thịt, nơi rùa đẻ nhiều nhất nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Minh

Thẳng tiến bãi rùa

Hai chiếc xe máy vượt hơn 60 cây số dọc theo bờ biển từ thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải đến thôn Thái An, xã Vĩnh Hải. Gửi 1 chiếc xe lại trạm kiểm lâm của thôn và mượn thêm 2 chiếc võng chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình.

Vượt qua những vườn ớt Thái An, tôi nhận ra bãi rùa đẻ bằng tấm bảng đồ có ghi chữ rõ to “khu bảo tồn”. Đâm xuyên qua rừng dương, dưới bánh xe là con đường cát. Thế nhưng chiếc xe máy của Dũng cứ băng băng. Được biết, Dũng gắn bó với Vườn quốc gia được 4 năm, trước đây anh đã từng sống ở miền Tây sông nước, nghiên cứu về con giống tôm, cá. Trời ngả về chiều, mấy chú bò nhởn nhơ gậm cỏ vì được chủ thả rong  lâu ngày trên núi, mấy con chim lạ chao đi chao lại, chốc chốc hạ xuống đậu trên lưng, trên cổ bò như những đôi bạn thân!

Đi được hơn 1 cây số đường cát, qua hết rừng dương, hết rừng dứa rồi đến rừng… xương rồng (xương rồng đương nở hoa đỏ và đậu trái thật nhiều!) mới đến căn nhà canh rùa được xây bằng gạch táp lô, tềnh toàng, không cửa, trống trơn. Dũng để xe vào và khóa xe lại. Anh tin chắc rằng an ninh ở đây rất ổn và khẳng định để trấn an tôi rằng anh thường xuyên xuống đây và qua đêm, phải để lại xe ở đây. Buổi tối cũng không ai ra đây làm gì ngoài đội cứu hộ rùa và ai cũng ngủ ngoài bãi cả.

Theo lối mòn chúng tôi ra bờ biển, đồ đạt lỉnh kỉnh vất vả vô cùng vì phải đi trên cát lún. Được khoảng 200m là gặp biển, lúc này Dũng chỉ tay và bảo phía trước có 3 người đang chờ. Họ cho hay dưới chân chúng tôi đang đứng lúc ấy chính là một ổ trứng rùa vừa “vượt cạn” tối qua. Dũng tiếc rẻ vì nếu đi sớm một ngày thì có lẽ chúng tôi đã gặp may! Vẫn chưa hết mệt vì quãng đường đi nhưng với khung cảnh biển trước mặt, chúng tôi lại thêm phần hào hứng!
 

Khi có thông tin về rùa biển bị bắt, vườn quốc gia Núi Chúa kết hợp với kiểm lâm tuyên truyền và đưa rùa về biển an toàn. Ảnh: Đức Minh
Khi có thông tin về rùa biển bị bắt, vườn quốc gia Núi Chúa kết hợp với kiểm lâm tuyên truyền và đưa rùa về biển an toàn. Ảnh: Đức Minh

Phải lặn lội thêm 2 cây số đường bộ nữa mới đến được bãi Thịt - nơi rùa đẻ nhiều nhất. Về cái tên bãi Thịt, tôi được các cán bộ của Vườn quốc gia kể lại rằng, dân ở đây sống chủ yếu bám biển, ngày xưa, mỗi khi cần thức ăn, người ta lại xuống bãi này giết rùa lấy thịt, lật cát lấy trứng. Dễ như giết con gà nhà nuôi vậy! Cho đến khi sách đỏ “xếp” loài rùa biển vào diện được bảo tồn! Tuy nhiên, trong những năm đầu, thói quen bảo tồn loài rùa biển vẫn chưa được hình thành và từ việc nghe tin báo có ngư dân bắt được rùa, các cán bộ của Vườn phải tức tốc đến tận địa phương, vào gặp tận nhà dân để tuyên truyền xin được thả rùa về biển. Và đôi khi vì đường khá xa nên đến chậm, những cán bộ lại chỉ mang được về chiếc mai rùa trong sự buồn bực, nuối tiếc.

... Đoạn đường đến bãi thịt lúc này quả thật làm tôi rất hào hứng. Đã khoảng 5 giờ chiều, thủy triều rút để lộ ra rạn san hô đầy màu sắc: cam, xanh, tím… (chứ không chỉ là màu trắng đơn thuần tôi vẫn thường thấy trên cung đường quốc lộ qua xã Cà Ná - Thuận Nam - Ninh Thuận). Dũng ra hiệu tôi bước theo anh vừa đi vừa mò ốc, bắt cua chuẩn bị “mồi” cho đêm nay. 3 người đàn ông bản địa tỏ ra thuần thục trong công việc quen thuộc! Loáng cái họ đã bắt được đầy rổ ốc, ghẹ… Riêng tôi chỉ bắt được vỏ sò tai tượng thật to mang về kỷ niệm và 1 con hải sâm…

Căn chòi được dựng bằng thân cây dương, chỉ có mái che bằng vài tấm tôn, tôi nghe thấy lạnh vì gió chiều thổi qua những tán dương vi vút. Phía chân núi là mô hình nuôi dong trên cát - đây là chương trình hỗ trợ sinh kế vùng biển. Nó góp phần đảm bảo kinh tế cho những ai tình nguyện tham gia vào đội cứu hộ rùa biển ở thôn Thái An này. Theo số liệu thống kê của phòng bảo tồn VQG Núi Chúa thì 1 năm có khoảng trên dưới 100 lượt đẻ. Nhiều nhất là năm 2001, đội tình nguyện đã cứu hộ được 23 tổ trứng với khoảng 2000 rùa con được thả về biển (trứng rùa khoảng từ 5 - 7 tuần thì nở). Theo bảng so sánh trong vòng 25 năm nay thì loài rùa xanh bị suy giảm 80%, loài đồi mồi suy giảm đến 90%. Nguyên nhân chủ yếu là do đánh bắt lấy thịt, trứng và làm đồ trang sức. Chính vì thế, năm 2000, Quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã WWF (World Wide Fund For Nature) đã kết hợp với VQG Núi Chúa thành lập tại Ninh Thuận đội tình nguyện gồm 8 thành viên với nhiệm vụ: thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rùa biển tại địa phương; Theo dõi và ghi chép thông tin về rùa biển xảy ra hàng ngày, tiến hành công tác bấm thẻ đánh dấu rùa; Quản lý bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái và các loài động thực vật quý hiếm khác như: san hô… Kế đó, Quỹ WWF còn tổ chức tập huấn về cách cứu hộ rùa, đeo thẻ, di dời trứng rùa đến nơi an toàn cho cán bộ VQG và các tình nguyện viên. Kết quả đạt được trong những năm đầu thực hiện đã có 100% tổ trứng rùa được bảo vệ và được thả về biển an toàn.

Trời gần tối, theo chân Dũng tôi đi dọc bãi thịt, nơi đây có rạn san hô nên rất phong phú các loài sinh vật, đặc biệt là hải sâm - thức ăn giàu đạm và bổ dưỡng tại các nhà hàng sang trọng. Hải sâm tươi được bắt bỏ ruột ngay tại chỗ, mang về phơi khô bán chỉ được 60 ngàn đồng/kg cho các thương lái. Thơ thẩn với biển thật lâu, tôi được anh cho biết thêm về các tour du lịch của những công ty trong và ngoài tỉnh Ninh Thuận rất thường xuyên tổ chức cho hành khách một đêm ngủ tại bãi thịt với phong cảnh thơ mộng, nghe gió ào ào, biển rì rào, tối ngủ phủ cát tránh muỗi hay chống cột mắc hai đầu võng, ngắm sao. Vừa tìm cảm giác lạ, thoải mái hòa mình với thiên nhiên, vừa tuyên truyền về công tác bảo vệ VQG Núi Chúa nói chung và loài rùa nói riêng, hết sức thú vị!

Diện kiến những "hiệp sỹ rùa"

Khi nói chuyện với cán bộ phòng bảo tồn của VQG Núi Chúa về loài rùa biển và đội tình nguyện, họ gọi công việc của những người làm công tác bảo hộ rùa biển ấy là … hiệp sỹ. Còn tôi vừa đùa, vừa thật, tôi gọi họ là hiệp sỹ… rùa!

Bữa chiều, chúng tôi bắt đầu ngồi lại, bày những thức ngon bắt được ngoài rạn ra. Tất cả đều luộc lên rồi chấm muối. Nhưng mỗi thứ một vị mà tôi chưa từng thưởng thức bao giờ (ngoài cua, ghẹ!). Ốc mặt trăng - loại ốc này to, vỏ xù xì, có màu và độ cứng như đá. Riêng cái “cửa nhà” của nó là một viên xà cừ hình tròn dẹp nhiều mầu sắc. Đây là lý do nó có tên ốc mặt trăng. Ốc này ăn rất bùi và bổ vì thức ăn của chúng thuần là tảo biển. Ốc hoa - Loại ốc này vỏ xà cừ rất đẹp thường được bán với giá 40 ngàn đồng/kg vỏ. Bình thường vẫn thấy loại vỏ ốc này được bán sau khi được khắc hình, trạm chữ tại các khu du lịch (nó còn có cái tên dân dã mà cư dân nơi đây vẫn dùng - tên tục chỉ yoni, vì khi đã bóc vỏ, trông thịt loại này rất giống). Rạn có 1 loại cua mà không ăn được. Nó thường sống trông ngóc ngách của san hô và bề ngoài rất dễ lầm với san hô. (Tôi đã bắt được một con to nhưng nghe nói vừa mới có 2 người chết vì ăn nhầm phải nó, lại thấy hãi!)

Một rổ to toàn sò, ốc, cua, ghẹ luộc bày ra, muốn ăn ốc thì lấy đá đập nát vỏ. Ăn sò thì lấy dao nậy, chấm vào muối mì tôm. Bây giờ mới thấy công dụng của thùng bia mà tôi cất công đem theo cả buổi chiều. Tuy vậy, người dân biển lại thích rượu! Ngoài trời gió uống vừa ấm, nhâm nhi món biển vừa ngon, lại vừa không sợ … đau bụng!

Dưới ánh đèn pin sạc, thứ ánh sáng xanh mờ mờ càng làm nên vẻ huyền ảo của bãi bờ Ninh Hải. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện sau vài lần chạm lon! Anh Nguyễn Văn Đạo (sinh năm 1972) đã có  5 năm là tình nguyện bảo hộ rùa biển. Anh Huỳnh Hồng Tuấn (sinh năm 1970) với 4 năm kinh nghiệm và anh Nguyễn Tấn (sinh năm 1971) là người có thâm niên rất lâu, 8 năm. Bình thường họ là những người nông dân chân chất. Nhà có ruộng, có vườn mùa nắng trồng hành, mùa mưa trồng tỏi, vài mẫu trồng ớt để sinh nhai. Thỉnh thoảng đi biển gần bờ vừa thỏa chí con miền biển vừa kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Anh Đạo chia sẻ: “Hồi nhỏ thấy nhiều người bắt rùa biển ăn thịt, mình cũng bắt, cũng ăn. Nhưng đến khi thấy mấy chú, mấy ông ra sức bảo vệ thì mình không bắt nữa. Đến bây giờ đã không ăn thì chớ, mỗi lần thấy rùa biển bị làm thịt thì lại ứa nước mắt. Làm tình nguyện thì thật cực! Nhưng thấy rùa đẻ lại là cái thú vui. Biển đêm vừa mát, vừa yên tĩnh. Mình là dân chài lưới nên thành ra cực khổ cũng thành thường!”.
 

Các tình nguyện viên đánh dấu, bấm thẻ và đo kích thước trước khi đưa rùa về biển. Ảnh: Đức Minh
Các tình nguyện viên đánh dấu, bấm thẻ và đo kích thước trước khi đưa rùa về biển. Ảnh: Đức Minh

Được biết, đội tình nguyện bảo hộ rùa biển do Quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã WWF (World Wide Fund For Nature) thành lập từ năm 2000. Lúc đầu có 8 thành viên hoạt động không hưởng lương. Tổ chức này cho xây 2 ngôi nhà sử dụng năng lượng mặt trời để chiếu sáng tại 2 địa điểm là bãi Thịt và bãi Hỏm. Hiện đội có 11 người, đều là bà con nông dân ở thôn. Trong đó, thâm niên nhất là nông dân Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1959) với 11 năm tình nguyện. Ngoài ra, khi trao đổi với cán bộ của VQG, tôi được biết, trước đây, trong đội tình nguyện có một ông cụ là người lão luyện trong việc bắt rùa, giết thịt đã “gác kiếm” và ra sức bảo vệ loài bò sát quý hiếm này. Mọi người quên tên thật của cụ, chỉ còn nhớ cái tên thân thương mà người dân Thái An vẫn hay gọi là ông “nuôi đú” (đú là một trong những tên của loài rùa biển. Ở Ninh Thuận cũng có địa danh nổi tiếng núi Cà Đú). Khi hỏi thăm cụ thể hơn thì được hay ông cụ đã mất được 2 năm. Tuy nhiên, những hình ảnh về ông nuôi đú vẫn được anh em phòng bảo tồn lưu giữ và thường xuyên trình chiếu khi muốn quảng bá và tuyên truyên về rùa biển.

Gian nan canh gác cho rùa

Ở Việt Nam có 5 loại rùa biển, riêng vùng biển Ninh Thuận đã có đến 3 loại thường làm tổ trên thảm cỏ và sạn san hô là: rùa xanh, đồi mồi và quản đồng (hay còn gọi là đồi mồi dứa). Nhưng phần lớn lên bãi đẻ chủ yếu là loại rùa xanh. Mùa đẻ của chúng từ khoảng tháng 7, tháng 8 đến tháng 10, 11 âm lịch, tập trung nhiều nhất là vào tháng 7.

Đến nay, công tác bảo hộ rùa biển vẫn được duy trì thường xuyên. Đội tình nguyện tổ chức hàng đêm 3 người thay phiên nhau canh gác. Anh Nguyễn Tấn (sinh năm 1971) người có thâm niên 8 năm trong đội cho biết: “theo kinh nghiệm nếu trời không mưa, rùa thường lên bãi vào tầm 2,3 giờ sáng. Lúc thấy chim mòng biển kêu la (vì mòng biển thường làm tổ dưới thảm cỏ) là anh em cầm đèn pin đi”. Canh rùa đẻ cũng phải thật nhẫn nại, vì nếu thấy động rùa không đẻ nữa và quay trở lại biển. Khi rùa lên, anh em chỉ được đứng ở xa canh chừng, khi đến nơi an toàn, đảm bảo thủy triều không bén nước thì rùa mới bắt đầu “hạ sinh”. Lúc rùa biển bắt đầu đẻ trứng mọi người mới được đến gần. tiến hành công tác như bấm thẻ đánh dấu, đếm trứng và nếu rùa đẻ dưới mực nước thủy triều thì phải di dời đến nơi khô ráo. Canh rùa đẻ xong, bảo hộ tổ trứng, tình nguyện viên còn phải canh chừng rùa mẹ được trở về biển mới hết việc. Anh Nguyễn Văn Đạo (sinh năm 1972), tình nguyện viên đội cứu hộ rùa biển cho biết: “Có những hôm trời mưa cũng phải mặc áo mưa lặn lội xuống bãi vì mưa lâm râm là lúc rùa thường lên bãi nhất. Cũng có nhiều khi rùa lên bờ, thấy động rồi lại xuống biển, một đêm mấy lần như vậy, anh em cũng phải thức canh để bảo hộ cho đến khi rùa về biển được an toàn”. Và nhiều hôm có đến 2, 3 ca rùa đẻ, các anh phải thức cho đến sáng. Nhưng có lẽ đối với họ được hàng đêm xuống bãi, làm nhiệm vụ đã là công việc rất đỗi bình thường và cần thiết. Vậy mới hiểu tinh thần trách nhiệm và sự yêu mến mà những người dân nơi đầy dành cho loài rùa biển quý hiếm.

Đêm tôi cùng “hiệp sỹ rùa” đi tuần dọc bãi Thịt dài 3 cây số, mong mỏi có “nàng” rùa nào “hạ sinh” để được “bảo hộ” một lần. Nhưng có lẽ với tôi, cái cơ duyên ấy chưa đến. Võng được cắm cọc, treo hai đầu chờ người ngủ. Biển đêm chỉ có ánh đèn pha của ngư dân rà suốt trên rạn. Thủy triều đã lên. 5 giờ sáng, mọi người vừa kết thúc ca tuần cuối. Tôi cũng mệt mỏi cuốn võng trở về. Đường đi về phải vòng qua một ngọn đồi vì nước đã ngập sâu rạn san hô chiều qua. Sau một đêm mệt mỏi, bước từng bước chân trên đá lại thầm khâm phục tinh thần và tình yêu thiên nhiên, yêu rùa biển của những người tình nguyện. Hẹn có một dịp nào trở lại, tôi cũng sẽ đến vào đúng mùa này, để tận mắt chứng kiến cho được một ca “đỡ đẻ” của các anh - những “hiệp sỹ rùa”.

Đức Minh

Có thể bạn quan tâm