Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Điều tra dư luận xã hội trực tuyến về dịch Covid-19: Thiết thực, hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiến hành điều tra dư luận xã hội (DLXH) thông qua ứng dụng Zalo nhằm thu thập nhanh ý kiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về một số vấn đề liên quan. Đây là lần đầu tiên việc điều tra DLXH được thực hiện trên mạng xã hội nhưng đã đem lại kết quả tích cực.
Chuyên viên Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo tổng hợp kết quả điều tra DLXH về tình hình dịch bệnh Covid-19 qua ứng dụng Zalo. Ảnh: H.T
Chuyên viên Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo tổng hợp kết quả điều tra DLXH về tình hình dịch bệnh Covid-19 qua ứng dụng Zalo. Ảnh: H.T
TRIỂN KHAI NHANH CHÓNG
Theo ông Trần Đức Hùng-Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), cuộc điều tra nhằm kịp thời nắm bắt DLXH trên địa bàn tỉnh về tình hình dịch Covid-19, từ đó đề xuất các giải pháp phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như định hướng tuyên truyền phòng-chống dịch bệnh trong thời gian tới. Trước đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch, mẫu phiếu và quyết định tiến hành điều tra DLXH qua mạng xã hội Zalo dựa trên cơ sở tiếp cận phần mềm từ Ban Tuyên giáo Trung ương. Phiếu xin ý kiến bao gồm phần thông tin cá nhân và 9 câu hỏi kèm theo được thiết kế dưới dạng biểu mẫu điện tử với những nội dung chủ yếu như: mức độ quan tâm đến các tin tức có liên quan đến dịch Covid-19; các kênh tiếp cận thông tin về dịch bệnh; diễn biến tâm lý và hành vi của bản thân và người xung quanh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh; đánh giá về việc triển khai hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế toàn dân (ứng dụng NCOVI); niềm tin vào công tác phòng-chống dịch của tỉnh; đề xuất thời gian cho học sinh các bậc học đi học trở lại; ảnh hưởng của dịch bệnh đến nguồn thu nhập của gia đình…
Phiếu xin ý kiến điều tra DLXH được thiết kế dưới dạng biểu mẫu điện tử. Ảnh: H.T
Phiếu xin ý kiến điều tra DLXH được thiết kế dưới dạng biểu mẫu điện tử. Ảnh: H.T
“Chúng tôi đã gửi phiếu đến Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Sở Y tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh, Ban Tuyên giáo các Đảng ủy trực thuộc và cộng tác viên DLXH cấp tỉnh qua Zalo để các ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân gửi đến các nhóm bạn bè, người thân, đồng nghiệp đang công tác, học tập và sinh sống trên địa bàn để xin ý kiến. Thời gian điều tra bắt đầu từ 8 giờ ngày 20-3 và dự tính kết thúc lúc 8 giờ ngày 27-3 hoặc khi đạt số lượng 10 ngàn người trả lời phiếu. Tuy nhiên, đến 13 giờ ngày 23-3, tức chỉ mới hơn sau 3 ngày triển khai, số lượng phiếu trả lời đã đạt mốc kế hoạch đề ra. Điều đáng nói là dù mới triển khai lần đầu nhưng so với hình thức điều tra truyền thống qua giấy trước đây, quy mô của cuộc điều tra này tăng gấp 10 lần, đồng thời rút ngắn được thời gian và tiết kiệm nguồn kinh phí ngân sách phải chi trả”-ông Hùng cho biết.
Sở GD-ĐT được đánh giá là một trong những đơn vị phối hợp điều tra DLXH khá nhanh và hiệu quả với khoảng trên 5.000 phiếu trả lời. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long thông tin: Sau khi nhận được kế hoạch của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở đã có văn bản chỉ đạo gửi Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên và các trường phổ thông trực thuộc, đề nghị thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị thực hiện việc trả lời phiếu điều tra DLXH (mỗi người chỉ trả lời 1 lần) về tình hình dịch Covid-19 theo đường link gửi kèm qua ứng dụng Zalo. Đây là vấn đề mang tính thời sự nên khi triển khai đã thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên, phụ huynh lẫn học sinh tham gia trả lời, góp phần giúp cuộc điều tra hoàn thành sớm hơn thời gian dự kiến.
Tương tự, nhiệm vụ này cũng được Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Thiện tập trung chỉ đạo thực hiện. Ông Phạm Văn Phương-Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy-cho hay: “Trong vòng 2 ngày, toàn huyện đã có khoảng 1.000 người với đủ thành phần, đối tượng tham gia trả lời phiếu điều tra DLXH trực tuyến qua mạng Zalo. Giữa đại dịch Covid-19, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân về những vấn đề liên quan thông qua ứng dụng mạng xã hội là vô cùng thiết thực để có hướng lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và mang tính thực tiễn”.
ĐỒNG TÂM CHỐNG DỊCH
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, kết quả điều tra và phân tích số liệu cho thấy, hầu hết cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh luôn quan tâm, theo dõi sát sao diễn biến của tình hình dịch bệnh; tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch theo khuyến cáo và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền. “Đặc biệt, qua điều tra có đến 99,13% người tham gia trả lời phiếu cho rằng, việc người dân tự nguyện khai báo, cung cấp thông tin trên ứng dụng khai báo y tế toàn dân NCOVI để phục vụ công tác phòng-chống dịch là rất cần thiết. Cũng có người chưa biết đến ứng dụng này, tuy nhiên tỷ lệ không đáng kể, chỉ chiếm 0,67%. Điều đó chứng tỏ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng-chống, ý thức tự giác của người dân ngày càng được nâng cao”-ông Hùng đánh giá.
Qua điều tra, nhiều người đề xuất chỉ cho học sinh đi học trở lại khi Việt Nam công bố hết dịch. Ảnh: H.T
Qua điều tra, nhiều người đề xuất chỉ cho học sinh đi học trở lại khi Việt Nam công bố hết dịch. Ảnh: H.T
Ngoài ra, kết quả điều tra còn thể hiện sự tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào việc tỉnh ta sẽ kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19; đồng thời bản thân mỗi người sẽ bình tĩnh, chủ động, chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền các cấp tham gia phòng-chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến mong muốn Tỉnh ủy, UBND tỉnh có giải pháp cụ thể để giúp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh; chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi không khai báo, khai báo không trung thực về tình hình dịch bệnh; tạo tin đồn, tung tin, phát tán, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về dịch bệnh; đề xuất chỉ cho học sinh đi học trở lại khi Việt Nam công bố hết dịch.
“Tuy nhiên, cũng từ cuộc điều tra, có thể thấy quá trình triển khai công tác phòng-chống dịch ở một số địa phương có lúc chưa quyết liệt, kịp thời, còn chủ quan, lúng túng; công tác thông tin, tuyên truyền của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, tuyên truyền viên cơ sở và y tế thôn, làng còn hạn chế, thiếu kịp thời”-ông Hùng nhận định.
Căn cứ vào tình hình thực tế và kết quả điều tra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh một số giải pháp nhằm phòng-chống dịch bệnh trên địa bàn trong thời gian đến.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm