Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Điều ước cho nhà rông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu có một điều ước cho nhà rông, tôi sẽ ước tất cả đều được khôi phục lại hình hài, vóc dáng vốn có.

Ai đã từng đứng trước nhà rông làng Rắc, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, hẳn sẽ chia sẻ với tôi cảm giác tiếc nuối khi ngắm nhìn kiến trúc hiện đại và mái tôn xanh đỏ.  

Theo những bậc cao tuổi trong làng, trước đây, nhà rông cũ của làng được làm bằng gỗ, tre, mái lợp tranh. Tuy nhiên, khi xây dựng công trình thủy điện Ya Ly, vị trí cũ bị ngập dưới lòng hồ, phải di dời lên vị trí hiện nay, bên chủ đầu tư đã đền bù, dựng lại nhà rông mới bằng bê tông.

Nhà rông mới tuy có bền hơn đấy, nhưng tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang trở nên lạc điệu, mất sức sống. Dân làng không còn gần gũi nhà rông như xưa, mà nhớ nhà rông cũ, được dựng lên từ những vật liệu của núi rừng.

Có rất nhiều nhà rông ở các làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh bị “biến tấu” như vậy, trong quá trình phục hồi, sửa chữa hoặc làm mới. 

 

Dân làng sẵn sàng đóng góp hàng ngàn ngày công tìm tranh về lợp mái nhà rông. Ảnh: H.L
Dân làng sẵn sàng đóng góp hàng ngàn ngày công tìm tranh về lợp mái nhà rông. Ảnh: H.L


Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện toàn tỉnh chỉ có 218/435 nhà rông (51,2%) được xây dựng bằng vật liệu truyền thống (gỗ, tranh, tre, nứa, lá). Có tới 217 nhà rông (49,8%) được làm bằng vật liệu hiện đại, hoặc vừa hiện đại vừa truyền thống (bê tông, cốt thép, tôn…).

Ngay trên địa bàn thành phố Kon Tum, trong số 55 nhà rông hiện có thì gần 51% sử dụng vật liệu hiện đại (28 nhà rông); 10 nhà rông sử dụng vật liệu vừa hiện đại vừa truyền thống (tức là có thể dựng bằng cột gỗ, sàn gỗ, mái tôn; hoặc mái tranh, nhưng cột xi măng); chỉ có 17 nhà rông sử dụng vật liệu truyền thống.

Như nhà rông văn hóa thôn Plei Tơ Nghia (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) rất đẹp, rất bề thế, nhưng đáng tiếc, khi được sửa chữa vào tháng 5/2019 lại được lợp bằng tôn, gây tiếc nuối cho bao người.  

Vì vậy, tôi hiểu và chia sẻ niềm vui, niềm tự hào với ông A Jar khi nói về nhà rông của làng ông- làng Plei Đôn (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum). Khi được sửa chữa (tháng 5/2018), dân làng đã rất nỗ lực để nhà rông được giữ đúng nguyên mẫu nhà rông truyền thống của người Ba Na, với mái tranh, vách tre.

Trong buổi chiều mưa, tôi và ông ngồi dưới sàn nhà rông, nghe những giọt nước gõ lộp bộp trên mái tranh, trò chuyện về nhà rông. Hóa ra, đó là cả một kho tàng giàu có và độc đáo, vừa có những nét riêng của mỗi dân tộc, lại có sự hòa đồng, khái quát chung. Trong đó, điểm chung nhất là đều được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, như gỗ, tranh, tre, nứa...

Trong trí nhớ của ông A Jar, xưa kia, quanh bếp lửa giữa nhà rông, đêm này qua đêm khác, người già thường hát kể cho con cháu nghe những bản trường ca về những người anh hùng của dân tộc. Người đi trước truyền cho người đi sau cách trồng trọt, cách xem trời nắng mưa, cách sống với rừng và với người, cách ứng xử với người già, người trẻ, người quen, người lạ, với người còn sống và người đã chết, với thần linh.

Dưới mái nhà rông, dân làng hội họp để bàn bạc, quyết định những vấn đề lớn nhỏ liên quan đến đời sống của dân làng; là nơi tiếp khách của làng; nơi thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng của làng.

Tiếc thay, qua thời gian, cũng như những nét văn hóa khác du nhập, nhà rông truyền thống ở nhiều làng đồng bào DTTS đã và đang đối mặt với nhiều nguy cơ mai một dần giá trị và vai trò trong đời sống văn hóa, tinh thần của các tộc người- ông A Jar nói.

 

 Tôi chỉ ước nhà rông được trả lại hình hài, vóc dáng vốn có - ông A Jar nói. Ảnh: H.L
Tôi chỉ ước nhà rông được trả lại hình hài, vóc dáng vốn có - ông A Jar nói. Ảnh: H.L


Điều đáng mừng là trong những năm qua, tỉnh đã rất quan tâm đến việc đầu tư khôi phục nhà rông tại các làng đồng bào DTTS. Chỉ tính trong giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 289 nhà rông với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ và người dân đóng góp xây dựng.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, trong quá trình phục hồi, bảo tồn, phát triển nhà rông, đã xuất hiện tình trạng "hiện đại hóa" hay "bê tông hóa", "tôn hóa" nhà rông, đánh mất đi đặc trưng riêng có.

Một tin vui dành cho các làng đồng bào DTTS và cho… nhà rông là, Kế hoạch “Bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các DTTS tại chỗ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt. Không xa nữa, 54 thôn, làng đồng bào DTTS chưa có nhà rông truyền thống sẽ được đánh chiêng, múa xoang dưới mái nhà rông của làng mình.

Tôi từng hỏi ông A Jar, nếu có một điều ước cho nhà rông, ông sẽ ước mong gì. Ông nói ngay: Tôi ước tất cả nhà rông đều lấy lại được hình hài, vóc dáng vốn có.

Lẽ dĩ nhiên đây là điều khó khăn, bởi theo đánh giá của ngành chức năng và chính quyền địa phương, sự khan hiếm nguyên vật liệu từ rừng để làm nhà rông là nguyên nhân chính khiến nhà rông bị bê tông hóa, tôn hóa.

Nhưng thực tế cho thấy, khó nhưng không phải là không thể làm, nếu như trao cho dân làng quyền tự chủ trong xây dựng, để hình hài không bị “hiện đại hóa” một cách lạc lõng, vô hồn.

Nhà rông thôn Kon Tum Kơ Pơng, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum là một ví dụ như vậy. Được chính quyền hỗ trợ kinh phí, dân làng đã đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để vào rừng sâu tìm kiếm tranh, tre về làm vách, lợp mái. Tháng 5/2019, nhà rông hoàn thành, sừng sững giữa làng, mang đầy đủ đặc trưng của nhà rông Ba Na.

Vì vậy, dù biết khó, nhưng tôi cũng ước như ông A Jar!    

Ngày 31/8, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch “Bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025”, với mục tiêu bảo tồn và phát huy một cách đồng bộ giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các DTTS tỉnh Kon Tum. Đảm bảo đến năm 2022 có 100% làng đồng bào DTTS có nhà rông truyền thống; đến năm 2025 có 100% nhà rông truyền thống bị xuống cấp, hư hỏng được sửa chữa.


https://www.baokontum.com.vn/xa-hoi/dieu-uoc-cho-nha-rong-20630.html


Theo HỒNG LAM (baokontum)

Có thể bạn quan tâm