Kinh tế

Định hình các vùng chuyên canh cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chư Pah phát triển kinh tế dựa vào những cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su tiểu điền và nhiều cây trồng ngắn ngày khác. Song nhiều nông dân còn sản xuất theo phương thức truyền thống, sử dụng giống cây trồng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao… nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. 
 

Tiến hành ghép cành cà phê thay thế những cây năng suất thấp. Ảnh: Lê Nam
Tiến hành ghép cành cà phê thay thế những cây năng suất thấp. Ảnh: Lê Nam

Trước thực tế đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng các đề án áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt chú trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Mô hình cải tạo vườn tạp, đưa cây trồng mới như cao su, bời lời và hàng năm thực hiện tái canh cây cà phê... đã giúp nhiều hộ nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng hàng năm của huyện khoảng 24.300 ha. Trong đó, cây lương thực có hạt 5.193 ha, cây tinh bột có củ 2.770 ha, cây thực phẩm 710 ha, cây công nghiệp ngắn ngày 370 ha, cây công nghiệp dài ngày 13.857 ha và cây lâu năm khác 1.400 ha.

Để kinh tế hộ gia đình phát triển ổn định, huyện xác định phải cải tạo vườn tạp, chuyển đổi giống cây trồng, đưa nhiều giống cây trồng mới vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cây lúa được chú trọng hàng đầu. Các giống lúa mới như HT1, CH207, Hương Cốm, DV108, TH85 được đưa vào trồng đại trà, năng suất tăng lên gần 1 tấn/ha so với giống lúa địa phương. Ngoài cây lúa, cây cà phê cũng đang được người dân tích cực lai, ghép cải tạo giống cũ, thực hiện tái canh nhằm nâng cao năng suất. Nhiều địa phương như xã Nghĩa Hưng, Ia Nhin, Nghĩa Hòa, thị trấn Phú Hòa… năng suất cà phê đạt hơn 40 tạ nhân/ha. Hiện diện tích cây cà phê ổn định với hơn 8.200 ha. Ông Rơ Chăm Tâm-Phó Chủ tịnh UBND xã Ia Kreng cho hay: Đời sống người dân còn khó khăn. Cây trồng chủ lực chủ yếu dựa vào cây bời lời, mì, lúa. Cây cà phê còn ít người tiếp cận. Song chúng tôi đang tích cực thực hiện chuyển đổi cây trồng bằng cách đưa cây cà phê vào trồng với cách làm cán bộ đi trước, người dân theo sau, để giúp bà con ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, một số diện tích cây trồng cho thu nhập cao và ổn định cũng đang được đưa vào thay thế diện tích cây mì, lúa rẫy và bắp. Nếu như năm 2008 trên địa bàn huyện chỉ có khoảng hơn 650 ha cây cao su tiểu điền thì đến nay đã tăng lên gần 5.143 ha; cây bời lời từ 790 ha năm 2010 thì nay được nâng lên 1.250 ha tập trung chủ yếu ở các xã Ia Phí, Ia Khươl, Ia Kreng, Đak Tơ Ver, Hà Tây.

Ông Phạm Minh Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah cho biết: “Năng lực sản xuất và việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến tích cực. Họ đã biết đưa giống mới, năng suất chất lượng cao vào sản xuất. Chủ trương của huyện là trước mắt chuyển đổi diện tích lúa tại khu vực thường xuyên bị hạn sang trồng bắp, rau màu, đậu đỗ các loại nhằm giảm thiệt hại. Chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và tập trung phát triển cây trồng dài ngày. Chư Jôr, Chư Đăng Ya phát triển cây công nghiệp ngắn ngày; các xã Ia Khươl, Hà Tây, Đak Tơ Ver phát triển cây cao su, bời lời; các vùng còn lại phát triển cây cà phê, bời lời… Riêng diện tích cây bời lời trong thời gian qua liên tục tăng, là cây trồng phù hợp với trình độ canh tác của người dân, nhất là đối với trình độ canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số, có hiệu quả kinh tế cao và ổn định.

Để giúp nông dân phát triển kinh tế ổn định, bền vững và nâng cao đời sống người dân… Chư Pah đã chỉ đạo cho các bộ phận chuyên môn và người dân mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào trong nông nghiệp và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm