Phóng sự - Ký sự

Đỗ Huyên và những ký ức không quên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong những đợt công tác, tôi đã có dịp đến thăm gia đình một số cán bộ lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa từng tham gia giành chính quyền và tổ chức chính quyền lâm thời ở Gia Lai tháng 8-1945 như: gia đình cụ Phan Bá, Phan Thêm, Trung tướng Nguyễn Đường, Phạm Thuần, Trương Trợ…. Tuy phần lớn trong số họ không còn, nhưng ít nhiều tôi cũng được tiếp cận với các hồi ký hay lời kể của người thân về họ. Cũng may, một trong số ít người mà chúng tôi đến thăm và chuyện trò trực tiếp vẫn còn minh mẫn là ông Đỗ Huyên (trú phường An Khê, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng), nay đã trên 90 tuổi. Ông tham gia Đoàn Thanh niên Gia Lai ngay từ đầu ngày thành lập; tham gia giành chính quyền và tổ chức chính quyền cách mạng lâm thời ở Gia Lai và Kon Tum tháng 8-1945.
 Ông Đỗ Huyên (phải) trò chuyện cùng tác giả. Ảnh: Q.N
Ông Đỗ Huyên (phải) trò chuyện cùng tác giả. Ảnh: Q.N
Với ông, những năm tháng ấy thật đáng nhớ, đáng trân trọng. Câu chuyện của ông đã giúp tôi hình dung phần nào về biến cố trọng đại ở Pleiku năm đó. Ông kể: Ông sinh năm 1925, sau khi học hết bậc trung học tại Trường Trung học tư thục Thuận Hóa (Huế), tháng 1-1944 ông thi đỗ ngạch Thừa phái; tháng 10-1944, chính quyền đế quốc-phong kiến điều ông lên làm ở văn phòng Quản đạo Pleiku (cơ quan của Tỉnh trưởng Gia Lai bấy giờ). Là một trong những người có cảm tình với Việt Minh từ ngày còn là học sinh, đến Pleiku ông lại được tiếp xúc với các ông: Nguyễn Đường (thư ký Tòa sứ), Phan Bá (lúc đó là Thừa phái), Trần Ngọc Vĩ (thư ký Lục sự), Dương Thành Đạt (thư ký Tòa sứ), Nguyễn Xuân (thư ký Công chánh)… Đây đều là những thanh niên có tinh thần chống Nhật-Pháp. Nhờ vậy, ông dần dần nhận thức rõ hơn về độc lập dân tộc, về cách mạng giải phóng dân tộc. Từ đây, ông đã tham gia phong trào thể dục-thể thao “Khỏe để phụng sự đất nước” do các ông Phan Bá, Dương Thành Đạt, Trần Ngọc Vĩ… khởi xướng, qua đó tập hợp thanh niên yêu nước chống lại Nhật-Pháp. Ông còn tham gia dạy chữ quốc ngữ ban đêm để kết hợp tuyên truyền tư tưởng tiến bộ.
Đầu năm 1945, trên cơ sở phong trào “Khỏe để phụng sự đất nước”, ông cùng các đồng chí của mình thành lập Đoàn Thanh niên Gia Lai và bầu ông Trần Ngọc Vĩ làm Đoàn trưởng, có điều lệ và nội quy hoạt động riêng. Mục đích của Đoàn Thanh niên Gia Lai lúc bấy giờ là đẩy mạnh các hoạt động xã hội, cứu tế, làm vệ sinh công cộng…, đặc biệt là tuyên truyền chống lại quan lại thân Nhật, thân thực dân phong kiến hà hiếp, đàn áp, lừa bịp nhân dân. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, phong trào cách mạng của Việt Minh lên cao ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tại Gia Lai, Đoàn Thanh niên đã tổ chức các cuộc đấu tranh như đòi đổi tên quản đạo gian ác, hay vạch mặt tên Tỉnh trưởng của nội các Trần Trọng Kim tham lam, vơ vét của cải vào túi riêng. Nổi bật là cuộc đấu tranh trực diện chống tên Bộ trưởng Nguyễn Hữu Trí của nội các Trần Trọng Kim khi đến Pleiku với ý đồ giải tán Đoàn Thanh niên Gia Lai. Đoàn Thanh niên Gia Lai khi đó đã tập hợp lại, kịch liệt phản đối, chuẩn bị lực lượng, gậy gộc sẵn sàng ứng chiến. Đoàn đã cử các đại diện, trong đó có ông Đỗ Huyên, trực diện “khẩu chiến” với tên Bộ trưởng Nguyễn Hữu Trí, buộc tên này phải nhượng bộ. Trên đà đó, Đoàn Thanh niên Gia Lai tiếp tục mở rộng phong trào trong công nhân ở các đồn điền như chè Bàu Cạn, Biển Hồ, Đak Đoa và trong nhân dân.
Về sự kiện giành chính quyền ở Gia Lai, ông Huyên nhớ lại: “Tháng 8-1945, phong trào Việt Minh đã phát triển mạnh ở các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Giữa tháng 8-1945, Việt Minh Trung bộ cử phái viên lên gặp Đoàn Thanh niên Gia Lai và đánh điện ủy nhiệm cho Đoàn tổ chức giành chính quyền từ tay Nhật. Đoàn tức tốc cử người đi chuẩn bị vận động nhân dân tập trung về Pleiku biểu tình, mít tinh cướp chính quyền. Tôi được Đoàn phân công đi vận động ở đồn điền Biển Hồ và Đak Đoa, sau đó trở về tham gia tổ chức cuộc mít tinh ở Sân vận động Pleiku để cướp chính quyền và tuyên bố thành lập UBND lâm thời do đồng chí Trần Ngọc Vĩ làm Chủ tịch (ngày 23-8-1945). Sau khi cướp chính quyền ở Gia Lai, tôi được các đồng chí cử làm Ủy viên quân sự trong Ban Bạo động cướp chính quyền ở tỉnh Kon Tum. Tôi đã cùng với nhiều đồng chí khác của Đoàn tổ chức cướp chính quyền ở tỉnh Kon Tum thắng lợi hoàn toàn (ngày 25-8-1945)”.
Là một trong những bậc tiền bối của phong trào cách mạng ở Gia Lai, gắn bó với công cuộc xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ từ ngày đầu giành độc lập, ngay sau khi cách mạng thành công ở Gia Lai, ông Huyên được cử học tại Trường Quân chính Trung ương (Hà Nội). Về lại Gia Lai, từ tháng 11-1945 đến tháng 6-1946, ông lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng ban Tuyên truyền Trung đoàn 67; Trưởng ty Thông tin Gia Lai; Bí thư Thanh niên Cứu quốc tỉnh. Trong kháng chiến chống Pháp, sau khi chuyển về Quảng Nam (tháng 8-1946 đến 1947), năm 1948 ông trở lại Gia Lai tiếp tục làm Trưởng ty Thông tin, được kết nạp Đảng tháng 11-1948. Tiếp đó, ông làm Bí thư huyện 5 (Gia Kon); Phó Bí thư huyện Đak Bơt; gia nhập quân đội, công tác tại Trung đoàn 120. Năm 1954, ông là Trưởng đoàn tập kết ra Bắc. Ông kinh qua nhiều chức vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. 
 QUỐC NINH

Có thể bạn quan tâm