Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Độc đáo lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao Đỏ, phải trải qua mới trưởng thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong cộng đồng người Dao Đỏ (một nhánh của dân tộc Dao) ở miền núi phía bắc bao đời nay vẫn gìn giữ một nghi thức độc đáo: lễ cấp sắc. Đây là nghi lễ quan trọng bậc nhất mà bất cứ người đàn ông Dao Đỏ nào cũng phải làm một lần trong đời trải qua để được công nhận đã trưởng thành.

Trong cấp sắc thì lễ cấp sắc 12 đèn là bậc cao nhất với các màn trình diễn nghi thức văn hóa cầu kỳ được diễn ra trong 2 - 3 ngày liên tục. Lễ cấp sắc 12 đèn chỉ diễn ra một lần duy nhất trong năm, nên thu hút được sự quan tâm đông đảo của người dân địa phương và du khách gần xa.

Mới đây, chúng tôi đã chứng kiến tận mắt và cảm nhận về lễ cấp sắc 12 đèn tập thể, diễn ra vào dịp cuối năm 2022 âm lịch, ở xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

 

12 ngọn nến (đèn) trong nghi thức dâng đèn
12 ngọn nến (đèn) trong nghi thức dâng đèn.


Lễ cấp sắc 12 đèn ở Nậm Mười diễn ra để ghi nhận sự trưởng thành cho hàng chục đàn ông từ trẻ đến già. Những người đàn ông này đến từ 4 họ chính của người Đao Đỏ: Triệu, Đặng, Lý, Bàn ở trong vùng Văn Chấn. Buổi lễ diễn ra ở 2 địa điểm chính: trong căn nhà để thực hiện các nghi thức buổi tối và khu lễ đàn để thực hiện các nghi thức ngoài trời ban ngày.

 

Các nhạc cụ dân gian trong buổi lễ cấp sắc
Các nhạc cụ dân gian trong buổi lễ cấp sắc.


Khu vực trong nhà thực hiện nghi lễ buổi tối được chia ra các gian phòng như: khu bếp nấu ăn, gian nhà thực hiện nghi thức cho đàn ông và khu phòng để phụ nữ ở. Trong suốt quá trình thực hiện các nghi thức cho đàn ông buổi tối thì phụ nữ phải ở yên trong căn phòng của mình. Họ chỉ được ra ngoài khi đến bữa cơm và tiến hành các nghi thức ngoài trời.

Khu nhà bếp luôn luôn đỏ lửa để nấu các món ăn cho hàng trăm người tham gia buổi lễ. Riêng bữa ăn dành cho người được cấp sắc và phụ nữ đi theo đều là cơm chay.

Ấn tượng đầu tiên mà du khách có thể nhận thấy trong lễ cấp sắc chính trang phục và trang sức. Phụ nữ mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất với tông màu chủ đạo là đen xen cùng những chiếc dải màu vàng, đỏ.

 

Nhóm phụ nữ chuẩn bị dùng bữa cơm chay tại khu vực riêng
Nhóm phụ nữ chuẩn bị dùng bữa cơm chay tại khu vực riêng



Đặc biệt, chiếc mũ đội cao trên đầu của những phụ nữ có hoa văn, họa tiết cầu kỳ, sặc sỡ được đính nhiều loại trang sức như đồng xu, hạt châu, ngọc... Trên cổ họ là những chiếc vòng bạc tinh xảo.

Còn những người đàn ông được cấp sắc mặc các bộ áo dài truyền thống của dân tộc nhiều màu sắc. Trên đầu đội khăn mũ được đính các đồng xu bạc và dải len rủ xuống sau gáy.

Những tấm tranh thờ vẽ các vị thần, tiên của người Dao Đỏ, gắn với lịch người của dân tộc này từ hàng trăm năm trước cũng thu hút sự quan tâm của du khách. Hàng chục bức tranh thờ màu sắc rực rỡ được treo kín vách tường ở khu nhà làm lễ.

 

Nghi thức đốt giấy với hàm ý xua đuổi ma quỷ. Tranh thờ người Dao Đỏ được treo khắp gian phòng làm lễ
Nghi thức đốt giấy với hàm ý xua đuổi ma quỷ. Tranh thờ người Dao Đỏ được treo khắp gian phòng làm lễ


Nhưng nhân vật quan trọng nhất của lễ cấp sắc 12 đèn chính là những thầy cúng. Những thầy cúng uy tín, am hiểu kiến thức dân gian, có tầm ảnh hưởng trong vùng sẽ được mời đến để cùng thực hiện nghi thức. Họ cũng mặc trang phục như cánh đàn ông được cấp sắc.

Trong suốt buổi thực hiện nghi thức từ tối đến đêm khuya ở trong nhà và ban ngày ngoài lễ đàn, người dân và du khách sẽ được xem nhiều tiết mục văn hóa đặc sắc như rung chuông đọc văn khấn chữ Hán Nôm của người Dao Đỏ, múa rùa, múa với não bạt cầm tay, dâng đèn, đốt giấy, trao đạo sắc (trao ấn)....Nhiều đạo cụ âm nhạc dân gian phục vụ cho lễ cấp sắc 12 đèn như tù và, trống, thanh la, não bạt, chuông đồng…cũng được sử dụng.

 

Những phụ nữ đi từ nhà ra lễ đàn
Những phụ nữ đi từ nhà ra lễ đàn

Các nghi lễ đều hướng về sự hình thành, cư ngụ lâu đời, quá trình đấu tranh để tiêu diệt ma quỷ, thú dữ… bảo vệ bình yên cho bản làng, cây trồng, vật nuôi của người Dao Đỏ. Đặc biệt, là truyền thuyết về việc Ngọc hoàng trên trời sai các vị thần xuống trao đạo sắc cho người đàn ông trụ cột trong gia đình để có sức mạnh thực hiện những việc cao cả.

Chính từ truyền thuyết ấy, lễ cấp sắc 12 đèn được hình thành. Tất cả người đàn ông từ trẻ đến già đều phải làm một lần trong đời. Nếu ai không làm thì dù già, chết đi vẫn bị dân bản coi như đứa trẻ con.


 

Thầy cúng làm nghi thức trao đạo sắc (ấn) cho các cặp vợ chồng
Thầy cúng làm nghi thức trao đạo sắc (ấn) cho các cặp vợ chồng



Với những ý nghĩa cao cả và nét đẹp văn hóa mà lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao Đỏ nói riêng và các nhánh người Dao khác nói chung ở một số nơi tại Yên Bái, Tuyên Quang… đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
 

Theo Nguyễn Hường-Phong Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm