Độc đáo những ngôi chợ Bình Định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để khám phá đời sống kinh tế, văn hóa ở nông thôn, cách nhanh nhất là đến… chợ. Đây chỉ là nơi trao đổi hàng hóa nhưng mỗi địa phương có một kiểu cung-cầu tạo ra sự riêng biệt, độc đáo. Ở Bình Định có phiên chợ mỗi năm chỉ nhóm một lần vào mùng 1 Tết, có phiên chợ chỉ xuất hiện vào nửa đêm, có chợ độc mua bán một mặt hàng...
Chợ Chuối nằm ở trung tâm thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), là đầu mối của các nguồn chuối từ thượng nguồn huyện An Lão, Hoài Ân tập trung trước khi đổ về các chợ khác. Người mua bán chuối tập trung một góc đường, lâu dần thành chợ. Chợ chỉ bán chuối nhưng khá rộn ràng, nhất là những ngày gần Tết, mùng 1 hay ngày Rằm.
 Chợ Gò là một lễ hội văn hóa độc đáo ở Bình Định. Ảnh: Trường Đăng
Chợ Gò là một lễ hội văn hóa độc đáo ở Bình Định. Ảnh: Trường Đăng
Vào đến thôn An Lương (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) ta lại bắt gặp một ngôi chợ khá lạ: chợ Tre. Chợ nhóm theo phiên, 5 ngày/phiên vào mùng 3, mùng 8, 13, 18, 23, 28 (Âm lịch) của tháng, chỉ bán một thứ duy nhất là tre. Đến phiên chợ, người thì vác từng cây, người chở xe đạp, xe công nông rộn ràng từ chiều hôm trước. Họ sắp xếp tre theo hàng ngay ngắn, trên thân tre được khắc tên chủ nhân nên dù để gần cũng khó lẫn lộn. Bốn giờ sáng, chợ tre bắt đầu tấp nập. Trời hửng sáng là người mua đã chở tre về để làm sản phẩm cho kịp ngày lao động.
Ở thị trấn Gò Găng (xã Nhơn Thành, thị xã An Nhơn) lại có một phiên chợ đặc biệt và kỳ lạ hơn, đó là chợ Nón. Từ xưa đến giờ, kể cả khi đã có điện người dân vẫn giữ thói quen đến chợ lúc nửa đêm và chỉ thắp đèn dầu (đèn hột vịt). Theo một số người già thì chợ này đã có trên 300 năm và đi vào rất nhiều ca dao như: “Gò Găng có nón chung tình/Ở đây có thiếp một dạ với mình mình ơi”. Chợ họp rất sớm, kéo dài khoảng từ 2 giờ đến 5 giờ sáng. Giải thích về việc không dùng đèn điện, một người mua bán ở đây cho biết, chỉ có đèn dầu mới soi rõ đường chỉ, giúp chọn được nón đẹp. Người dân ở đây có nghề đan nón từ rất lâu đời, đến nay nghề này vẫn còn được lưu giữ và phát triển, để rồi hàng đêm chợ vẫn tô điểm cho đời sống nông thôn bằng những ánh đèn lung linh.
Một phiên chợ khác không thể bỏ qua khi đến Bình Định là chợ Gò, chỉ họp một lần trong năm tại gò Trường Úc (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước). Chợ Gò nhóm họp sau giao thừa cho đến hết ngày mùng 1 Tết. Chợ chủ yếu mua bán các loại trái cây, rau quả như sung, dừa, xoài... đặc biệt là có một túi gạo, muối nhỏ kèm theo chùm trái cau lá trầu mà ai cũng phải mua để chưng lên bàn thờ tổ tiên. Người đi mua không trả giá, người bán không nói thách. Mua là để lấy lộc đầu năm, họ cho rằng đầu năm thì không nên cò kè; người bán hàng bán được nhanh thì cả năm mới mua may bán đắt. Cái độc đáo của chợ là sự thân thiện, đầm ấm tình người. Không chỉ mua bán, người dân đi chợ còn chúc nhau những điều tốt đẹp năm mới; nhiều lễ hội truyền thống cũng diễn ra rộn ràng ở phiên chợ.
Một tên chợ khác chỉ đọc tên thôi đã phảng phất mùi hương, đó là chợ Rượu. Chợ Rượu vừa được phục dựng lại trên nền xưa ở thôn Thuận Thái (xã Nhơn An, thị xã An Nhơn). Nơi đây còn lưu giữ các địa danh bến Rượu, cầu Rượu, chợ Rượu. Thực ra, chợ bây giờ không còn bán rượu mà đã bán đủ loại hàng hóa thông thường. Tương truyền, chợ Rượu sầm uất vào thời kinh thành Hoàng đế Nguyễn Nhạc phồn thịnh, đáp ứng nhu cầu lễ nghi, giải trí của người dân có đời sống khá giả thời kỳ này. Vì nằm gần làng rượu nổi tiếng là Bàu Đá nên chợ khá đông đúc.
Bình Định là vùng đất hợp thành từ nhiều nền văn hóa. Khám phá hết những nét độc đáo của từng ngôi chợ mới mong hiểu được nét đặc sắc của đời sống, sinh hoạt cũng như của văn hóa ẩm thực của cư dân sinh sống trên vùng “đất võ, trời văn” này.
Trường Đăng

Có thể bạn quan tâm