Chúng ta từng tận dụng được thời gian vàng chống dịch nhưng đây cũng là thời gian vàng chống suy giảm kinh tế.
Kinh tế nước nhà bước sang tháng cuối cùng của quý 1-2020 bằng cơn lốc đỏ rực quét sạch hơn 55 điểm của tuần đầu tháng 3 trên sàn chứng khoán. Việc kinh doanh quán bar, rạp chiếu phim, vũ trường... cũng tạm ngưng trên nhiều thành phố để ngăn dịch.
Biện pháp hạn chế nhập cảnh với rất nhiều thị trường lớn đã được đưa ra.
Những biện pháp chống dịch chưa từng có, đang tác động từng ngày từng giờ lên nền kinh tế. Và cùng với đó là những hành động chia sẻ mang tính cộng đồng mà các doanh nghiệp sở hữu mặt bằng đang rầm rộ thực hiện với tinh thần cùng nhau vượt qua COVID-19, như đồng loạt giảm giá cho thuê hoặc liên kết lại để tiết giảm chi phí ở mức tối ưu, ngày càng lan rộng.
Những điểm sáng, nỗ lực này cần được lan tỏa để mức giảm từ 10-40% của thời gian đầu dần được phát huy tăng lên 40-80% đầy mạnh mẽ ở các thành phần đang sở hữu "tấc đất tấc vàng". Bởi suy cho cùng, đây cũng chính là cách để các doanh nghiệp tự cứu mình, tự tìm lấy cho mình cơ hội trong cái "nguy" mà dịch COVID-19 vẫn hoành hành chưa có điểm dừng.
Có thể nói, cả nước đang cùng Chính phủ bước vào giai đoạn "chiến đấu" mới. Giai đoạn "ướm" thử thuốc đã qua và đang có những biện pháp chưa từng có được áp dụng. Giới kinh doanh cũng chờ những hành động quyết liệt hơn từ nhiều cấp để vực dậy nền kinh tế, giảm thiểu khả năng bị tổn thương, từ đó vươn lên như kỳ vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, "văcxin có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường, vượt khó".
Nền kinh tế có thể sẽ thêm nhiều chỉ số suy giảm hơn trong các tháng tới, lúc mà nguồn nguyên liệu dự trữ của doanh nghiệp đã cạn kiệt và nguồn hàng mới vẫn chưa thể cập cảng, cũng như do tác động của các biện pháp mạnh vừa được áp dụng. Thất thu ngân sách đã ngày càng rõ hơn, khi TP.HCM "bay" mất hơn 1.600 tỉ đồng trong hai tháng đầu năm 2020, kèm theo đó là vốn đăng ký đầu tư giảm mạnh 42,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh đó, càng không thể để cho doanh nghiệp rơi vào tình cảnh thiếu sự đồng cảm từ cơ quan quản lý khi "đẻ" ra các thủ tục hướng dẫn quá phức tạp, như yêu cầu UBND cấp xã, phường, hoặc các ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp xác nhận thiệt hại cho doanh nghiệp. Hay bảo hiểm xã hội lại khóa luôn thẻ bảo hiểm của người lao động khi doanh nghiệp chậm nộp lương, cũng đi ngược với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng đối với việc giãn, hoãn, chậm nộp đã công bố.
Cuối cùng, doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu, có lẽ Chính phủ cũng cần thêm những hành động, như cắt giảm chi thường xuyên 10% như đã từng làm, thúc đẩy mạnh hơn tinh giản bộ máy... Thời gian vàng chống suy giảm kinh tế cần hành động quyết liệt như chống dịch. Nếu không, một loạt các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn có thể tác động đến nội thương và chỉ số giá tiêu dùng, kéo theo cơ hội tái phát triển hậu đại dịch có thể lỡ nhịp một cách đáng tiếc.
Theo TRẦN VŨ NGHI (TTO)