Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị. Chính vì vậy, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Lấy người học làm trung tâm

Hơn 2 năm trở lại đây, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Trường Chính trị tỉnh và trung tâm chính trị các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương khảo sát, nắm bắt nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để tham mưu cấp ủy phê duyệt kế hoạch và chỉ đạo tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đề ra. Triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2020, các trung tâm chính trị cấp huyện đã phối hợp mở được 781 lớp với 38.513 lượt người tham gia; các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy mở 211 lớp với 7.545 lượt người tham gia; Trường Chính trị tỉnh mở 72 lớp với 4.400 học viên. Năm 2021, các trung tâm chính trị cấp huyện đã phối hợp mở 690 lớp với 48.708 lượt học viên; các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy mở được 328 lớp với 10.006 lượt cán bộ, đảng viên tham dự; Trường Chính trị tỉnh mở được 54 lớp với 2.786 học viên tham gia.

 Lễ khai giảng lớp cao cấp lý luận chính trị K20 và K21 hệ không tập trung (khóa học 2021-2023) tại Gia Lai theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Hoàng Ngọc
Lễ khai giảng lớp cao cấp lý luận chính trị K20 và K21 hệ không tập trung (khóa học 2021-2023) tại Gia Lai theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Hoàng Ngọc


Việc đổi mới phương pháp giảng dạy tiếp tục được đẩy mạnh theo phương châm lấy người học làm trung tâm, giảm tải phần lý thuyết, tăng kỹ năng thực hành, đặc biệt là kỹ năng lãnh đạo, quản lý, giải quyết tình huống từ thực tiễn đặt ra, trao đổi thông tin hai chiều, tạo không khí thoải mái, cởi mở nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Nhiều giảng viên đã áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy góp phần làm phong phú thêm bài giảng và hấp dẫn người nghe. Bên cạnh đó, các trung tâm chính trị còn thực hiện dự giờ, trao đổi rút kinh nghiệm, lấy phiếu đánh giá, nhận xét của học viên cho từng giảng viên và bài giảng; tổ chức cho học viên góp ý về công tác quản lý, tổ chức lớp học… Việc làm này giúp giảng viên trau dồi, tích lũy thêm kinh nghiệm trong chuẩn bị giáo án, phương pháp giảng dạy, quản lý học viên.

Các trung tâm chính trị luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đảm bảo đạt chuẩn về mọi mặt; bố trí, phân công từng giảng viên phụ trách các bài giảng phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập ngày càng được cải tiến theo hướng mở rộng và liên hệ thực tiễn nhằm phát huy tính sáng tạo và nâng cao kiến thức thực tiễn cho học viên. Kết quả kiểm tra cuối khóa luôn có từ 95% trở lên học viên đạt yêu cầu.

Ngoài nội dung, chương trình theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm chính trị cấp huyện luôn cập nhật nội dung các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, chương trình công tác của Tỉnh ủy, của cấp ủy cấp huyện vào bài giảng. Một số cấp ủy cấp huyện đã chỉ đạo bổ sung chương trình lịch sử Đảng bộ tỉnh, huyện cho lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng; thông tin thời sự cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân của các trường trên địa bàn. Các trung tâm chính trị đã chủ động lồng ghép một số chuyên đề lịch sử của địa phương, các chuyên đề mang tính đặc thù chuyên môn nghiệp vụ của từng đơn vị phối hợp mở lớp.

Trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm chính trị cấp huyện đã linh hoạt áp dụng hình thức dạy học trực tiếp trong điều kiện bình thường và dạy trực tuyến trong những lúc giãn cách xã hội, không tập trung đông người. Bên cạnh đó, các trung tâm chính trị đã linh hoạt cho học viên về địa phương, đơn vị công tác nghiên cứu thực tế, vận dụng các kiến thức đã được học tập vào công việc của mình rồi viết báo cáo thu hoạch để đánh giá.

Những hạn chế cần khắc phục

Cùng với những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, bất cập. Cụ thể, việc lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy có lúc chưa sâu sát, cụ thể, thường xuyên; việc bố trí biên chế, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên tham gia giảng dạy lý luận chính trị của nhiều trung tâm chưa được quan tâm đúng mức nên còn có hạn chế, bất cập cả về số lượng, chất lượng. Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập của đa số trung tâm còn khó khăn; bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kết quả đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên, học tập của học viên ở một số trung tâm còn chậm. Việc phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên ở cơ sở có lúc còn chưa chặt chẽ, cụ thể. Một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nặng nề, trùng lặp, kiến thức lý luận hàn lâm, khó khăn cho việc tổ chức, giảng dạy của giảng viên và học tập của học viên.

Để góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh trong điều kiện mới, thiết nghĩ, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên ở cơ sở. Đề cao vai trò, trách nhiệm của ban tuyên giáo, cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy và Trường Chính trị tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên trách theo hướng chuẩn hóa gắn với xây dựng, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm, thỉnh giảng trong các trung tâm chính trị cấp huyện và Trường Chính trị tỉnh. Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, trọng tâm là đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy-học tập, kiểm tra, đánh giá, gắn với tăng cường kỷ cương, nền nếp trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên. Quan tâm đầu tư xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất, thiết bị của Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm chính trị cấp huyện theo hướng chuẩn hóa. Bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ngoài ra, cần kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, rà soát, sửa đổi chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở (nhất là chương trình sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị) theo hướng tinh gọn, giảm tải hơn; khắc phục tình trạng trùng lặp kiến thức giữa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; giảm tính lý luận hàn lâm… cho phù hợp với đối tượng cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

 

HỒ TỐNG
 

Có thể bạn quan tâm