Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đổi mới công tác tuyên truyền miệng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Buổi tọa đàm với chủ đề “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” vừa được Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức trực tuyến ngày 18-9 cho thấy tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác truyền miệng trong tình hình hiện nay.

Báo cáo đề dẫn tại buổi tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) Đoàn Văn Báu nhấn mạnh: Cách đây 2 năm, Ban Tuyên giáo Trung ương có báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15-10-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa X. Buổi tọa đàm này là cơ sở để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ và đề ra giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.

Những kết quả bước đầu

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trình bày tham luận nhằm đánh giá sâu về kết quả, kinh nghiệm, sáng tạo và bài học trong chỉ đạo thực tiễn tại các địa phương; bàn giải pháp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong thời gian tới như: nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng của lực lượng vũ trang trong tình hình hiện nay; xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở thôn, làng, tổ dân phố, góp phần đưa thông tin về cơ sở; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của thường trực cấp ủy là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng; một số giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên cơ sở…

Tại điểm cầu Gia Lai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Đình Hiệp đã trình bày tham luận có chủ đề “Xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở thôn, làng, tổ dân phố góp phần đưa thông tin về cơ sở-kinh nghiệm của tỉnh Gia Lai”.

Tham luận cho biết, thời gian qua, ngành Tuyên giáo tỉnh đã tham mưu giúp cấp ủy triển khai nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa các kênh cung cấp thông tin, nhanh chóng đưa những thông tin chính thống đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn xã hội.

 Quang cảnh buổi tọa đàm tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Phan Lài
Quang cảnh buổi tọa đàm tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Phan Lài


Xuất phát từ yêu cầu của công tác tuyên truyền, đưa thông tin chính thống đến với người dân ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2016, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiến hành khảo sát, lựa chọn 4 xã: Hà Bầu (huyện Đak Đoa), Ia Le (huyện Chư Pưh), Hà Ra (huyện Mang Yang), An Thành (huyện Đak Pơ) để thực hiện thí điểm Đề án “Xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng”.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách, triển khai thực hiện việc xây dựng, bồi dưỡng, tập huấn lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng tại nhiều xã trên địa bàn tỉnh như xã: Ia Le (huyện Chư Pưh), Ia Mơr (huyện Chư Prông), Krông Năng (huyện Krông Pa), Chư A Thai (huyện Phú Thiện). 

Hiện 17/17 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập được lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng cơ sở với 2.767 người. Những cá nhân được chọn đều đảm bảo các yếu tố về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trong đó ưu tiên bố trí những người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng thôn, cán bộ, giáo viên đã nghỉ hưu, cựu chiến binh, những người có năng lực, kinh nghiệm và tích cực, nhiệt tình tham gia hoạt động ở địa phương, đồng thời có khả năng tuyên truyền miệng; nhạy bén với thực tiễn; am hiểu phong tục tập quán, tâm lý, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đang sinh sống.

Một số địa phương kết hợp xây dựng lực lượng từ những cốt cán, dân vận cơ sở đã được thành lập trước đó, tạo sự phối hợp, thống nhất đầu mối chỉ đạo, tăng cường bám thôn, làng, tổ dân phố triển khai hoạt động tuyên truyền hiệu quả.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng chú trọng phân chia thời gian để lực lượng nòng cốt phát biểu ý kiến, nêu thắc mắc về những tình huống, vấn đề đang tồn tại hay mới phát sinh ở cơ sở; giải đáp các kiến nghị, đề xuất hoặc tổng hợp, báo cáo các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan phối hợp giải quyết kịp thời.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng

Tại buổi tọa đàm, đại diện các tỉnh, thành phố đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng. Trong đó, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai Trần Đình Hiệp đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương nên có cơ chế, chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho đội ngũ tuyên truyền miệng tại cơ sở phát triển. Ban Tuyên giáo Trung ương quan tâm tổ chức một số cuộc sinh hoạt chuyên đề gắn với trải nghiệm thực tế đối với đội ngũ báo cáo viên các cấp để động viên, chia sẻ kinh nghiệm.

14 tham luận tại buổi tọa đàm đều khẳng định sự cần thiết của công tác tuyên truyền miệng trong giai đoạn hiện nay. Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy ghi nhận những tham luận tâm huyết của đại biểu và tổng hợp đầy đủ các đề xuất, kiến nghị để tham mưu cho cấp thẩm quyền có định hướng giải pháp phù hợp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để có hướng dẫn cụ thể về chế độ thù lao cho đội ngũ báo cáo viên khi tiến hành công tác tuyên truyền miệng, quan tâm động viên lực lượng tuyên truyền viên cơ sở. Bên cạnh đó, sự quan tâm của thường trực cấp ủy là yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên.

Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy cần tham mưu giúp thường trực cấp ủy chỉ đạo, xây dựng đội ngũ báo cáo viên đảm bảo chất lượng, tâm huyết với công việc, có cơ chế, chính sách phù hợp, trang bị phương tiện, cung cấp thông tin, tài liệu đáp ứng nhiệm vụ công tác đề ra.

 PHAN LÀI
 

Có thể bạn quan tâm