(GLO)- Đến nay, sau 14 năm Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 13-10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam và 7 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân nước ta nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng đã không ngừng lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, trách nhiệm xã hội và đủ năng lực lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Trong số này, có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu ở tầm khu vực.
Ảnh: Đức Thụy |
Ở Gia Lai, cách đây 10 năm, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh được thành lập. Đây là dấu ấn của đội ngũ doanh nhân Gia Lai trong việc tập hợp lực lượng sản xuất, kinh doanh ở địa phương còn nhiều khó khăn, thiếu thốn để nỗ lực, đoàn kết vượt khó vươn lên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã đánh giá cao vai trò và sự đóng góp công sức, trí tuệ của đội ngũ doanh nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế địa phương ngày càng lớn mạnh.
Những năm qua, tuy điều kiện khách quan và chủ quan chưa mấy thuận lợi nhưng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã có nhiều cố gắng hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp thích nghi với môi trường kinh doanh, vượt qua nhiều trở lực để đứng vững trên thương trường và đạt nhiều kết quả khả quan. Nhờ có tiếng nói ngày càng mạnh mẽ và uy tín trong xã hội, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã bảo vệ được quyền lợi và lợi ích thiết thực cho doanh nhân và doanh nghiệp. Nhờ đó, Hiệp hội đã thu hút ngày càng đông đảo hội viên tham gia. Từ chỗ ban đầu chỉ có 77 hội viên tham gia, nay đã có trên 500 hội viên sinh hoạt trong Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Hầu hết hội viên Hiệp hội đều có chỉ số cạnh tranh khá tốt, đạt hiệu quả cao hàng năm, tạo ra giá trị kinh tế trên 3/4 so với tổng số doanh nghiệp trong toàn tỉnh.
Theo đánh giá chung, trong hơn 9 tháng năm 2018, kinh tế-xã hội tỉnh ta tiếp tục có chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu kinh tế, thu ngân sách đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang dần dần vượt ra khỏi sự trì trệ. Đến nay, có khoảng 60% doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Trong hơn 4.000 doanh nghiệp trên địa bàn, có trên 90% đang giữ vững vị thế sản xuất, kinh doanh của mình, từng bước khẳng định được uy tín trên thương trường. Với môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng cùng nhiều chính sách ưu đãi nên sự thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh thời gian qua cũng như sắp tới có nhiều triển vọng tốt đẹp. Riêng tại Khu công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) đến nay đã có 48 nhà đầu tư thực hiện 53 dự án với tổng số vốn đăng ký là 2.006 tỷ đồng. Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) đã có 20 nhà đầu tư, thực hiện 27 dự án với tổng vốn đăng ký là 726 tỷ đồng.
Để tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nhân và doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, tỉnh ta cam kết cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với phương châm hướng về sự hài lòng của doanh nhân và doanh nghiệp; luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỉnh cũng sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá thương hiệu sản phẩm, tín dụng, tuyển dụng và giải quyết việc làm cho người lao động.
Cùng với sự chú trọng phát triển về số lượng, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đang quan tâm đến chất lượng của đội ngũ doanh nhân, nhất là đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nhân nhằm ngày càng tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đem lại sự no ấm cho nhân dân các dân tộc ở địa phương. Phương châm của doanh nhân ngày nay là “Trí tuệ-đoàn kết và sáng tạo”. Đạo đức cao nhất của doanh nhân là tạo ra nhiều việc làm, coi trọng sức khỏe và nhân phẩm người lao động.
Hoàng Linh Việt