Cánh đồng lúa nước của xã Ia Mơr có sự đóng góp của những "ông nghị". Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Chuyện "ông nghị" xuống đồng
Vụ Đông Xuân này lên cánh đồng Ia Mơr (huyện Chư Prông) lại nghe âm vang tiếng máy gặt lúa, tiếng nói cười của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Một “mùa vàng” bội thu lại về, không ai nghĩ 3 năm trước đây ở một cánh đồng phì nhiêu nhưng ruộng lại bỏ hoang. Trong khi đó, công trình thủy lợi Ia Mơr rất gần nhưng những cánh đồng vẫn trong cơn khát nước. “Dân làng mình giờ đã đủ lúa để ăn và tự biết cách trồng, chăm sóc. Để cây lúa đơm bông đem lại cuộc sống ấm no như hôm nay trong đó có một phần công của Bí thư Huyện ủy”-già làng Klă nhắc lại.
Ông Đinh Văn Dũng-người đặt nền móng cho cây lúa nước ở Ia Mơr. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Người Bí thư Huyện ủy mà già làng Klă nhắc đến đó là ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chư Prông. Trong câu chuyện với chúng tôi, như nhắc lại những trăn trở của mình ngày ấy, ông Đinh Văn Dũng cho biết: Khi được chỉ định về tham gia HĐND huyện rồi bầu làm Chủ tịch UBND huyện (sau này ông Dũng tiếp tục được bầu làm Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện-P.V), trong một chuyến công tác lên xã Ia Mơr, lúc bấy giờ thấy cánh đồng nơi đây còn hoang hóa, người dân cũng chưa có thói quen trồng lúa nước. Đất rộng nhưng người dân cứ thiếu lương thực, hàng năm nhà nước phải hỗ trợ nên ông vô cùng trăn trở. "Nhiều đêm mất ngủ, tôi quyết định triệu tập họp các phòng ban chuyên môn và đề xuất Ban Thường vụ ra nghị quyết đề ra chủ trương khai hoang đồng ruộng và hướng dẫn người dân trồng lúa. Và, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần chịu khó của những người dân, cuộc sống giờ đây đã thay đổi trên những vụ mùa bội thu"-ông Đinh Văn Dũng nhớ lại.
3 năm về trước cánh đồng lúa này bị bỏ hoang nhưng giờ đã khác. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Trên địa bàn xã Ia Mơr có hơn 300 ha đất trồng lúa. Thế nhưng, trước đây, người dân chỉ trồng lúa rẫy mỗi năm 1 vụ, năng suất bình quân chỉ đạt 1 tấn/ha. Việc khai hoang đồng ruộng trồng lúa nước ở Ia Mơr cũng có rất nhiều chuyện để kể, đó là hàng chục cán bộ kỹ thuật của huyện, của xã, rồi máy móc của các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn được huy động đến để giúp dân. Không chỉ cán bộ xã, người dân mà đích thân Chủ tịch HĐND huyện cũng xắn quần để lội ruộng cùng dân. Năm 2021, với sự vào cuộc của nhiều lực lượng, mô hình trồng lúa nước đầu tiên được triển khai trên diện tích 10 ha với 18 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 270 triệu đồng, trong đó, kinh phí sự nghiệp nông nghiệp hỗ trợ cho các hộ dân là 242 triệu đồng. Sau 95 ngày gieo sạ, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất đạt trung bình 6-8 tấn/ha. Trừ chi phí, người dân lãi 18-23 triệu đồng/ha. Thấy cây lúa nước mang lại hiệu quả kinh tế cao, vụ Đông Xuân 2022-2023 đã có 66 hộ gia đình cải tạo ruộng và canh tác trên 40 ha lúa nước. Kết này là từ quá trình chủ động bàn bạc tại kỳ họp thứ 2, HĐND huyện Khóa XIII (nhiệm kỳ 2021-2026). Kỳ họp đã ban hành nghị quyết về phát triển nông nghiệp của huyện, trong đó có chính sách hỗ trợ nông dân khai hoang đồng ruộng để trồng lúa nước.
Cũng trên địa bàn xã Ia Mơr, nhiều người dân trên vùng biên giới này không thể quên hình ảnh của ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, đại biểu HĐND xã vì ông luôn có mặt ở cánh đồng lúa để hướng dẫn người dân. “Là cán bộ xã biên giới nên nhiều việc lắm. Nhà ở TP. Pleiku nên mỗi tháng tôi chỉ về một lần, còn lại ở dưới địa bàn. Quê tôi ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Từ nhỏ tôi đã giúp gia đình trồng lúa nước nên khi vào đây thấy bà con chưa biết thì tôi chỉ cho họ. Mình là người đại biểu do dân cử, làm cái gì tốt, có lợi cho dân thì làm”-ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ. Để minh chứng cho hiệu quả của cây lúa nước, ông Tuấn Anh cho biết thêm, trước đây người dân trồng lúa rẫy, phụ thuộc vào thời tiết, thời gian trồng là 6 tháng, năng suất bình quân đạt 1ha/tấn. Nhưng nay trồng lúa nước thì năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha, lại trồng được hai vụ nên người dân thu nhập rất khá.
Ông Nguyễn Tuấn Anh (người mặc áo trắng) xuống đồng giúp dân. Ảnh: Vĩnh hoàng |
Không phải ngẫu nhiên mà người dân trên địa bàn biên giới gọi vui những người mình gửi gắm lá phiếu là những “ông hội đồng chân đất”. Câu chuyện mà anh Siu Thọ-Bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn Klă kể cho chúng tôi nghe phần nào minh chứng điều đó: “Ngày mùng 4 Tết Quý Mão 2023 vừa rồi, mình đang ở nhà thì Bí thư Huyện ủy và Phó Chủ tịch UBND xã đến nhà bảo mình cùng ra đồng. Mình cũng hơi lo. Vừa đi ông Đinh Văn Dũng vừa bảo: “Các anh ăn Tết kỹ quá, lúa của bà con bị sâu phá hoại nhiều lắm. Tôi vừa ra kiểm tra cánh đồng, giờ gọi điện cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện mang thuốc xuống xử lý cho bà con”. Chỉ một giờ đồng hồ sau cán bộ kỹ thuật đã xuống giúp bà con.
Nhắc lại câu chuyện này, Chủ tịch HĐND huyện tâm sự với tôi: "Cả hệ thống chính trị đã mất nhiều công sức để vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Nếu mùa này sâu bệnh phá hoại, năng suất thấp thì bà con sẽ không nghe và không làm theo mình nữa. Khi ấy không chỉ mất nhiều công sức để tuyên truyền, vận động mà uy tín của cán bộ, đảng viên đối với Nhân dân cũng sẽ giảm xuống. Tôi vẫn thường nói trong các cuộc họp HĐND huyện, đất nước giải phóng gần 50 năm rồi, có cánh đồng, có nước mà để bà con thiếu ăn thì cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm, đó cũng là lỗi của mỗi cán bộ dân cử như chúng tôi".
Được biết, huyện Chư Prông hiện có 73.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 53.000 ha cây công nghiệp dài ngày (cao su, hồ tiêu, cà phê...) và 20.000 ha cây ngắn ngày (gồm mì, bắp, lúa, đậu các loại). Từ những chính sách sát, gần dân, địa phương chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế, có chủ trương, nghị quyết chuyên đề và áp dụng khoa học kỹ thuật vào cuộc sống, đến nay đã hình thành những diện tích đảm bảo quy hoạch có định hướng như: cà phê hơn 13 ngàn ha; tiêu 5 ngàn và gần 300 ha chanh dây, phấn đấu đến năm 2025 có 4 ngàn ha cây ăn quả và 1 ngàn ha cây dược liệu. Đó là nền tảng từ những quyết sách HĐND của địa phương.
Cử tri mong muốn có chính sách đặc thù
Đồng chí Hồ Văn Niên ( thứ 2 từ phải qua) Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai khảo sát việc phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Chư Prông. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
PGS-TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (nguyên đại biểu Quốc hội khóa XII) cho rằng: Nhiệm vụ quan trọng của người đại biểu là quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương, sát với yêu cầu cuộc sống, phản ánh ý kiến của Nhân dân và giám sát quá trình thực hiện các các nhiệm vụ của chính quyền. Với vai trò là người đại diện cho cử tri, người đại biểu phải phân tích, khái quát và tổng hợp để lựa chọn những ý kiến, vấn đề mà cử tri quan tâm, trong đó đối với khu vực Tây Nguyên có các chính sách đặc thù mà cử tri đã quan tâm kiến nghị. Đó là các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông và xóa đói, giảm nghèo để nâng cao đời sống người dân.
Theo ông Nguyễn Danh, đối với Tây Nguyên, Quốc hội cần kiến nghị Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù vì đây là điều kiện để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo đó, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị chỉ rõ: Phấn đấu đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc; là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tập trung hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu quốc tế, gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số; giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện…
Cử tri mong muốn có chính sách đặc thù để phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Ảnh: Quang Tấn |
Đồng tình với việc ban hành các chính sách đặc thù cho khu vực Tây Nguyên, ông Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Đoa cho rằng: Nếu như Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW trước đây chỉ đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020 thì Nghị quyết 23 đã xác định mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Điều này đã thể hiện rõ khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với khu vực Tây Nguyên.
Vĩnh Hiệp là công ty đầu tiên của Việt Nam có sản phẩm được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp chứng nhận hữu cơ USDA. Ảnh: Quang Tấn |
Hơn nữa, tại hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ cần khẩn trương, xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 23; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong vùng. Tổng Bí thư cho rằng: Trước mắt, Chính phủ cần tập trung ưu tiên sớm hoàn thiện và ban hành Quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ sở để các địa phương trong vùng xây dựng quy hoạch phát triển của địa phương mình.