Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đổi thay ở làng O Ngol

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trở lại làng O Ngol (xã Ia Vê, huyện Chư Prông, Gia Lai) lần này, chúng tôi nhận thấy đời sống của người dân nơi đây đã thay đổi từng ngày. Làng cũng vừa được chọn xây dựng thành làng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện.

Dẫn tôi về thăm làng trên con đường nhựa thẳng tắp dưới những bóng cây mát rượi, 2 bên là những ngôi nhà sàn và nhà xây khang trang, già làng Rơ Mah Chun cho biết: “Làng mình giờ đổi thay nhiều rồi, số hộ nghèo chưa đến 10%, hộ thu nhập trên 60 triệu đồng/năm có gần 70%. 10 năm qua, làng luôn đạt danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh”.

 

Đường về làng O Ngol. Ảnh: V.H

Làng O Ngol có 103 hộ với 439 khẩu, trong đó dân tộc Jrai chiếm 90%. Những năm gần đây, để giúp người dân trên địa bàn nâng cao đời sống, tăng thu nhập, chính quyền xã Ia Vê đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm cải thiện đời sống. Đến nay, làng có 315 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 100 ha cà phê, 10 ha hồ tiêu, 15 ha cao su, 13 ha điều… Chính việc đầu tư hiệu quả từ cây công nghiệp đã giúp cuộc sống của người dân trong làng ngày càng được cải thiện.

Ông Giáp Hồng Sinh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Vê, nhận xét: “Người dân làng O Ngol luôn phấn đấu, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của cấp trên. Nhiều việc không cần xã đưa ra chủ trương nhưng thấy có lợi là nhân dân trong làng đều tự làm. Ví dụ như chuyện người dân tự đóng góp hơn 40 triệu đồng để làm đường điện thắp sáng, đóng góp 500 triệu đồng để làm đường bê tông hay bỏ công sức đào mương thoát nước ở trục đường thôn... Hiện trong làng có 60% hộ gia đình có nhà vệ sinh tự hoại, 100% hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; người dân còn tự bỏ tiền để thuê đơn vị thu gom rác thải”.

Trao đổi với chúng tôi về những đổi thay của làng, ông Siu Huỳnh-Bí thư chi bộ, cho biết thêm: “Làng mình có 1 chi bộ với 11 đảng viên. Sở dĩ người dân trong làng luôn đoàn kết, cùng nhau chăm lo phát triển kinh tế là nhờ hoạt động hiệu quả của Ban công tác Mặt trận. Mọi việc trong làng đều được đưa ra bàn bạc công khai, người dân thẳng thắn góp ý, tìm ra cách làm hay, hiệu quả nhất. Làng không còn các tập tục lạc hậu, không còn trẻ em bỏ học, không xảy ra các vụ phạm pháp hình sự nghiêm trọng”.

Nhiều câu chuyện về tinh thần vượt khó vươn lên hay những cách làm mới, hiệu quả được người dân kể ra khiến ai cũng cảm phục tinh thần đoàn kết của người dân O Ngol, trong đó có mô hình gây quỹ hoạt động của chi đoàn. Trước đây, người dân trong làng có đám cưới hay mở tiệc đều phải thuê bàn ghế và rạp ở nơi khác nên chi phí khá cao. Do vậy, chi đoàn đã bàn bạc và tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đi hái cà phê thuê gây quỹ để mua phông, rạp và bàn ghế phục vụ các hoạt động của Chi đoàn, đồng thời cho người dân trong làng thuê với giá rẻ. Sau 2 tháng thực hiện, chi đoàn đã có nguồn quỹ 40 triệu đồng. Nhờ cách làm hiệu quả này mà chi đoàn luôn chủ động trong tổ chức các hoạt động.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, người dân làng O Ngol luôn một lòng thủy chung, son sắt với Đảng. Già làng Rơ Mah Chun cho hay: Để bảo vệ cuộc sống bình yên, làng O Ngol đã thành lập một tổ an ninh tự quản có nhiệm vụ tuần tra ban đêm để bảo vệ tài sản của người dân và tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, đề phòng các đối tượng xấu.

Chia tay O Ngol khi hoàng hôn đã buông xuống, chặng hành trình gần 60 km về thành phố với tôi còn xa ngái. Thế nhưng lòng tôi thấy vui hơn khi nghĩ về sự đổi thay, đặc biệt là tinh thần đoàn kết của người dân nơi đây. Trên hành trình xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu, O Ngol vẫn còn nhiều điều phải làm, nhưng tin rằng với tinh thần đoàn kết, vượt khó, người dân sẽ làm được điều mình mong muốn.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm