Đồng bằng sông Cửu Long: ''Bắc tiến'' vực dậy thị trường du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá an toàn nhất thời điểm dịch bệnh COVID-19 còn chưa được kiểm soát. Hiểu rõ lợi thế của mình, đại diện 13 tỉnh, thành khu vực này vừa "Bắc tiến" quảng bá du lịch.

Du khách trải nghiệm làm bánh tráng ở Cần Thơ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Du khách trải nghiệm làm bánh tráng ở Cần Thơ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Lần đầu tiên, đại diện 13 tỉnh, thành phố của Đồng bằng sông Cửu Long đồng lòng cùng “Bắc tiến” để quảng bá du lịch vùng tại khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội 2020 vừa qua.
Được đánh giá là khu vực an toàn nhất thời điểm dịch bệnh COVID-19 còn chưa được kiểm soát, các địa phương trong khu vực cũng đang tích cực cơ cấu lại sản phẩm du lịch để phù hợp với thị trường nội địa.
Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển du lịch theo hướng nào? Vấn đề này sẽ được Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, ông Phạm Thế Triều làm rõ.
- Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có những sản phẩm gì để phục vụ du khách thời điểm hậu COVID-19, thưa ông?
Ông Phạm Thế Triều: Thời gian vừa qua, Đồng bằng sông Cửu Long cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng không nhiều. Có đợt chúng tôi không có ca nào bị lây nhiễm cộng đồng nên du lịch ở khu vực này luôn trong tư thế rất sẵn sàng.
Tuy nhiên, do cần lượng khách từ khắp các vùng miền trên cả nước đến, nên ngay trong dịp Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội 2020 vừa qua, đại diện tất cả các tỉnh, thành phố của Đồng bằng sông Cửu Long đều ra Hà Nội quảng bá nhằm tìm kiếm sự kết nối, bắt đầu phục hồi lại thị trường du lịch nội địa cho kỳ nghỉ vàng cuối năm.

Hình ảnh quen thuộc trên những cù lao nhỏ miền Tây sông nước. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Hình ảnh quen thuộc trên những cù lao nhỏ miền Tây sông nước. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Có thể nói, những năm qua, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long của chúng tôi đang tích cực phát triển. Ngoài miệt vườn sông nước đã quen thuộc, chúng tôi tạo thêm ngày càng nhiều sản phẩm, nhiều khu vực như Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, An Giang… thậm chí sau này là Bạc Liêu, Cà Mau đều sẽ được phát triển sinh thái miệt vườn sông nước với đặc trưng hấp dẫn riêng có của từng vùng.
Ngoài ra, văn hóa tâm linh, biển đảo Phú Quốc khoảng chục năm trở lại đây phát triển rất tốt.
Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long khác với các vùng miền du lịch khác trên cả nước và chúng tôi biết thế mạnh của mình. Chúng tôi có Hiệp hội liên kết 13 tỉnh, thành phố. Hiệp hội chia làm 2 khu vực, liên kết với nhau cùng chung tay làm du lịch, phát huy thế mạnh du lịch từng tỉnh.
Do khách đến Đồng bằng sông Cửu Long thường không phải chỉ đi một tỉnh mà đi liên tỉnh từ 3-5 ngày, nên chúng tôi đã xây dựng các sản phẩm có sự khác biệt nhưng liên kết để thu hút khách và phục vụ tốt hơn.
Trong vấn đề nguồn nhân lực hay những cuộc họp bàn để kích cầu du lịch trong khu vực, Hiệp hội tổ chức liên kết về giá, khu điểm, lữ hành, các doanh nghiệp làm du lịch… và thống nhất hành động để làm sao phục vụ khách được tốt nhất trong kỳ nghỉ cuối năm nay.
- Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh sông nước, nhưng theo ông làm sao để du khách trải nghiệm được đặc trưng mỗi tỉnh chứ không chỉ là đến đâu cũng là sông nước, miệt vườn, ghe thuyền…
Ông Phạm Thế Triều: Như các bạn thấy, ở cảng Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng và cảng Cần Thơ có tàu cao tốc. Theo kế hoạch của Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi sẽ có một số tour bằng đường thủy trên hai nhánh sông Tiền và sông Hậu.

(Ảnh: CTV/Vietnnam+)
(Ảnh: CTV/Vietnnam+)
Từng tỉnh cũng sẽ có những sản phẩm riêng, như Cần Thơ du khách trải nghiệm sông nước ở các cồn, cù lao nhỏ; còn An Giang đang làm mới lại khu nhà bè nuôi cá ở Châu Đốc. Khu tượng đài cá basa Châu Đốc chúng tôi sẽ xây dựng bến tàu để phát triển du lịch sông nước, phục vụ tour ngắn trong ngày hay nửa ngày…
Tuy có lợi thế sông nước, nhưng quả thực những năm gần đây du lịch Đồng bằng sông Cửu Long còn bỏ ngỏ. Thời gian tới, chắc chắn chúng tôi sẽ có định hướng cũng như kế hoạch phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
- Cụ thể định hướng đó thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Thế Triều: Ví dụ như ở khu vực tượng đài cá basa Châu Đốc, chúng tôi sẽ thành lập một bến tàu trong đó có 5-7 cầu tàu. Tận dụng lợi thế ngã 3 sông Châu Đốc có hàng nghìn nhà bè nuôi cá trên sông, chúng tôi sẽ quy tụ thành khu để lập một tổ hợp tác nhà bè, làm những nóc nhà bè thật đẹp, tạo môi trường nuôi cá thật tốt, để tổ chức tour cho du khách tham quan.
Ngoài ra, còn có kênh Vĩnh Tế lịch sử chảy qua địa phận hai tỉnh An Giang-Kiên Giang, kéo dài dọc biên giới từ Campuchia tới Kiên Giang, chúng tôi sẽ xây dựng tour thuyền đi dọc con kênh này.
Phía ngoài bờ sông dọc theo ngách các dòng sông Cửu Long có những nhà vườn trong các cồn, cù lao, tỉnh An Giang cũng đang tính toán để phát triển du lịch sinh thái nhà vườn ở đó. Mô hình này ở Cần Thơ và một số tỉnh cũng có nhưng khác biệt để khách có thêm nhiều lựa chọn…
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

Đặc sản địa phương được bày bán ở Châu Đốc, An Giang. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Đặc sản địa phương được bày bán ở Châu Đốc, An Giang. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Mai Mai (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm