Đồng bộ, thống nhất trong chuyển đổi số du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trước thực trạng chuyển đổi số trong ngành du lịch ở Việt Nam vẫn diễn ra đơn lẻ kiểu mạnh ai nấy làm, sự ra đời của tài liệu hướng dẫn “Chuyển đổi số trong ngành du lịch: Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động” vừa được Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) xây dựng và giới thiệu, được coi là bước đi tích cực trong phát triển hệ sinh thái số du lịch.
 
Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám áp dụng hệ thống vé điện tử đón khách tham quan. Ảnh: Huy Lê
Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám áp dụng hệ thống vé điện tử đón khách tham quan. Ảnh: Huy Lê
Chuyển đổi số trong du lịch để phát triển du lịch số, du lịch thông minh là nội dung luôn được ngành du lịch Việt Nam nhấn mạnh và tập trung thực hiện những năm qua. Bởi đây không chỉ là xu thế mà còn là giải pháp mang tính chiến lược giúp bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của du lịch trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 với sự lên ngôi của du lịch trực tuyến, du lịch “không chạm”. Tuy nhiên, có một thực tế là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch ở nước ta thời gian qua còn manh mún, thiếu đồng bộ nên chưa có sự liên kết dữ liệu để tạo thuận lợi trong khai thác, sử dụng.
Tổng Giám đốc Công ty VietISO Nguyễn Quyết Tâm nhận định: Hầu hết các địa phương, doanh nghiệp du lịch đều đã có ý thức chuyển đổi số và nỗ lực chuyển đổi số du lịch, song do chưa có hệ thống tiêu chuẩn nên mỗi nơi có hướng đầu tư, cách làm riêng. Điều này dẫn đến các cơ sở dữ liệu không được kết nối để đồng nhất; quá trình quản lý, kiểm soát dữ liệu ngành để đưa ra những nhận định, đánh giá, giải pháp cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể phần lớn đội ngũ nhân lực du lịch vẫn quen cách làm truyền thống nên gặp nhiều lúng túng khi áp dụng công nghệ trong hoạt động du lịch. Vì thế, đòi hỏi bức thiết là cần có hướng dẫn chung về chuyển đổi số trong du lịch để các địa phương, doanh nghiệp hiểu được cần làm gì, áp dụng theo những công cụ nào, từ đó tạo sự thống nhất hành động.
Với vai trò là đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin của Tổng cục Du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch đã phối hợp các cơ quan, đối tác xây dựng hệ thống các sản phẩm ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ngành du lịch và đưa ra những hướng dẫn cần thiết để tạo nền tảng hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch, giúp các chủ thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số một cách nhanh chóng, trên cơ sở đó kết nối, liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp. Nội dung cốt lõi của tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số là giới thiệu hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch với các phần mềm, ứng dụng hướng đến các đối tượng khác nhau như: khách du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, hướng dẫn viên, cơ quan quản lý du lịch.
Trong đó, Thẻ Du lịch thông minh, Ứng dụng Du lịch Việt Nam-Vietnam Travel, Trang vàng du lịch Việt Nam là những sản phẩm công nghệ giúp du khách gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, từ tìm kiếm thông tin, lên ý tưởng du lịch tới đặt, giao dịch, thanh toán điện tử… Đối với các cơ sở kinh doanh như công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm mua sắm, khu vui chơi giải trí…, có thể chuyển đổi số với các phần mềm, ứng dụng như: Thẻ Du lịch thông minh, Hệ thống vé điện tử, Hệ thống kiểm soát tự động, Chữ ký số, Hợp đồng điện tử, Ứng dụng Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, Hệ thống báo cáo thống kê du lịch, Hệ thống quản lý phòng tại cơ sở lưu trú, Hệ thống quản lý khách hàng, Hệ thống thuyết minh điện tử, Trang vàng du lịch Việt Nam… Tài liệu cũng đưa ra những phần mềm, ứng dụng dành riêng cho đội ngũ hướng dẫn viên như: Thẻ Du lịch thông minh, Ứng dụng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, Hợp đồng điện tử. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, có thể nâng cao năng lực quản lý du lịch qua sử dụng các phần mềm như: Hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam, Dashboard điều hành du lịch, Hệ thống báo cáo thống kê du lịch.
Từ tài liệu hướng dẫn, các bên liên quan còn có thể tìm thấy gợi ý về lộ trình triển khai chuyển đổi số, các nhóm giải pháp tổng thể và vai trò của các bên liên quan. Đặc biệt, phần giới thiệu về trường hợp điển hình liên quan chuyển đổi số ở khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã cung cấp hình dung khá cụ thể về sự thay đổi của điểm đến khi ứng dụng mô hình mới sử dụng công nghệ hiện đại. Để tạo sự thống nhất, về nguyên tắc, chuyển đổi số du lịch chỉ sử dụng các phần mềm và ứng dụng được phát triển dựa trên các nền tảng được công nhận là nền tảng số quốc gia về du lịch, đồng thời thống nhất triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Các bên liên quan thống nhất hành động; tích cực và chủ động tham gia kết nối, đóng góp dữ liệu vào nền tảng chung.
Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch cho biết: Các ứng dụng, phần mềm thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch đã được trung tâm phối hợp các đối tác thực hiện trong suốt ba năm qua (từ giữa năm 2019). Thời gian tới, để góp phần đẩy nhanh tốc độc chuyển đổi số du lịch, trung tâm sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật các tài liệu hướng dẫn, hướng đến phát triển thành sách cẩm nang chuyển đổi số trong ngành du lịch; đồng thời liên tục hoàn thiện, tối ưu hóa sản phẩm, bổ sung thêm các tính năng, tiện ích với mục tiêu khách du lịch là trung tâm, cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên du lịch là nòng cốt. Quán triệt quan điểm chuyển đổi số phải chuyển đổi từ nhận thức đến hành động, trung tâm cũng sẽ đẩy mạnh liên kết, phối hợp, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hướng dẫn viên triển khai các nền tảng số đã phát triển với tinh thần vừa “cầm tay chỉ việc”, vừa tiếp thu, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để phục vụ quá trình phát triển, hoàn thiện sản phẩm…
Theo VIỆT ANH (NDĐT)
 

Có thể bạn quan tâm