Ðồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng đất trù phú nhất, đứng đầu cả nước về sản xuất lúa gạo, cá tôm và những mặt hàng nông sản khác. Thế nhưng có một thực tế day dứt rằng, tại sao thanh niên nơi “gạo trắng nước trong” ấy cứ lũ lượt rời quê? Họ li hương đi đâu, làm gì và số phận của họ ra sao? PV Tiền Phong đi tìm lời giải ấy.
Nhà cửa đóng then cài. ẢNH: HÒA HỘI
Kỳ 1: Hắt hiu làng quê
Hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn ÐBSCL không còn cảnh nhộn nhịp như trước. Những con đường quê yên bình trở nên vắng vẻ. Lao động chính là thanh niên phần lớn đã rời quê đi làm thuê xa.
Hện tượng thanh niên đi làm ăn xa trở nên rất phổ biến ở nhiều vùng quê, nông thôn ở ĐBSCL. Phóng viên tìm đến Sóc Trăng, nơi điển hình cho tình trạng thanh niên rời quê.
Hiu hắt
“Bây giờ trong ấp thanh niên phần lớn đi Bình Dương hết rồi, chỉ còn người già và trẻ em ở nhà thôi. Chú đi dài dài thử coi, nhà cửa đóng kín nhiều lắm”, một người đàn ông trạc 65 tuổi nói với phóng viên Tiền Phong. Ông cho biết, bản thân ông từ sáng sớm ra đồng hái rau muống đến trưa đem về nhặt lá sạch rồi chở ra chợ bán cũng chỉ vài chục nghìn đồng đắp đổi qua ngày.
Từ trung tâm tỉnh chạy khoảng 20 km đến cầu Tắc Bướm rồi đi dọc kênh Xáng hơn 3 km, thuộc ấp Tắc Bướm (xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề - Sóc Trăng), đường phẳng lỳ, phía trong lề là dãy nhà cấp bốn lụp xụp, cửa đóng then cài, cỏ dại mọc um tùm, xa xa mới gặp nhà có người nhưng đều là người già và trẻ con.
Ông Lý Sa Rượng đi đồng vừa vô nhà được một lúc còn nằm võng nghỉ, ông nói: “Ấp này vắng vẻ lắm, thanh niên kéo nhau đi Bình Dương hết rồi, riêng nhà tôi có 3 đứa con cũng đi luôn”.
Gia đình ông Rượng có 5 người con nhưng chỉ có hơn 1 ha đất. Ông chia cho 5 người, mỗi người được 0,2 ha, làm không đủ sống nên các con ông đi Bình Dương làm thuê, để đất lại cho vợ chồng ông làm. Hiện tại, trong nhà còn vợ chồng ông, con gái út đang học cấp 2, một con trai có vợ ở gần nhà. Vợ ông là bà Danh Thị Be cho biết thêm, ở đây ruộng năm 2 vụ, làm ra trả nợ phân bón rồi để dành chút đỉnh ăn là không còn dư. Làm thuê thì ngày có ngày không, sống không nổi.
Trò chuyện một hồi, con trai lớn của ông là anh Lý Phúc Hải chạy xe gắn máy chở em trai từ Bình Dương vừa về đến nhà. Ông Rượng cho biết, con trai về để vay tiền sửa lại căn nhà cấp 4, nhưng hồi sáng trưởng ấp thông báo đã làm hồ sơ hết rồi, con trai về trễ nên phải đợi đợt sau.
Vợ chồng anh Hải cùng 2 đứa con đi Bình Dương hơn 3 năm nay, cả hai cùng làm trong công ty sản xuất gỗ, mỗi tháng được gần chục triệu nhưng chi phí thuê nhà trọ, chi phí sinh hoạt… phải tằn tiện lắm mới còn dư vài ba triệu.
Bình Dương… đất hứa
Cách nhà ông Rượng vài trăm mét là nhà của vợ chồng anh Sơn Dễ. Vợ chồng anh có 4 đứa con, đứa lớn nhất học lớp 6, đứa kế lớp 4, đứa lớp 2 và nhỏ nhất 13 tháng. Anh cho biết, cưới vợ xong, cha mẹ cho 0,4 ha đất làm ruộng. Hằng ngày vợ chồng đi làm thuê, dành dụm nuôi 1 con bò, hiện tại cho sữa bán hằng ngày được vài chục nghìn. Vợ anh là chị Lý Thị Soạn tiếp lời: “Căn nhà đang ở là của anh chồng cho ở nhờ vì gia đình anh chồng lên Bình Dương 4 năm nay rồi”.
Gia đình chị Soạn có 6 chị em ruột, trong đó có 4 người đã lên Bình Dương làm thuê, còn bên chồng chị có 5 anh em thì hiện tại 3 người cũng đã ở trên đó. “Nhà mục nát rồi mà làm hoài vẫn chưa có tiền cất mới lại. Bây giờ con nhỏ nên đợi lớn chút sẽ gửi lại cho bà ngoại nuôi. Lúc đó vợ chồng tôi cũng sẽ lên Bình Dương làm thuê gửi tiền về chứ ở nhà ôm nhau nghèo, cực miết”.
Trong ấp nhiều gia đình bỏ xứ đi làm thuê xa, thậm chí có người được nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà tình thương. Tuy nhiên, xây xong ở được thời gian rồi đóng cửa vợ chồng cũng kéo nhau đi Bình Dương, điển hình như anh Châu Hùng Sơn đã cùng vợ, con đi gần 2 năm nay.
Ông Nguyễn Hải Quân, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Thới An cho biết, cuộc sống của người dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, năm 2 vụ lúa. Tuy nhiên, hiện nay cơ giới hóa gần như thay thế con người. Vì thế mỗi vụ người dân chỉ làm vài bữa lúc thu hoạch hay gieo sạ là xong, thời gian còn lại rảnh nhiều nên người dân rời quê đi lên Bình Dương, TPHCM làm thuê cải thiện đời sống.
Theo ông Quân, hiện nay địa phương cũng đang vận động, tuyên truyền thanh niên bám quê làm vì nếu so sánh mức lương trung bình ở thành phố lớn cao hơn ở đây nhưng tính ra, trừ chi phí sinh hoạt, ăn ở thì cũng không hơn bao nhiêu so ở quê nhà. Chưa kể, ở nhà còn gần gũi chăm sóc cha mẹ, con cái. Bên cạnh đó, địa phương còn phối hợp Trung tâm giáo dục dạy nghề huyện thường xuyên mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn.
“Nghịch lý” ở đầu nguồn lũ
Không riêng Sóc Trăng, nhiều làng quê ở ĐBSCL như: Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu… cũng trong tình cảnh tương tự. Điển hình như tại xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) giáp biên giới Campuchia, nơi đầu nguồn lũ vốn được mệnh danh “trên cơm dưới cá”. Vậy mà giờ đây câu nói ấy đã thành cổ tích.
Ông Trần Văn Luân là dân cố cựu ở xứ này, sống bằng nghề câu lưới. “Đồng nhà giờ hết cá rồi, phần lớn là phải sang Campuchia đóng thuế mới giăng được nhưng bên đó sóng gió nguy hiểm lắm”, ông Luân nói rồi kể một mạch “Xứ này ngày trước trên cơm dưới cá vì trên bờ bước ra đồng gặt lúa thuê cũng có cơm ăn, còn dưới nước thì ngồi trên nhà sàn thả tay lưới xuống cũng ăn thủy sản mệt xỉu nhưng giờ… trông đỏ con mắt”.
Gia đình ông có 4 người con, không ruộng đất, sống gắn bó với nghề câu lưới mấy chục năm. Tuy nhiên, giờ đây cá ít, sống không nổi nên các con của ông cũng tìm lên xứ Bình Dương làm thuê, để 4 đứa cháu nội, ngoại cho ông bà chăm sóc.
(Còn nữa)
"Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh Sóc Trăng có 281.620 thanh niên. Thanh niên thất nghiệp là 23.673; thanh niên đi làm ăn xa 41.085”, - nguồn Tỉnh Ðoàn Sóc Trăng. |
Trẻ em trên đường đi học về
Hòa Hội (TP)