Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đong đầy cảm xúc với "miền đất huyền ảo" (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những lời hẹn sẽ quay trở lại sau chuyến trải nghiệm của du khách khi đến Gia Lai cho thấy, vùng đất này không phải là điểm dừng chân hời hợt, thoáng chốc, đi rồi quên. Gia Lai có nhiều chốn giúp tìm lại tuổi trẻ, tìm thấy ý nghĩa tích cực của cuộc sống, nạp đầy năng lượng, chữa lành những bất ổn bên trong… Những chia sẻ của du khách khi đến với “miền đất huyền ảo” này luôn đong đầy những cảm xúc như vậy.
1. Cô gái trẻ Nguyễn Ngọc Hạnh (SN 1994) đang làm việc trong lĩnh vực marketing tại TP. Hồ Chí Minh. Công việc căng thẳng, không ngừng đòi hỏi sự sáng tạo khiến Hạnh thường phải tìm đến những chuyến đi để cân bằng cảm xúc.
Hạnh cho biết: “Trước giờ, tôi chỉ đi du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, còn lần này quyết định đến Gia Lai để vào rừng Kbang ngắm thác và cũng là để thử thách bản thân với loại hình du lịch có chút mạo hiểm này. Tham gia du lịch trekking lần đầu, khi đóng tiền tour, tôi từng nghĩ đi rừng, ngủ lều mà phí tour vậy là quá cao. Nhưng đi rồi mới thấy, những trải nghiệm đáng giá đến từng xu. Mấy anh porter (dẫn đường kiêm khuân vác đồ đạc) dễ thương vô cùng. Không chỉ mang vác ba lô nặng, lều bạt, đồ ăn nước uống... họ còn quan tâm, lo lắng từng chút một đối với các thành viên. Khi chúng tôi vừa tới nơi thì hầu như mọi thứ đã sẵn sàng, lều ngủ đã dựng xong. Chúng tôi tắm thác về đã có bữa ăn nóng sốt sẵn sàng. Thức ăn rất ngon, hợp khẩu vị, đặc biệt là món thịt nướng trên than hồng kèm với muối lá é, ớt xanh”.
Điều ý nghĩa nhất trong chuyến đi này theo Hạnh là những trải nghiệm đáng giá. Đi rừng tuy vất vả, cực nhọc, nhất là mùa này có vắt nhưng hóa ra những thứ tưởng đang “cản đường, cản ý chí” đó lại mang đến những cảm xúc mới mẻ.
“Đoàn có 12 người nhưng tôi chỉ quen 3 người trong số đó. Ấy vậy mà mọi người luôn hỗ trợ, dìu dắt nhau vượt qua những cung đường khó, chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống, đùa vui, động viên nhau để có chuyến đi trọn vẹn. Thiên nhiên thì quá tuyệt vời, vẻ đẹp của thác 50 thực sự quá ấn tượng, choáng ngợp. Những trải nghiệm đầu tiên của tôi về loại hình trekking thật ấn tượng và tuyệt vời. Chúng tôi sẽ nhớ mãi nơi này và sẽ quay trở lại”-Hạnh bày tỏ.
Chuyến trekking đáng nhớ của Nguyễn Ngọc Hạnh vào thác 50-điểm du lịch nổi tiếng của Gia Lai (ảnh nhân vật cung cấp).
Chuyến trekking đáng nhớ của Nguyễn Ngọc Hạnh vào thác 50-điểm du lịch nổi tiếng của Gia Lai (ảnh nhân vật cung cấp).
2. “Mỗi khi thấy bất ổn, tôi thường nghĩ đến việc xách ba lô vào Gia Lai hoặc vùng đất nào đó của Tây Nguyên”-chị Nguyễn Thị Huệ-nghiên cứu viên Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ. Lần đầu tiên chị đặt chân đến Phố núi Pleiku là thời điểm bản thân rơi vào khủng hoảng, chỉ muốn chạy trốn cả thế giới.
“Khi biết tôi có ý định đi Tây Nguyên, một người bạn thân hỏi sao không đi Singapore hay Thái Lan, đến một đất nước xa lạ, khám phá những thứ mới mẻ sẽ tốt hơn. Cuối cùng, tôi vẫn chọn Gia Lai để đào thoát những bộn bề, những suy nghĩ nhuốm mùi tiêu cực. Tôi có nhiều lý do để đưa Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng vào danh sách các điểm chắc chắn sẽ đến trong đời. Gia Lai hấp dẫn tôi từ những câu chuyện kể của bạn bè đã từng đến nơi này. Thêm nữa, vì lý do công việc nên tôi cũng muốn tìm kiếm và khám phá những nét khác biệt của văn hóa Tây Nguyên trong dòng chảy chung của văn hóa dân tộc. Hơn nữa, Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng quá mới mẻ với người Hà Nội nên vùng đất này như một điểm đến được định sẵn dành cho người “ham của lạ” như tôi”-chị Huệ nói.
Trong chuyến đến với Phố núi Pleiku cuối mùa khô năm 2019, chị Huệ đã dành thời gian đến Quảng trường Đại Đoàn Kết, tham quan Bảo tàng tỉnh, đi dạo trên những con đường đồi dốc của Phố núi, hít căng lồng ngực mùi nắng, mùi gió, mùi cây lá đại ngàn và thiên nhiên trong lành.
Chị chia sẻ: “Tôi đã tới Làng văn hóa-du lịch Plei Ốp, thăm “Đôi mắt Pleiku”, ghé những quán cà phê xinh đẹp, đặc trưng của Phố núi… để cảm nhận về một Gia Lai trong truyền thuyết, qua những câu chuyện của cô bạn thời đại học. Nếu hỏi tôi ấn tượng nhất về Gia Lai là gì thì chắc đó là những con đường. Khi một mình lái xe từ TP. Pleiku lên Kon Tum qua những con dốc thẳng tắp, đỉnh dốc và bầu trời như hòa làm một, cảm giác như đang thẳng lên chốn thiên đường mộng mơ-nơi có các vị thần đẹp như trong thần thoại Hy Lạp vui vẻ tiệc sóng sánh rượu vang giữa nắng vàng như mật”.
Chị Huệ chia sẻ thêm, chị đã chạy trốn khỏi Hà Nội ồn ào với tắc đường, mệt mỏi và tỷ thứ rắc rối để có một chuyến đi tuyệt vời nhất có thể. Nhắm mắt lại có thể thấy ngay cao nguyên Gia Lai ngút ngàn với mây trời trong vắt, với đại ngàn xanh thẳm, với những con dốc thẳng tắp nối liền mặt đất-bầu trời, với hương cà phê thơm nồng mỗi sáng…
“Tôi nhớ vùng đất Bắc Tây Nguyên bởi những thứ bình dị thế thôi nhưng thật bình yên. Đã có lời hẹn trở lại Pleiku và lần này, tôi không đi một mình mà cùng những người bạn Hà Nội”-chị nói khi thông báo với tôi lịch trình khám phá cao nguyên Gia Lai vào cuối tháng 7 này.
MINH CHÂU
-------------------------
(*): Tên một tập sách của nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dournes.

Có thể bạn quan tâm