Phóng sự - Ký sự

Đông Ky sốt K'nia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi có dăm bài viết về cây K’nia, cũng như viết về xà nu, về B’lang... như những “đặc sản” Tây Nguyên. Nhiều người đọc và lan tỏa. Nhiều người ồ à, té ra giờ mình mới biết, nhất là cây xà nu.
 100 cây K’nia được anh Nguyễn Quang Huy tặng thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai)
100 cây K’nia được anh Nguyễn Quang Huy tặng thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai)
Dạy miết Rừng xà nu, giờ mới biết nó là cây... thông. Các loại cây ấy đang ngày càng thưa vắng, có những loại cây gần như bị xóa sổ, muốn tìm phải vào tận rừng sâu. Mà rừng thì giờ cũng... hiếm như các loại cây ấy.
Lâu rồi, đâu như dăm năm trước, một hôm Bí thư Thị xã ủy Ayun Pa, Gia Lai, điện cho tôi, hỏi là thấy anh viết nhiều về K’nia, còn đề nghị có một đường toàn cây K’nia ở thành phố Pleiku. Giờ thị xã Ayun Pa muốn làm thế, tức là trồng K’nia ở công viên và một con đường, nhưng không biết kiếm cây giống ở đâu, anh nhờ tôi có biết thì chỉ giúp. Xin nói luôn, Ayun Pa tức là Phú Bổn cũ, ngày xưa vùng này cũng nhiều K’nia lắm, mà giờ ông bí thư phải điện tứ tung đi xin thế thì cũng... “gì” lắm rồi.
Tôi đã vận dụng hết mối quen biết để hỏi cho anh, cũng tức là cho tôi, vì tôi có chút duyên nợ với đất này - gia đình nhà vợ tôi đang ở đấy. Nhưng cuối cùng là con số không. Tôi khuyên anh thuê “lâm tặc” vào rừng tìm rồi di thực về. Như thế sẽ rất tốn kém và chỉ được một vài cây, và chưa chắc nó đã sống vì K’nia rễ cọc, rất sâu, đứt rễ cọc là cây sẽ chết, còn đào nguyên rễ cọc thì rất khó di chuyển vì rễ cây này thường dài gấp 3 chiều dài của thân. Hồi tỉnh Gia Lai vận chuyển một cây ra trồng ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, một xe chở nó phải có thêm mấy xe bảo vệ kiểu xe siêu trường siêu trọng. Theo như một chuyên gia về cây, ươm đại trà giống K’nia khá khó. Gia Lai đã có một kỹ sư lâm nghiệp tên Nhử Văn Vẻ từng ươm, nhưng rồi vì nhiều lý do đã bỏ cuộc, dù ông này cũng rất yêu K’nia, từng có biệt danh là Vẻ K’nia.
Tôi có viết chuyện Ayun Pa xin K’nia này lên trang Facebook của tôi. Nói thêm ngoại đề tí, dù có người này người kia dè bỉu, nhưng Facebook là một trang rất hay, nếu anh biết chơi nó, chủ động với nó, điều hành được nó. Như tôi, có việc gì bí thì hỏi... “phây búc”. Thì y rằng, tuần vừa rồi, có người viết một status về K’nia và tag tôi vào, nhờ tôi làm mối để... biếu cây giống K’nia. Đấy là lý do để tôi gọi anh là Đông Ky sốt K’nia.
Làm giám đốc chi nhánh HDbank Gia Lai, Nguyễn Quang Huy, quê Thái Bình, lại rất mê cây. Sểnh ra là xuống làng, xuống vườn, mê mẩn với cây. Cái ngõ nhà anh ở, dài mấy trăm mét. Như nhiều con phố khác ở Pleiku, nó... trống trơn. Anh mang cây về trồng, cây to, giá mấy chục triệu đồng một cây. Đầu tiên là trồng gần nhà mình. Có một ông giáo về hưu sát nhà anh phản đối, bảo khi làm đường người ta tính cả rồi, nên người ta mới không trồng cây, giờ anh mang cây về trồng là vi phạm. Anh trồng dịch ra chỗ khác, tránh cái nhà kiện kia ra, nhưng ông kia vẫn chống, làm đơn lên phường. Thế là anh cũng phải... lên phường, rồi họp cư dân khu phố, hầu như tất cả đồng ý để anh trồng. Giống anh mua, công anh thuê, từ đào hố, bỏ phân bón, xe bứng cây hạ cây, rồi chăm sóc... tất cả mọi thứ mình anh bỏ ra làm cho công cộng, lẽ ra được cảm ơn, được khen, nhưng cái nhà ông kia vẫn... kiện.
Hôm anh trồng cây cho toàn tuyến đường, bà con cả khu ra mỗi người một tay, hân hoan như hội; mỗi ông kia chắp tay sau đít đi qua đi lại, hỏi giấy phép đâu, ai cho... vân vân...
Thì giờ, anh lại thông báo tặng K’nia giống, loại cây mà anh gọi là “linh mộc” Tây Nguyên. Có lẽ cũng cần nhắc lại một tí về loài cây này. Nó nổi lên nhờ nhà thơ Ngọc Anh và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Cặp nhà thơ - nhạc sĩ này đã cùng nhau thổi hồn để cây K’nia trở nên bất tử với thời gian, trở thành đặc sản Tây Nguyên, qua bài hát Bóng cây K’nia, chứ bản thân cây K’nia đơn giản là loại cây nhiều nơi có chứ không chỉ ở Tây Nguyên, không phải là “đặc sản” Tây Nguyên, bởi nó chính là cây... cầy, hoặc có nơi gọi là cậy, khá nhiều ở đồng bằng.
Qua tay nhà thơ Ngọc Anh, cây K’nia trở thành một biểu tượng bất tử của Tây Nguyên. Tôi là người chấp bút cho ông Ksor Krơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Kon Tum, kể về những ngày cuối cùng của nhà thơ Ngọc Anh ở chiến khu Kon Tum, để in trong một cuốn sách mỏng về Ngọc Anh, do nhà văn Thanh Quế chủ biên, in cách đây gần 30 năm. Những ngày cuối đời của nhà thơ Ngọc Anh rất bi tráng, và việc tìm được mộ ông cũng ly kỳ không kém. 
Việc dùng cây K’nia làm hình tượng văn học cho bài thơ là một phát hiện rất đắt của Ngọc Anh. Chúng ta đến bây giờ, không nhiều người tường tận về K’nia đâu. Đấy là một loại cây rất ngạo nghễ, chỉ đứng một mình, cô đơn, tán hình trứng, rễ cọc rất dài và hạt ăn được. Trong chiến tranh, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta đã dùng hạt K’nia thay lương thực. Người Tây Nguyên để hạt K’nia trong gùi và đi, bao giờ mệt ngồi nghỉ, lấy hạt K’nia đập ăn. Một vài hạt văng ra và mọc thành cây, vì thế, khi đi bộ, cứ khi nào mệt và đói ta lại gặp một cây K’nia hiện ra, rợp bóng mát như một đặc ân của trời thả xuống ban cho con người...
Thì K’nia nó vừa là ký ức lại vừa hiện hữu như thế, vừa nổi tiếng trong văn chương nghệ thuật, lại khát khao giữa đời thường như thế. Trồng lại nó là việc nhiều người thích, nhưng giống ở đâu lại cứ lúng túng như múa tay trong bị.
Đúng thời điểm ấy thì Nguyễn Quang Huy thông báo trên Facebook: Đương có cây K’nia giống, sẽ tặng mỗi trường học trong tỉnh Gia Lai 2 cây để trồng trong sân, vừa lấy bóng mát vừa cho học trò biết thế nào là cây K’nia, khỏi tưởng tượng. Nguyễn Quang Huy cũng nhờ tôi kết nối để tặng đều cho khắp. Khổ, tặng cây mà sợ... ế, dù là sẽ chở cây tận nơi, mang phân bón tới tận nơi, chỉ yêu cầu đào hố trước, 60x60. Trường trong nội ô Pleiku thì anh trực tiếp chở tới rồi chỉ huy trồng; ở các huyện thì nhận tại các chi nhánh của HDbank, anh gửi xuống đấy.
Tất nhiên là tôi hân hoan thông báo trên Facebook của tôi. Và ngay lập tức có 2 ban thường vụ của 2 thị xã thuộc tỉnh Gia Lai họp, là thị xã An Khê và Ayun Pa. Thị xã Ayun Pa xin 60 cây, trồng ở trường, công viên và đường. An Khê xin... 100 cây, kèm kế hoạch rất chi tiết về trồng ở đâu ở đâu, cụ thể đến từng gốc, và chăm như thế nào, ai chỉ đạo chuyên môn, ai trực tiếp chăm... Té ra An Khê xưa, thời là Tây Sơn thượng đạo ấy, đã là nơi mà K’nia (cây cầy) cùng cây ké từng là linh mộc gắn với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, còn truyền miệng đến bây giờ “Cây ké phất cờ, cây cầy nổi trống” trong lễ xuất binh khởi nghĩa Tây Sơn. Và trồng lại K’nia là đau đáu lâu nay của nữ bí thư thị xã ủy này. Và không chỉ bí thư, mà của nhân dân ở đây, vì thế, ngay lập tức nội dung cuộc họp được hưởng ứng ngay...
Nhà báo Nguyễn Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phát thanh cơ sở 2 ở TPHCM, cũng nhắn tin xin 2 cây để trồng trong khuôn viên trường. Giám đốc Khu du lịch Một Thoáng Việt Nam ở Củ Chi cũng đăng ký 2 cây. Nguyễn Quang Huy hứa là ngay khi hết giãn cách, có xe đò chạy lại, anh sẽ đóng gói cây rồi gửi xuống ngay. Bên nhận chỉ việc ra Bến xe miền Đông chở về trồng.
Điều thú vị là, trừ các trường học, do... nghèo nên chỉ nhận và cảm ơn. Mấy cơ quan lớn, có thị xã An Khê và Ayun Pa, xin được... trả tiền nhưng Nguyễn Quang Huy từ chối. Anh bảo có người trồng là quý rồi, tiền nong anh... bao được. “Ở Ayun Pa, em chở xuống tận nơi, 90 cây số chứ mấy. An Khê thì cho xe lên nhận chứ không thì em cũng chở xuống luôn”, anh Huy bảo thế.
Hôm qua gặp, nói chuyện, anh bảo, ban đầu tính sẽ tặng 200 cây, nhưng giờ thành... 500 rồi. Và cũng hết rồi. Hỏi anh tổng chi phí cho cuộc tặng cây này “thiệt hại” bao nhiêu, anh cười cười, thôi nói làm gì, tặng thì ai tính toán làm gì cho nó... mất hứng.
À quên, nói thêm, anh yêu cầu không cảm ơn, không ghi tên người tặng lên cây. Thế thì nó là Đông Ky sốt K’nia chứ còn gì nữa, phải không ạ? 
Theo VĂN CÔNG HÙNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm