(GLO)- Tôi sinh ra ở Phố núi Pleiku, không lớn lên bên một dòng sông. Tuy nhiên, như một sự sắp xếp của số phận, tôi đã có một dòng sông quê mình ở cái tuổi đã trưởng thành. Con sông ấy không gắn với cuộc sống hàng ngày, không tắm mát tuổi thơ tôi, nhưng tên của nó tôi đã được nghe từ lâu lắm: Sông Thạch Hãn. Dòng sông lịch sử này từ gần 30 năm nay đã là bao cảm xúc của tôi khi trở về nơi quê hương thứ hai, quê nội của các con tôi.
Sông Thạch Hãn hiền hòa chảy qua thị xã Quảng Trị, tạo cho thị xã một vẻ yên bình mát mẻ, nhất là vào những buổi trưa hè khi gió Lào rát bỏng. Những buổi sáng khi sương sớm chưa tan hay lúc hoàng hôn buông xuống, dòng sông và bầu trời bàng bạc một màu thật là thơ mộng. Lớn lên cùng núi đồi, tôi thích sông, thích biển nên luôn bị thu hút ngay bởi phong cảnh miền sông nước. Ngoài sự hấp dẫn của một dòng sông bình thường, sông Thạch Hãn còn đem lại cho tôi một cảm xúc đặc biệt mỗi lần đến đây. Để rồi khi ra đi, tôi lại mong được trở về.
Lần đầu tôi được đứng bên bờ sông này là năm 1994. Thị xã Quảng Trị lúc đó còn vắng vẻ. Dạo quanh thị xã, chồng tôi chỉ cho tôi xem dấu tích cuối cùng còn sót lại của thị xã sau 81 ngày đêm khói lửa là ngôi trường Bồ Đề đổ nát, nham nhở vết đạn bom. Dòng sông nhỏ bé vẫn lặng lờ trôi mà trong tôi một nỗi xúc động cứ dâng trào. Tôi tự hỏi điều gì đã làm nên sức chịu đựng lớn lao cho dòng sông cùng với thị xã nhỏ bé này. Sự sống đang hồi sinh từng ngày, nhưng hồi ức về chiến tranh vẫn chưa thể và sẽ là không thể xóa nhòa với những người dân ở đây, đặc biệt những người đã trải qua thời kỳ đạn bom ác liệt ấy.
Sông Thạch Hãn gắn với 81 ngày đêm máu lửa ở Thành cổ Quảng Trị, gắn với cuộc trao trả tù binh năm 1973 sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Con sông đã được cả thế giới biết đến. Tôi từng thích lịch sử khi học ở trường và luôn mong muốn một lần được đặt chân đến địa danh lịch sử này. Cuộc sống đôi khi có những sắp xếp kỳ lạ như vậy đấy. Gia đình chồng tôi tuy không ở bên bờ sông Thạch Hãn, nhưng Cầu Ga bên bờ Thạch Hãn là điểm dừng chân của tôi khi xuống xe về quê. Tôi thường ngồi trong một quán cà phê cạnh bờ sông, ngắm nhìn dòng sông lúc mặt trời lên, nhìn về phía bên kia sông những mái nhà nép dưới những hàng cây và tự hỏi những ngày chiến đấu năm xưa, bao người lính tuổi đôi mươi ấy đã từ bên ấy qua bên này, bao nhiêu người đã nằm lại. Con sông vẫn lặng lờ trôi, chỉ có lòng tôi chưa bao giờ thôi thổn thức.
Sông Thạch Hãn. Ảnh: N.T.T.A |
Thị xã nhỏ bé với một dòng sông bao quanh, điều thường thấy ở nhiều nơi trên đất nước hình chữ S này. Nhưng có lẽ không ở nơi đâu, cạnh dòng sông lại có những đài tưởng niệm, những điểm thả hoa đăng, có tiếng chuông nguyện hồn những ngày rằm, mùng 1 hay những ngày lễ, Tết. Mỗi lần về quê, tôi hòa vào dòng người lặng lẽ bước vào đài tưởng niệm, thành kính dâng hương rồi nhận một hoa đăng xuống bờ sông thả vào dòng nước chảy. Dòng sông sáng rực ánh hoa đăng trôi chầm chậm như một lời nguyện cầu gửi đến linh hồn những người con đất Việt đã nằm lại trên dòng sông và cả ở đâu đó trong khu thành cổ. Bao nhiêu người con ưu tú của đất nước đã nằm lại nơi đây ở tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của mình. “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Một trang lịch sử oai hùng và bi tráng của dân tộc còn mãi lưu lại nơi này.
Quảng Trị không ồn ào, cả con người và cảnh vật dường như đều thâm trầm, chậm rãi. Những ngày lễ, ngày Tết ở đây là lúc con cháu hướng về tổ tiên, ông bà, những người đã khuất. Đây cũng là lúc người dân nơi đây và cả khách phương xa thắp nén hương cầu mong cho linh hồn của những người con trên mọi miền đất nước đã nằm lại quê mình được yên ổn và siêu thoát. Những khu tưởng niệm hai bên bờ sông nghi ngút khói hương và trang trọng nhiều lễ vật. Dọc bờ sông, ngoài những loài hoa đặc trưng của mùa xuân miền Trung như mai vàng, cúc, vạn thọ, người ta còn thấy những cành đào thắm hồng được đem đến từ phương Bắc. Mùa xuân, mùa của đoàn tụ, chắc bà con và gia đình cũng mong lắm linh hồn các anh chị trở về…
Như mọi dòng sông đều đem nước ngọt phù sa cho đồng ruộng mỡ màu, tưới tắm tâm hồn cho mỗi con người, sông Thạch Hãn với sứ mệnh của mình đã làm được nhiều hơn thế. Giờ đây, bao người lớn lên sau chiến tranh như tôi có dịp về đây, thắp nén hương thơm tưởng nhớ những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi đã nằm lại đây, nghe hồn thiêng sông núi vọng về từ bến sông vắng lặng, để yêu biết bao cuộc sống thanh bình mình có được hôm nay. Và tôi thật tự hào biết bao khi mình đã có một dòng sông quê hào hùng như thế!
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI