Phóng sự - Ký sự

Đồng tiền ảo Bitcoin-Kỳ cuối: Muốn đầu tư vào bitcoin, cần biết...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sắp tới có nên đầu tư vào bitcoin hay không? Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của các nhà phân tích. Hầu hết đều nghi ngờ tương lai của bitcoin.

Khác với các thị trường tài chính truyền thống, giá tiền ảo bitcoin có thể trồi sụt bất thường chỉ trong vài tiếng. Trong bối cảnh đó, nhiều người suy nghĩ: Sắp tới có nên đầu tư vào bitcoin hay không? Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của các nhà phân tích. Hầu hết đều nghi ngờ tương lai của bitcoin.

 
Chuỗi cửa hàng bách hóa Marui ở Tokyo đã sử dụng bitcoin.
Chuỗi cửa hàng bách hóa Marui ở Tokyo đã sử dụng bitcoin.

Điểm yếu của bitcoin

Nhà phân tích Kay Van-Petersen ở ngân hàng đầu tư Saxo Bank tại Đan Mạch dự báo năm 2018, giá bitcoin có thể tăng vọt đến 60.000 USD do các nhà đầu tư bán hợp đồng tương lai về bitcoin (hợp đồng tương lai là thỏa thuận giữa hai bên mua và bán tài sản tại một thời điểm nhất định trong tương lai với giá định trước).

Song đến năm 2019, bitcoin tuột dốc chỉ còn 1.000 USD nếu xảy ra hai trường hợp. Một là Trung Quốc cấm "đào" tiền ảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý tiền ảo hoặc tạo tiền ảo riêng. Hai là Nga cho phép "đào" tiền ảo để giữ vốn lại Nga.

Trả lời chương trình thời sự truyền hình Newsnight (của BBC) giữa tháng 12-2017, ông Andrew Bailey, tổng giám đốc Cơ quan Thực thi tài chính ở Anh (chịu trách nhiệm trước Bộ Tài chính và Quốc hội Anh về thị trường tài chính), cho rằng bitcoin không phải là chỗ đầu tư an toàn vì bitcoin không phải là tiền.

Nhà phân tích chứng khoán nổi tiếng Michael Dudas nêu quan điểm tương tự Andrew Bailey. Ông nói chắc "bitcoin có nguy cơ khiến bạn vỡ nợ" bởi bitcoin là hình thức đầu tư tài chính rủi ro do đây chỉ là đầu cơ. Ông khẳng định quy định pháp luật về tiền ảo không rõ ràng, do đó chỉ có nhanh chóng điều chỉnh bitcoin mới có thể hạn chế thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Emil Oldenburg - giám đốc trang web bitcoin.com và người đồng sáng lập ngân hàng giao dịch bitcoin Safello ở Thụy Điển - phát biểu: "Hiện nay đầu tư vào bitcoin mang lại rủi ro nhiều nhất". Ông giải thích nhược điểm của bitcoin là phí giao dịch cao và thời gian xác nhận chậm (4-5 tiếng).

Ông khẳng định: "Mới đây tôi đã bán hết bitcoin để chuyển sang bitcoin cash (một loại tiền ảo khác). Bitcoin cash chỉ tốn 0,012 USD cho mỗi giao dịch và thời gian giao dịch nhanh. Chỉ có bất lợi duy nhất là nó cần đĩa cứng lớn hơn". Ông còn chê bitcoin vì có những người mà ông gọi là "Taliban cuồng tín bitcoin" đang kiểm soát hệ thống giao dịch cũ kỹ.

 

Bitcoin được xác nhận là tiền ảo nhưng luôn được gắng định hình theo giá trị của tiền thật.
Bitcoin được xác nhận là tiền ảo nhưng luôn được gắng định hình theo giá trị của tiền thật.

Đồng tiền của chủ nghĩa cực hữu

Một kịch bản về tương lai bitcoin là bitcoin sẽ tiếp tục tồn tại song song với tiền tín dụng nhưng sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của các ngân hàng trung ương. Lý do vì có nhiều yếu tố gây mất niềm tin vào bitcoin như không có ngân hàng nào điều chỉnh và quản lý bitcoin, do đó nó được sử dụng để trốn thuế, rửa tiền, lừa đảo, buôn ma túy, buôn súng, buôn người, tài trợ khủng bố hay cổ súy cho tư tưởng cực hữu.

Hiện nay, không thể biết có bao nhiêu thành viên cực hữu ở Mỹ đầu tư vào bitcoin. Tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm nghiên cứu luật người nghèo miền Nam (SPLC) đang giám sát 200 ví tiền ảo bitcoin của các nhóm cực hữu.

Trong cuốn sách Chính sách của bitcoin: Phần mềm dùng cho chủ nghĩa cực hữu xuất bản vào tháng 9-2016, giáo sư David Golumbia tại Đại học Virginia đã khẳng định mối liên hệ giữa cánh cực hữu và tiền ảo. Richard Spencer - nhân vật xây dựng phong trào chủ nghĩa da trắng thượng đẳng ở Mỹ - cũng đã từng khoe "bitcoin là đồng tiền của cánh hữu thay thế" (Alt-right).

Nạn tin tặc đánh cắp bitcoin cũng là yếu tố làm giảm giá trị bitcoin. Sàn giao dịch Youbit ở Hàn Quốc phải phá sản vì bị tin tặc đánh cắp gần 4.000 bitcoin vào giữa tháng 12-2017. Trước đó, sàn NiceHash chuyên "đào" bitcoin ngừng hoạt động 24 tiếng vì bị tin tặc đánh cắp 4.700 bitcoin.

Về công nghệ, bitcoin là đồng tiền ảo không ổn định vì khi cập nhật phần mềm xử lý có thể sẽ xuất hiện nhiều bản sao bitcoin. Vì vậy mà sau bitcoin đã xuất hiện các phiên bản mới như bitcoin XT, bitcoin classic, bitcoin unlimited, bitcoin cash, bitcoin gold. Tiền ảo mới cạnh tranh khiến bitcoin mất giá.

Công nghệ của bitcoin hiện nay cũng đã lỗi thời so với các loại tiền ảo khác như litecoin, ethereum hay ripple, vì vậy giao dịch bitcoin mất thời gian xác nhận lâu hơn như Emil Oldenburg đã nói.

 

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde.
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde.

Bitcoin sẽ thay tiền tín dụng?

Trong bài diễn văn đọc tại hội thảo do Ngân hàng Trung ương Anh tổ chức cuối tháng 9-2017, bà tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đánh giá: "Hiện nay, các loại tiền ảo như bitcoin không còn là mối đe dọa đối với trật tự hiện hữu của các tiền tín dụng và các ngân hàng trung ương.

Vì sao vậy? Bởi chúng quá bấp bênh, quá rủi ro, quá tốn năng lượng, bởi các công nghệ nền tảng không đủ khả năng thay đổi và bởi nhiều tiền ảo không minh bạch đối với cơ quan thực thi pháp luật, một số tiền ảo đã bị tin tặc đánh cắp".

Dù vậy, bà nhận định phần lớn khuyết điểm nêu trên có thể được khắc phục qua thời gian và một số điều kiện hiện nay cho thấy xu hướng tiền ảo sẽ thay thế các đồng tiền hiện nay vào một ngày đẹp trời nào đó.

Trong nghiên cứu mới đây, Ngân hàng Thanh toán quốc tế đánh giá ít có khả năng tiền ảo sẽ thay thế tiền tín dụng nhưng các ngân hàng trung ương cần nghiên cứu khả năng phát hành tiền ảo riêng. Theo xu hướng này, Thụy Điển đã phát triển dự án phát hành tiền ảo eKrona.

Tại Nhật Bản, nhiều ngân hàng đã giới thiệu dự án chung về tiền ảo được ngân hàng trung ương ủng hộ. Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã thông báo Nga sẽ phát hành tiền ảo CryptoRuble. Tại một số nước như Hà Lan đã cho phép đặt buồng chuyển tiền mặt sang bitcoin và ngược lại.

Hiện nay, trừ Nhật Bản đã ban hành luật cho sử dụng bitcoin, nhiều nước đang theo dõi bước phát triển của tiền ảo. Chuyên gia Stephen Innes, phụ trách kinh doanh ở châu Á - Thái Bình Dương của nhà môi giới trên mạng Oanda (Mỹ), nhận xét các cơ quan thực thi pháp luật ngày càng quan tâm đến hiện tượng cá nhân giao dịch bitcoin.

1.380 loại tiền ảo đang lưu hành

Hiện nay, có khoảng 1.380 loại tiền ảo đang lưu hành trên mạng. Theo trang web CoinGecko, trong số này có 10 loại tiền ảo phổ biến nhất gồm: bitcoin, ethereum (và ethereum classic), litecoin, monero, ripple, dogecoin, dash, safecoin, lisk, storjcoin X.

Trang web CoinMarketCap ghi nhận trong năm 2017 có 10 loại tiền ảo tăng trưởng tốt nhất lần lượt gồm: ripple (tăng trưởng 36.018%), NEM (29.842%), ardor (16.809%), stellar (14.441%), dash (9.265%), ethereum (9.162%), golem (8.434%), binance coin (8.061%), litecoin (5.046%), omiseGO (3.315%).

Bitcoin đứng hạng 14 với tỉ lệ 1.318% nhưng có mức vốn hóa đứng đầu với gần 250 tỉ USD, chiếm khoảng 35% số lượng tiền ảo. Đồng tiền ảo ripple chiếm vị trí thứ hai sau bitcoin với mức vốn hóa 107 tỉ USD.

Trần Ngọc Long/tuoitre

Có thể bạn quan tâm