Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Động viên đồng bào các dân tộc tại Gia Lai phát huy nội lực, phấn đấu vươn lên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể trong tỉnh Gia Lai, công tác dân tộc đã đạt nhiều kết quả quan trọng và toàn diện. Ngoài việc triển khai tốt các chính sách của Trung ương, tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế đặc thù để hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Điều đó góp phần làm thay đổi tích cực diện mạo của vùng đồng bào DTTS, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên. Ảnh: Đ.T
Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Kpă Thuyên. Ảnh: Đ.T
Gia Lai là tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS hiện có 699.791 người, chiếm 46,23% (dân tộc Jrai chiếm 30,37%, dân tộc Bahnar 12,51%, các dân tộc khác chiếm 3,35%) và sinh sống rải đều ở 17 huyện, thị xã, thành phố. Nhiều năm qua, công tác dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng quan tâm thực hiện và ngày càng đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc. Từ việc triển khai nghị quyết này, nhận thức về vị trí, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác dân tộc trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội được nâng lên. Tỉnh đã quan tâm thực hiện nhiều chính sách, giải pháp, huy động lồng ghép nhiều nguồn lực để hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS một cách đầy đủ và tương đối kịp thời.
Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ thiết thực cho vùng đồng bào DTTS, như: Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 3-3-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số và tôn giáo trong tình hình mới”; Kế hoạch số 2609/KH-UBND ngày 17-7-2014 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Thông tri số 01-TT/TU ngày 14-12-2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20-10-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12-4-2017 của Tỉnh ủy về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025; Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”...
Từ năm 2014 đến 2019, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (trong đó có Chương trình 135) đã đem lại sự thay đổi lớn về kết cấu hạ tầng, giúp nhân dân vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn xóa đói, giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tổng kinh phí đầu tư hỗ trợ cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn  2014-2019 là gần 984 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn là hơn 97,7 tỷ đồng. Kinh phí trợ giá, trợ cước hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống là hơn 457 tỷ đồng…
Từ việc triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách của Trung ương, của tỉnh và nguồn vốn huy động xã hội hóa, hàng chục ngàn hộ đồng bào DTTS đã có vốn phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo, có kiến thức khoa học-kỹ thuật để làm ăn, được dùng nước sạch và điện lưới quốc gia. Kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn từng bước ổn định và phát triển, kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS giảm nhanh hơn mức bình quân chung toàn tỉnh. Cụ thể, năm 2015, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 64.087 hộ, chiếm tỷ lệ 19,71% (trong đó, đồng bào DTTS 53.573 hộ); năm 2018, tổng số hộ nghèo là 34.873 hộ, chiếm tỷ lệ 10,04% (trong đó, đồng bào DTTS 30.441 hộ). Bình quân mỗi năm cả tỉnh giảm 3,3% số hộ nghèo (riêng hộ nghèo đồng bào DTTS bình quân mỗi năm giảm 6,37%). Đến nay, toàn tỉnh có 15 làng đạt chuẩn nông thôn mới trong tổng số 32 làng thuộc 30 xã ở 17 huyện, thị xã, thành phố đăng ký xây dựng làng nông thôn mới trong năm 2018. Trong năm 2019, tỉnh phấn đấu có 39 làng đạt chuẩn nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó, tỉnh đang nghiên cứu xây dựng “Đề án đầu tư nguồn lực phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững cho các thôn, làng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Tỉnh cũng đã cơ bản hoàn thành công tác định canh, định cư, cơ bản chấm dứt tình trạng di cư tự do.
 Các nghệ nhân làng Chuét 1 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) biểu diễn cồng chiêng tại một lễ hội. Ảnh: Đ.T
Các nghệ nhân làng Chuét 1 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) biểu diễn cồng chiêng tại một lễ hội. Ảnh: Đ.T
Cùng với đó, công tác giáo dục-đào tạo và y tế ở vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa cũng có nhiều tiến bộ rõ rệt. Đến nay, 100% xã vùng DTTS hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS; trên 90% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác quốc phòng-an ninh vùng đồng bào DTTS được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chú trọng thực hiện, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự. Hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS được củng cố, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở được nâng lên góp phần triển khai tốt các cơ chế, chính sách với đồng bào. Năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ vùng DTTS ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…
Dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện nhưng công tác dân tộc của tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Đời sống của một bộ phận đồng bào vẫn còn khó khăn, dân trí chưa cao, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong khi nguồn kinh phí đầu tư có hạn. Điều đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Để làm tốt công tác dân tộc cần coi việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời phát huy tối đa nội lực của nhân dân tham gia thực hiện các chương trình, dự án, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước; tổ chức lồng ghép các nguồn lực, chương trình, dự án trên địa bàn để đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, mỗi cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở cần nắm vững phương châm thực hiện công tác dân tộc là gần dân, nghe dân, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất, làm kinh tế gia đình; động viên đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, ý chí tự lực tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, nhanh chóng hội nhập với sự phát triển chung của đất nước.
KPĂ THUYÊN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, 
Trưởng ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Gia Lai lần thứ III

Có thể bạn quan tâm