Kinh tế

Đột phá sau những năm đổi mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau năm 1986, hệ thống hạ tầng giao thông tỉnh Gia Lai đã có sự thay đổi đáng kể, nhiều tuyến đường được đầu tư, nâng cấp thuận lợi và thông suốt. Đặc biệt, việc nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku lên cấp 4C đã góp phần nâng tầm giao thông Gia Lai lên một bước mới, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội.

Những thành tựu khích lệ

Nói về sự đổi mới của hệ thống quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, ông Hà Anh Thái-Trưởng phòng Quản lý Kết cầu Hạ tầng Giao thông, Sở Giao thông-Vận tải cho biết: “Từ năm 1990, được sự đầu tư của Trung ương và sự quan tâm của tỉnh, hệ thống quốc lộ qua địa bàn đã được đầu tư, nâng cấp đáng kể. Trong đó, tuyến quốc lộ 14C từ chỗ chỉ đi lại được mùa khô, nay đã được đầu tư, nâng cấp đi lại thông suốt cả 2 mùa. Đặc biệt, dự án đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn được đánh giá là một tuyến đường nổi bật với tổng mức đầu tư lên đến 1.700 tỷ đồng. Hay như dự án đường Trường Sơn Đông nối liền Quảng Nam-Kon Tum-Gia Lai-Phú Yên-Đak Lak đã nâng hệ thống quốc lộ qua tỉnh từ 4 tuyến lên 5 tuyến, trong đó có 4 tuyến đã được đưa vào cấp (đạt tiêu chuẩn cấp 3 và 4)”.

 

Quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Thi
Quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Thi

Song song đó, hệ thống đường tỉnh hiện cũng tăng lên 12 tuyến với tổng số 431 km, cơ bản đã nhựa hóa. Những vùng như Kon Chiêng (huyện Mang Yang), Hà Đông (huyện Đak Đoa) hay Krông Năng (huyện Krông Pa)… trước đây được xem là “ốc đảo” tách biệt với thế giới bên ngoài, bởi đường sá đi lại khó khăn, có đoạn đường phải đi bộ. Còn nếu là mùa mưa thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, giờ đây đường đi đến các vùng này đã thông suốt, ô tô đi được 2 mùa đến tận trung tâm xã và những vùng sâu, vùng xa. Không chỉ vậy, thời gian qua, hệ thống đường địa phương cũng đã được đầu tư, nâng cấp với chiều dài 8.929 km, Trong đó, 1.650 km đường huyện, 6.020 km đường xã và 1.258 đường đô thị…

Dự án nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku lên cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015. Từ chỗ 1 tuần chỉ có 2 chuyến đi Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì nay mỗi ngày bình quân có đến 10 chuyến đi Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; các tuyến lẻ như Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh 1 tuần có 3-4 chuyến.

Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là một chủ trương đúng đắn, tạo nền tảng cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Từ một tỉnh miền núi nghèo, xuất phát điểm thấp, giờ đây kinh tế Gia Lai đã có sự đột phá, phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2010-2015, kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân mỗi năm tăng 12,81%; GDP bình quân đầu người đạt 39,1 triệu đồng/năm 2015. Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu nông sản có sự bứt phá mạnh mẽ, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Gia Lai tăng 2,11 lần, tăng bình quân 16,15%/năm…

Những kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ từ sự phát triển của hệ thống giao thông nội tỉnh, liên tỉnh. Các huyện Kbang, Ia Pa, Kông Chro trước đây kinh tế kém phát triển do giao thông đi lại khó khăn. Từ ngày dự án đường Trường Sơn Đông hoàn thành đã mở ra cơ hội giao thương hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.

Mới đây, Bộ Giao thông-Vận tải đã cho phép đầu tư dự án đường tránh đô thị Pleiku. Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết: “Dự án có chiều dài 32 km với tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2016. Đây là dự án có vai trò quan trọng trong việc kết nối và phát triển giao thông đô thị hiện đại. Không chỉ giải tỏa áp lực phương tiện lưu thông cho khu vực nội đô TP. Pleiku mà còn là động lực phát triển kinh tế của các huyện Chư Pah, Ia Grai, Chư Prông…”.

Theo quy hoạch từ nay đến năm 2030, Gia Lai sẽ có 2 tuyến đường cao tốc, gồm Gia Lai-Đak Lak và Gia Lai-Quy Nhơn. Đây được xem là những công trình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho Gia Lai nói chung và xây dựng TP. Pleiku thành một trung tâm kinh tế phát triển mang tầm khu vực nói riêng.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm