Đột phá trong phát triển du lịch Ia Grai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xây dựng đề án quy hoạch các điểm du lịch, kêu gọi đầu tư, xã hội hóa hoạt động du lịch cộng đồng… là những giải pháp đột phá nhằm biến Ia Grai (Gia Lai) trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Khi người dân “xắn tay” tham gia
Nhận thấy nhu cầu tham quan, du lịch trên lòng hồ Sê San 4 của du khách là rất lớn, anh Phan Văn Thao-chủ nhà hàng bè nổi Kim Ngân (làng Tăng, xã Ia O, huyện Ia Grai) đã chủ động đầu tư một chiếc thuyền du lịch với thiết kế khoảng 20 chỗ ngồi, có phục vụ ăn uống. Không chỉ vậy, anh Thao còn xây dựng hẳn một tour du lịch hấp dẫn do chính mình làm hướng dẫn viên. “Đầu tháng 9-2018, tôi đã đầu tư thuyền du lịch, tìm hiểu thông tin về các điểm đến… rồi nhận chở khách đi tour tham quan lòng hồ Sê San 4 ngắm phong cảnh núi non, khám phá thác Mơ hùng vỹ, đến làng chài và tìm hiểu về cuộc sống của người dân nơi đây”-anh Thao giới thiệu. Theo anh Thao, khách thường tập trung đông vào dịp lễ, Tết. Giá tour tham quan trọn gói là 1,5 triệu đồng/chuyến. Ngoài ra, nếu khách có nhu cầu ăn uống ngay trên mặt hồ, nhà hàng nổi Kim Ngân sẽ phục vụ các đặc sản của dòng Sê San như: cá lăng, cá chình…
Tham gia tour du lịch trên lòng hồ Sê San 4, du khách có thể cùng người dân làng chài phơi cá, làm bánh tráng cá cơm. Ảnh: K.N.B
Tham gia tour du lịch trên lòng hồ Sê San 4, du khách có thể cùng người dân làng chài phơi cá, làm bánh tráng cá cơm. Ảnh: internet
Là một trong 30 hộ dân sinh sống ngay tại làng chài trên mặt hồ Sê San 4, chị Nguyễn Thị Kiều Diễm cũng nhanh chóng “xắn tay” vào làm du lịch để kiếm thêm thu nhập bằng cách mạnh dạn đầu tư một chiếc thuyền chở khách trị giá trên 50 triệu đồng. Gia đình chị làm nghề chài lưới nhiều năm nay nhưng thu nhập từ nghề này không cao. Thấy tiềm năng du lịch lòng hồ khá lớn, gia đình chị đã đăng ký mở dịch vụ du lịch phục vụ khách tham quan. “Khi khách có nhu cầu, chúng tôi sẽ cho thuyền ra đón tận bến, phục vụ tham quan và thưởng thức các món đặc sản trên bè nổi hoặc hát karaoke miễn phí… Với kinh nghiệm lâu năm về nghề chài lưới, chúng tôi còn phục vụ tour du lịch trải nghiệm câu cá trên lòng hồ (tuy nhiên tour này rất hạn chế đối tượng khách vì khách phải biết bơi) hoặc cùng tham gia sinh hoạt với người dân làng chài như: phơi cá, làm bánh tráng cá cơm-đặc sản chỉ có ở Sê San...”-chị Diễm cho biết.
Hiện phong trào du lịch cộng đồng khá phát triển trên địa bàn huyện Ia Grai. Với vườn cam rộng 5 ha, gia đình ông Nguyễn Xuân Dương (làng Lân, xã Ia O) đã mở cửa để đón khách du lịch đến tham quan, hái quả. “Trước đây, gia đình chủ yếu bán cam cho thương lái và người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, thấy lượng khách du lịch tăng cao, gia đình đã mở cửa cho khách vào tham quan. Ngoài ăn uống thoải mái tại vườn, nếu khách có nhu cầu mua về, gia đình bán với giá bình quân 25.000 đồng/kg. Năm 2019, vườn sẽ có khoảng 2.000 cây cam cho thu hoạch, dự kiến khoảng 30-40 tấn/vụ. Tới đây, gia đình sẽ đầu tư làm cổng, bảng chỉ dẫn, bàn ghế… để khách tham quan nghỉ chân, hái quả”-ông Dương cho biết.
Cách làm du lịch trên của các hộ dân đã tạo được điểm nhấn hấp dẫn thu hút đông đảo du khách khắp nơi đến với Ia Grai. Anh Vũ Quang Sách (du khách ở Đồng Nai) đánh giá: “Quang cảnh lòng hồ Sê San 4 thật đẹp, hoang sơ và hùng vỹ khiến tôi choáng ngợp. Không chỉ thế, các loại đặc sản, trái cây cũng khiến tôi mê mẩn. Nếu có dịp tôi sẽ quay lại”. Còn chị Nguyễn Thị Thúy (người dân làng Lân, xã Ia O) chia sẻ: “Tôi rất tự hào về quê hương mình. Mỗi dịp lễ, Tết, tôi thường mời bạn bè, người thân đến đây để tham quan du lịch, giới thiệu những nét đẹp văn hóa của vùng đất Ia Grai”.
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Đề án quy hoạch các điểm du lịch huyện Ia Grai đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được xem là một trong những nỗ lực đánh dấu quyết tâm đột phá trong phát triển du lịch của huyện. Theo đề án này, có 5 điểm du lịch được quy hoạch kêu gọi đầu tư, gồm: Khu Du lịch sinh thái thác Chín tầng, Khu Du lịch sinh thái lòng hồ Sê San 4, Khu Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng thác Mơ, Khu Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé và Khu Di tích lịch sử Bến đò A Sanh. Đây là những dự án được đánh giá cao về tiềm năng với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 100 tỷ đồng. Những dự án này nếu được triển khai sẽ góp phần rất lớn trong việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương mà các dự án còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, cải tạo cảnh quan môi trường và xây dựng thương hiệu cho du lịch Ia Grai, tạo thành chuỗi “Du lịch khám phá thiên nhiên, văn hóa” của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
 Lòng hồ Sê San 4 có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Ảnh: Phan Nguyên
Lòng hồ Sê San 4 có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Ảnh: Phan Nguyên
Để đạt được mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện phấn đấu đến năm 2020 sẽ đón khoảng 45.000 lượt khách, duy trì tốc độ tăng trưởng 20-25%/năm… Theo ông Dương Mah Tiệp-Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, thời gian tới, huyện sẽ tập trung triển khai các giải pháp như: tăng cường quảng bá du lịch; đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư. “Ủy ban nhân dân huyện đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi một số doanh nghiệp đến khảo sát, đánh giá tiềm năng du lịch của huyện và xây dựng đề án. Đặc biệt, người dân trên địa bàn huyện cũng đang lưu trữ trên 1.000 bộ cồng chiêng, đây là một trong những điều kiện để phát triển du lịch văn hóa, hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch khác. Ngoài ra, huyện cũng đã tổ chức một buổi tập huấn cho các xã, các hộ dân có nhu cầu về phát triển loại hình du lịch homestay, du lịch cộng đồng…”-ông Tiệp cho biết.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện, thời gian tới, huyện sẽ đề xuất với tỉnh về việc quy hoạch các đảo trên lòng hồ Sê San thành điểm nghỉ chân giữa lòng hồ, tạo điểm đến hấp dẫn ở địa phương được xem là “vệ tinh” của TP. Pleiku.
Lê Lan

Có thể bạn quan tâm