Đột quỵ não

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bệnh còn có tên gọi khác là tai biến mạch máu não, xảy ra đột ngột và gây hậu quả nặng nề như tàn phế suốt đời, mất khả năng lao động...

Cứ 40 giây có một người đột quỵ
Đột quỵ não là bệnh do tổn thương một phần não, xảy ra đột ngột khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Trong một hội thảo mới đây về đột quỵ, GS-TS Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, cho hay cứ 40 giây thế giới có một bệnh nhân đột quỵ. Đột quỵ đứng hàng thứ ba về nguyên nhân gây tử vong và đứng thứ nhất về nguyên nhân gây tàn tật ở người. Ngoài ra, 75% trường hợp bệnh gặp ở lứa tuổi trên 60, cứ tăng thêm 10 tuổi nguy cơ bệnh tăng gấp đôi. Đột quỵ còn là tình huống cấp cứu về thần kinh thường gặp nhất.
Cấp cứu bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)
Đột quỵ chia làm hai dạng, gồm nhồi máu não và xuất huyết não. Nhồi máu não chiếm 80-85% trường hợp, do nhánh động mạch bị bít tắc. Xuất huyết não chiếm 10-15% trường hợp, do thành mạch xơ vữa, hoặc phình mạch do xơ vữa làm thành mạch bị thương tổn, trong đó huyết áp cao là yếu tố thuận lợi khởi phát xuất huyết não. Khi thiếu máu lên não, các tế bào não sẽ ngưng hoạt động và sẽ chết đi trong vài phút. Hậu quả là các vùng cơ thể do phần não đó điều khiển sẽ ngưng hoạt động. Những dấu hiệu đặc trưng và dễ nhận biết bệnh có thể kể đến qua sự thay đổi về vận động, ngôn ngữ như đột ngột tê liệt chân, tay hoặc nửa người, méo miệng, nói đớ hoặc không nói chuyện được; một số triệu chứng khác như đột ngột nhìn mờ, mù một mắt, loạng choạng, đau đầu dữ dội, hôn mê...
Phòng bệnh
Đột quỵ thường gặp từ 40 tuổi trở đi, nam mắc nhiều hơn nữ (do nam sử dụng nhiều rượu bia và thuốc lá- hai yếu tố nguy cơ cao của bệnh đột quỵ). Theo GS-TS Lê Văn Thành, đột quỵ gây những hậu quả, di chứng nặng nề cho người bệnh nếu không cứu chữa kịp thời. Do vậy, quy định về “thời gian vàng” 3 giờ trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ được đặc biệt lưu ý.
Bên cạnh đó, cần có nhận thức đúng và chăm sóc bệnh nhân khoa học. Bệnh nhân cần nơi thoáng, yên tĩnh, nằm đầu hơi cao khoảng 15-30 độ. Tuy triệu chứng bệnh biểu hiện đột ngột nhưng lại mang tính “ôn hòa” nên nhiều người lại giữ bệnh nhân ở nhà và dùng những cách cấp cứu không khoa học như lấy kim châm vào giữa đường nhân trung (đường nối từ mũi đến môi); hay châm kim vào 10 đầu ngón tay và ngón chân, rồi nặn máu; cạo gió... khiến bệnh trở nặng hơn. Việc xử trí tốt nhất là không cho người bệnh uống bất kỳ loại thuốc nào và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế cấp cứu gần nhất.
Ngoài ra, nhiều trường hợp đột quỵ dù sống nhưng lại bị tàn phế suốt đời, giảm tuổi thọ và không còn khả năng lao động. Do vậy, cần theo dõi thường xuyên bệnh nhân có tiền sử bệnh hoặc gặp những yếu tố nguy cơ. Cụ thể, tránh để tăng huyết áp, khi bị tăng huyết áp cần theo dõi liên tục để phát hiện đột quỵ. Cần lưu ý đến béo phì, thừa cân thường đi cùng tiểu đường và tăng huyết áp. Lưu ý về khẩu phần ăn- hạn chế thức ăn nhiều mỡ động vật; tránh lạm dụng rượu, hút thuốc lá- là thủ phạm gây tổn thương thành mạch máu, là mầm mống cùng cholesterol gây nên xơ vữa động mạch. Thường xuyên tập thể dục, tránh căng thẳng, stress trong cuộc sống...
Theo Thanhnien

Có thể bạn quan tâm