Du khách sẽ có thêm trải nghiệm đi dọc Việt Nam trên tàu bằng đầu máy hơi nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Du khách sẽ sớm có thêm một trải nghiệm ngắm vẻ đẹp đất nước Việt Nam trên tàu du lịch bằng đầu máy hơi nước. Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản chấp thuận chủ trương thực hiện dự án cải tạo, xây dựng tàu du lịch bằng đầu máy hơi nước trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh.

Hình ảnh đầu tàu bằng máy hơi nước sau khi phục dựng (Ảnh: VNR)
Hình ảnh đầu tàu bằng máy hơi nước sau khi phục dựng (Ảnh: VNR)



Hiện nay, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Scotland,… vẫn giữ những chuyến tàu bằng đầu máy hơi nước trong hoạt động vận tải và đặc biệt, phương tiện vận tải cổ xưa này luôn tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Theo văn bảo vừa được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, dự án vận chuyển hành khách du lịch trên đoàn tàu kéo bằng đầu máy hơi nước trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn Huế - Đà Nẵng là dự án hợp tác giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ du lịch đường sắt Đông Dương.

Công ty Đông Dương bỏ vốn đầu tư toàn bộ từ đóng mới, cải tạo đầu máy, toa xe để kinh doanh vận tải đường sắt cũng như hạ tầng công trình phụ trợ; thuê kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đất giành cho đường sắt để phục vụ tổ chức chạy tàu. Phía VNR cung cấp dịch vụ điều hành giao thông vận tải, biểu đồ chạy tàu…


 

 Thiết kế bên trong toa tàu du lịch bằng đầu máy hơi nước (Ảnh: VNR)
Thiết kế bên trong toa tàu du lịch bằng đầu máy hơi nước (Ảnh: VNR)



Để sớm phục vụ vận chuyển hành khách du lịch bằng đầu máy hơi nước, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu VNR phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ du lịch đường sắt Đông Dương bố trí kinh phí để thực hiện đầu tư các hạng mục phục vụ vận dụng đầu máy hơi nước của dự án như: cầu quay, họng cấp nước, nhà chỉnh bị, đường chỉnh bị,… bảo đảm tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Bên cạnh đó, VNR tổ chức xây dựng biểu đồ chạy tàu, phân bổ hành trình biểu đồ chạy tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng để khai thác vận tải hành khách du lịch phải bảo đảm an toàn tuyệt đối và không làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn Huế - Đà Nẵng.

Các đơn vị phải thực hiện việc nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt từ nguồn thu hoạt động vận tải của dự án theo quy định; cam kết hoàn trả nguyên trạng mặt bằng không kèm bất cứ điều kiện nào khi cấp có thẩm quyền có quyết định thu hồi.

Các chuyên gia giao thông cho rằng để có thể khai thác đầu máy hơi nước cần xây dựng các công trình phụ trợ kèm theo như: cầu quay để quay đầu máy, nhà chỉnh bị, đường chỉnh bị, hệ thống cấp than và cấp nước… và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Tàu sử dụng đầu máy hơi nước tạo ra sức kéo thông qua một động cơ hơi nước. Đầu máy xe lửa mang theo cả nhiên liệu và nguồn nước trên chính đầu máy hoặc trong toa xe kéo phía sau. Loại đầu máy này được sử dụng phổ biến trên thế giới từ thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.

Vào những năm 1990, ngành đường sắt Việt Nam dần thay thế đầu máy hơi nước bằng các đầu máy xe lửa dùng điện và diesel.

Theo T.LINH (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm