Du lịch Gia Lai: Trải nghiệm và chia sẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Không còn giới hạn trong những bức ảnh, cảnh sắc Gia Lai được phản chiếu đa chiều, đẹp ngỡ ngàng qua clip của các thí sinh tham gia Cuộc thi video clip quảng bá du lịch Gia Lai năm 2020. Cuộc thi do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức với chủ đề “Du lịch Gia Lai-Trải nghiệm và chia sẻ”. Bằng tình yêu với mảnh đất mình đang sống, các tác giả đã trau chuốt những khuôn hình clip, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh quê nhà trong con mắt bạn bè bốn phương.

Quê hương tươi đẹp

Sau 3 tháng phát động, Cuộc thi video clip quảng bá du lịch Gia Lai năm 2020 đã thu hút hơn 10 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả dự thi. Mặc dù số tác phẩm chưa nhiều song các clip đã ghi lại những hình ảnh vùng đất Gia Lai tươi đẹp với nhiều cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, thơ mộng, đậm đà bản sắc văn hóa, giàu truyền thống cách mạng.

Hoa muồng vàng ở thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Ảnh: Phan Nguyên
Hoa muồng vàng ở thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Ảnh: Phan Nguyên


Hầu hết các tác giả gửi clip tham gia cuộc thi là những người gắn bó lâu năm và có chung tình yêu với mảnh đất Gia Lai. Tại cuộc thi lần này, anh Phan Nguyên (phường Ia Kring, TP. Pleiku) có 3 tác phẩm tham gia: “Gia Lai from above” (tạm dịch: Gia Lai từ trên cao), “Hoa muồng vàng” và “Mùa thu hoạch cà phê”. Từ trước, các bức ảnh hay những đoạn clip phong cảnh như: Biển Hồ, núi Hàm Rồng do anh thực hiện được nhiều người yêu thích. Với nhiều góc nhìn, đặc biệt từ trên cao, tác giả Phan Nguyên đem đến cho người xem một Gia Lai tươi đẹp, trù phú với nương rẫy bạt ngàn, xanh mướt, núi đồi điệp trùng ẩn hiện giữa mây trời.

Không ngại đầu tư thiết bị hiện đại với ưu thế của công nghệ và ngôn ngữ hình ảnh, tác giả đã tổng hợp trong các clip dự thi tất cả những cảnh sắc đã làm nên “thương hiệu” du lịch của tỉnh như: Biển Hồ, núi Hàm Rồng, hoa muồng vàng, Quảng trường Đại Đoàn Kết, hồ Đức An, thác K50, Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG… Đó còn là bóng dáng của đô thị Pleiku hiện đại, năng động, hòa mình cùng sự phát triển của cả nước. Tận hưởng những cung bậc cảm xúc qua các khuôn hình clip đầy sáng tạo của Phan Nguyên, người xem như cảm nhận được ở anh một tình yêu đắm đuối, mãnh liệt đối với mảnh đất cao nguyên mình đang sống.

Anh Phan Nguyên chia sẻ: “Đây là những thước phim được tôi tích lũy từ nhiều năm. Mỗi mùa, mỗi thời điểm, thiên nhiên, đất trời Gia Lai mang một sắc màu khác nhau, đem lại cho tôi nhiều cảm hứng sáng tác. Và ở bất kỳ góc nhìn nào, Gia Lai luôn là vùng đất tươi đẹp, giàu sức sống”.

Thiên nhiên Gia Lai đa sắc màu còn được thể hiện qua những thước phim đặc sắc của nhiếp ảnh gia Hùng Hoa Lư trong các tác phẩm “Cụm thác liên hoàn Chư Prông-Gia Lai”, “Hồ sen Phú Thiện”, “Ruộng bậc thang Chư Sê”, “Suối Ea Djip, huyện Krông Pa”, “Thung lũng Hồng”.

Nếu như cảnh đẹp Gia Lai hấp dẫn dưới góc máy chuyên nghiệp của tác giả Hùng Hoa Lư và Phan Nguyên thì qua ống kính của các tác giả không chuyên, vùng đất này cũng thú vị, gần gũi, chân thực không kém. Clip “Gia Lai trong tôi” của tác giả Nguyễn Trọng Quang Huy (lớp 11, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Chư Sê) dù không được thực hiện bằng thiết bị chuyên dùng song vẫn đem lại cho người xem nhiều xúc cảm. Bằng chính trải nghiệm của bản thân, Huy đã tái hiện một Gia Lai gần gũi, dễ thương với hình ảnh của những cung đường nhộn nhịp nơi Phố núi, thác Phú Cường ầm ào, đập nước Ia Ring yên bình… 

“Em có thói quen quay clip lưu giữ hình ảnh ở những nơi mình đã đi qua để làm kỷ niệm. Khi biết cuộc thi này, em đã tổng hợp và hoàn thành trong vòng 1 tháng. Ngoài những thắng cảnh và di tích nổi tiếng, Gia Lai còn sở hữu vẻ bình yên, giản dị trong từng ngõ phố, hàng cây”-Huy bày tỏ.

Nhóm tác giả Trường THCS và THPT Y Đôn (huyện Đak Pơ) chọn giới thiệu những cảnh đẹp ngay trên quê hương anh hùng của mình với clip “Đak Pơ-Điểm đến lịch sử-văn hóa-du lịch”. Chị Trần Thị Phượng (thành viên nhóm) tâm sự: “Ngay khi cuộc thi được phát động, nhóm của mình gồm có 5 thầy cô bắt tay lên kế hoạch, viết kịch bản, lựa chọn địa điểm để thực hiện clip. Cả nhóm thống nhất giới thiệu những cảnh đẹp của huyện Đak Pơ để góp phần phát triển du lịch. Lần đầu tiên thực hiện một clip du lịch nên nhiều phân cảnh, cả nhóm phải làm đi làm lại mới vừa ý, cứ tranh thủ lúc rảnh rỗi là cả nhóm lại đi quay. Cảnh trong clip có đồi thông Hà Tam, Tượng đài chiến thắng Đak Pơ, làng Hway và Công viên trung tâm thị trấn Đak Pơ. Ngoài ra, nhóm cũng thực hiện một số cảnh quay giới thiệu nghề dệt truyền thống ở làng Leng Tô (thị trấn Đak Pơ)”.

Góp phần quảng bá du lịch

 Một góc thắng cảnh Biển Hồ trong clip “Gia Lai from above” của tác giả Phan Nguyên (ảnh cắt từ clip).
Một góc thắng cảnh Biển Hồ trong clip “Gia Lai from above” của tác giả Phan Nguyên (ảnh cắt từ clip).


Những năm qua, bạn bè các tỉnh, thành biết đến Biển Hồ, núi Hàm Rồng, thác K50 cũng như nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác qua góc ảnh và clip của những tác giả như: Nguyễn Linh Vinh Quốc, Hòa Carol, Phan Nguyên, Hoàng Quốc Vĩnh… Sự kỹ càng, trau chuốt trong từng góc máy, shot hình của những “kỹ sư” hình ảnh khiến cho mỗi bức ảnh, mỗi clip về Gia Lai thêm tươi đẹp, hùng vĩ, thơ mộng và đầy sức hút.

Cùng với đội ngũ này, không thể phủ nhận sự đóng góp tuyên truyền, quảng bá của người dân sở tại. Có nhiều phương thức song thuận lợi và trực quan nhất là chia sẻ hình ảnh, clip trên trang Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok… Bằng cách đó, hình ảnh đẹp về thiên nhiên, đất nước, con người, văn hóa, các lễ hội, điểm đến hấp dẫn của tỉnh ngày càng được người dân khám phá và lan tỏa. Có thể nói, phát huy sức mạnh từ chính những chủ thể, thức dậy tình yêu với quê hương, niềm tự hào của những người con Phố núi là một trong những cách làm hay, sáng tạo thúc đẩy phát triển du lịch.

Em Nguyễn Trọng Quang Huy bày tỏ: “Em rất thích khám phá thiên nhiên Gia Lai, càng đi em càng thấy nơi mình đang ở rất đẹp và muốn giới thiệu cho nhiều người biết đến. Sau cuộc thi này, em cũng sẽ cố gắng thực hiện thêm nhiều clip khác nữa để lưu lại những khoảnh khắc đẹp của tỉnh nhà”.

Trong khi đó, chị Trần Thị Phượng thì bộc bạch: “Làm clip không chỉ để giới thiệu cho du khách cảnh sắc quê nhà mà còn là dịp để mỗi thành viên trong nhóm hiểu thêm và tự hào hơn về nơi mình đang sống. Từ đó có thêm chất liệu thực tế để đưa vào bài giảng, giáo dục cho học sinh của mình tình yêu, niềm tự hào quê hương đất nước, dân tộc”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Ngọc Long-Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi-nhận xét: “Cuộc thi giúp chúng tôi lựa chọn những clip hay có sức lôi cuốn, tạo ấn tượng sâu sắc cho người xem để làm tư liệu phục vụ công tác quảng bá, giới thiệu về tiềm năng phát triển du lịch đa dạng, phong phú của tỉnh nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Cuộc thi cũng góp phần giáo dục tình yêu, niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh về các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên”.

 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm