Du lịch làm hồi sinh chợ nổi Thái Lan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chính phủ Thái Lan quyết định phát triển chợ nổi theo mô hình du lịch dựa vào cộng đồng. Kết quả, nhiều khu chợ nổi như Thaka, Amphawa và Bang Namphueng được đầu tư phát triển, trở thành điểm thu hút du lịch nổi tiếng.

 
 Chợ nổi ở Damnoen Saduak, Thái Lan. -Ảnh: Shutterstock
Chợ nổi ở Damnoen Saduak, Thái Lan. -Ảnh: Shutterstock



 Cuối năm 2016, các tác giả thuộc nhóm địa lý văn hóa của Trường Wageningen University and Research Centre, Hà Lan đã công bố một nghiên cứu dài 14 trang về chợ nổi ở Thái Lan trên Journal of Tourism and Cultural Change (tạp chí Du Lịch Và Biến Đổi Văn Hóa) của Nhà xuất bản Taylor & Francis Group (Anh).

Khả năng thích nghi

Nghiên cứu cho biết trong vòng 60 năm qua, nhiều chợ nổi ở Thái Lan đã biến mất, bị di dời hoặc tái xuất hiện như là những địa điểm thu hút khách du lịch.

Trong bài báo của mình, ba nhà nghiên cứu đến từ Hà Lan viết về lịch sử một số khu chợ ở Thái để minh họa sự khác nhau ở nhiều khía cạnh của chợ nổi Thái Lan. “Những nơi này duy trì được qua thời gian vì chúng có thể thích nghi với hoàn cảnh mới” - nhóm tác giả kết luận.

Nhóm tác giả cho biết họ đã sử dụng ba phương pháp, bao gồm thu thập và nghiên cứu các tài liệu liên quan sẵn có, quan sát thực tế kết hợp cùng phỏng vấn chuyên sâu những tác nhân liên quan đến quá trình phát triển của các khu chợ, trong đó có quan chức chính phủ, người dân, những người bán lẻ ở địa phương và các doanh nghiệp.

Theo bài báo có tựa đề “Chợ nổi ở Thái Lan: giống mà khác”, trong nhiều thế kỷ, sông ngòi và kênh rạch đã là một phần của cấu trúc kinh tế - xã hội Thái Lan với những đóng góp cho ngành giao thông, văn hóa, nông nghiệp và tiêu dùng trong nước...

Trước đây, chợ nổi là trung tâm thương mại và trao đổi các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là đối với người Thái sống ở khu vực miền Trung.

Những khu chợ này ban đầu hoạt động theo hình thức chợ phiên, chứ không họp thường xuyên mỗi ngày. Chợ nổi không chỉ quan trọng về mặt giao thương, mà còn là nơi gặp gỡ và giao lưu.

Tuy nhiên, kể từ sau khi hệ thống giao thông đường bộ phát triển vào những năm 1950, thêm vào đó, thế hệ trẻ ngày càng chuộng làm công nghiệp hơn nông nghiệp, nhiều chợ nổi dần biến mất. Những khu chợ còn tồn tại dần được chuyển sang hướng du lịch.

Chợ nổi Wat Sai ở Bangkok là chợ nổi đầu tiên trở thành địa điểm du lịch, thu hút chủ yếu du khách quốc tế. Wat Sai cũng bị đóng cửa vào thập niên 1960 bởi tiểu thương chuyển đến những khu chợ mới “trên đất liền”.

Tổng cục Du lịch Thái Lan tìm kiếm một khu chợ nổi mới và đã chọn một trong những khu chợ nổi ở kênh Ludplee đoạn qua huyện Damnoen Saduak làm du lịch.

Đến cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, Chính phủ Thái Lan quyết định phát triển chợ nổi theo mô hình du lịch dựa vào cộng đồng, nhằm bảo tồn và khôi phục các làng nông nghiệp cũng như nếp sống dọc kênh rạch truyền thống.

Kết quả, nhiều khu chợ nổi như Thaka, Amphawa và Bang Namphueng được đầu tư phát triển, trở thành điểm thu hút du lịch nổi tiếng. Sau những thành công này, chợ nổi cũng xuất hiện ở nhiều nơi khác như Khao Yai và Pattaya.


 

 Ảnh: Youtube
Ảnh: Youtube



Chính quyền địa phương 
dám làm

Một trong những ví dụ thành công của việc chuyển đổi chợ nổi địa phương thành chợ nổi du lịch là chợ nổi Thaka ở làng Thaka, thuộc tỉnh Samut Songkhram.

Vốn là vùng chuyên sản xuất nông nghiệp, khu vực này là một trong những nơi “bị” hiện đại hóa chậm hơn những nơi khác, vì vậy nơi đây vẫn giữ được vai trò truyền thống là một khu chợ thực phẩm.

Cuối thập niên 1990, Tổng cục Du lịch Thái Lan bắt đầu phát triển du lịch cộng đồng tại Thaka, xem khu chợ này là một trong những yếu tố then chốt của kế hoạch phát triển. Người dân địa phương cũng nhận ra du lịch giúp họ bảo tồn chợ nổi.

Khu chợ được dời đến một địa điểm mới không xa chỗ cũ, thuận tiện hơn để phát triển các cơ sở du lịch, xây dựng bãi đậu xe, đường đi bộ và các cây cầu. Nhà ở của dân địa phương gần chợ cũng được chuyển đổi thành mô hình homestay.

Hàng quán mọc lên hai bên đường lối vào khu chợ. Nhờ sự quảng bá của Tổng cục Du lịch, nhiều quan chức chính phủ, sinh viên đại học và các tổ chức thường xuyên chọn Thaka cho những chuyến nghiên cứu của họ.

Một khu chợ nổi khác cũng ở tỉnh Samut Songkhram là chợ Amphawa. Vào thời điểm những năm 1980, Amphawa được xem là một trung tâm thương mại quy tụ nhiều tiểu thương từ các khu vực lân cận.

Khi giao thông đường bộ và các khu chợ trên đất liền phát triển, chợ Amphawa cũng tan rã vào đầu thập niên 1990, nhiều người dân còn bỏ đi nơi khác sinh sống.

Đầu những năm 2000, dự án Môi trường văn hóa Thái Lan bắt đầu quan tâm việc bảo tồn các cửa hàng dọc con kênh, vì những nơi này có kiến trúc nổi bật phản ánh nếp sống dọc kênh rạch của người Thái.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng đề nghị dùng du lịch để hồi sinh khu vực này. Năm 2004, người đứng đầu huyện Amphawa tái thành lập chợ nổi Amphawa để ủng hộ mô hình du lịch cộng đồng ở nơi này.

Tiểu thương được thuyết phục ở lại chợ với đảm bảo của chính quyền mức thu nhập tương đương hơn 200.000 đồng mỗi ngày. Nếu tiểu thương không bán được hàng, chính quyền sẽ là người đứng ra mua số hàng tồn đó.

Chợ được mở vào chiều tối cuối tuần nhằm thu hút du khách, vì một số chợ nổi khác ở Thái chỉ hoạt động ban ngày cũng như tạo điều kiện cho chính người dân Thái có cơ hội đi chợ, thay vì nếu họp chợ vào ngày thường trong tuần thì họ không đi được vì bận làm việc.

Bên cạnh đó, khu chợ này được quảng bá như một bảo tàng ngoài trời, nơi du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng văn hóa địa phương thời tiền công nghiệp. Chính quyền địa phương cũng kết hợp các hoạt động tham quan chùa, đền và di tích địa phương vào tour tham quan chợ Amphawa.

Khác với các khu chợ khác, chợ nổi Bang Namphueng ở huyện Phra Pradaeng, tỉnh Samut Prakan tương đối “trẻ”, thành lập vào năm 2004 với mục đích thu hút du lịch.

Chính quyền địa phương toàn quyền kiểm soát nơi này, quyết định khu chợ hoạt động ra sao, ai được buôn bán ở đó, giờ hoạt động thế nào.

Chợ Bang Namphueng chỉ chấp nhận tiểu thương là người địa phương và tiểu thương cũng không được phép cho thuê lại “lô” kinh doanh của mình. Hàng hóa ở đây chủ yếu là thức ăn, nông sản và đồ lưu niệm do chính người địa phương làm.

Ngoài ra, để đảm bảo tính đa dạng của hàng hóa, chính quyền không cho phép hơn 5 tiểu thương bán cùng một loại sản phẩm.

Chính quyền địa phương kiểm soát giá cả tại khu chợ này và tiểu thương chỉ phải trả một khoản tiền rất nhỏ để thuê “lô” buôn bán.

Địa phương cũng tạo điều kiện cho du lịch như xây dựng các tuyến đường xe đạp, sân khấu âm nhạc và các chương trình biểu diễn, không gian biểu diễn nghệ thuật cho trẻ em và các chương trình chia sẻ kiến thức.

Ngọc Đông (TTO)

Có thể bạn quan tâm