(GLO)- Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều khái niệm về du lịch nông nghiệp nhưng luôn có 4 nội dung chính: kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan tới nông nghiệp; tăng thu nhập cho nông dân; tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.
Ảnh minh họa. (Nguồn: internet) |
Với Gia Lai, slogan mời gọi du khách về tỉnh nhà du lịch nông nghiệp có lẽ nên là “Về buôn làng làm nông dân”, một slogan vừa mộc mạc chân tình, vừa thiết thực. Du lịch nông nghiệp khiến du khách có một trải nghiệm tuyệt vời, đó là hóa thân làm nông dân, tham gia làm nông nghiệp sạch, thu hoạch sản phẩm và thưởng thức ngay tại chỗ sản phẩm mình góp phần làm ra. Điều đó mang lại niềm vui và tự hào cho du khách, nó chứng tỏ nông nghiệp luôn là cội nguồn của hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm nuôi sống con người từ xa xưa. Hóa thân thành nông dân trong thời gian ngắn ngủi nhưng du khách được trở về với cội nguồn của tổ tiên mình, được tắm mình vào thiên nhiên cùng cây trái mang lại sự an lành đầy cảm hứng, nó làm nên năng lượng sống cho du khách trong những tháng ngày về sau. Nhất là với những cháu bé, những người trẻ lâu nay chỉ ở thành phố, du lịch “về nguồn” với thiên nhiên và sản xuất nông nghiệp, với ruộng lúa, đồi sim, với những vườn dâu da bản địa chín mọng là cả một giấc mơ “trở lại thiên đường”.
Khi biến buôn làng mình thành những “thiên đường nhỏ” hoang sơ và thu hút như vậy với du khách, người dân địa phương sẽ không chỉ có thu nhập tốt mà còn có ý thức tốt, niềm tự hào chính đáng về quê hương mình cũng như ý thức bảo vệ sự trong sạch của môi trường mình đang sinh sống. Du khách không chỉ trải nghiệm, họ còn là những chứng nhân sống động xác định môi trường sống của buôn làng có thực sự là “xanh, sạch, đẹp” hay không.
Khi về thăm Gia Lai, ông Ineyama Hiromasa-Giám đốc Công ty Du lịch Nokyo, trực thuộc Liên đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản, chuyên tổ chức các tour du lịch cho thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản-bày tỏ: “Lợi thế về nông nghiệp của tỉnh Gia Lai là rất lớn với nhiều sản phẩm hấp dẫn như: cà phê, hồ tiêu, rau quả, đặc biệt là trái cây nhiệt đới. Hơn nữa, vì nằm ở vùng cao nên khí hậu ở đây cũng khá mát mẻ và dễ chịu. Do đó, tôi nghĩ rằng, Gia Lai rất có tiềm năng trong việc phát triển du lịch dựa trên nông nghiệp. Tôi sẽ sớm quay lại địa phương để nghiên cứu và trải nghiệm loại hình du lịch này”.
Xin thông tin thêm về du lịch nông nghiệp, du lịch “về làng” ở Nhật Bản hiện tại. Cơ quan Du lịch Nhật Bản (JTA) công bố Sách trắng Du lịch 2019 cho biết, trong năm 2018, chi tiêu của du khách nước ngoài ở các vùng nông thôn của nước này đạt hơn 1.000 tỷ yen (9,7 tỷ USD), tăng 58% so với năm 2015. Mức chi tiêu của du khách nước ngoài ở các vùng nông thôn Nhật Bản đang tăng lên qua mỗi năm nhờ ngày càng có nhiều du khách nước ngoài thăm các trang trại, các làng chài, trượt tuyết và chơi các môn thể thao mùa đông khác cũng như thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa.
Nói du lịch nông nghiệp thì phải kết hợp được nhuần nhuyễn 2 yêu cầu của kiểu du lịch này: Đó là phải có cơ sở nông nghiệp sạch đúng chuẩn và phải có những vườn cây ăn quả, cây nông nghiệp thích hợp để du khách vừa thưởng ngoạn, vừa tham gia vào những công đoạn của sản xuất nông nghiệp. Du khách sẽ là cầu nối giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch nông nghiệp, họ tham gia như một thành tố tích cực trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và thưởng thức thành quả nông nghiệp.
Khi người nông dân ở An Khê biết biến những cây sim, cây dâu da bản địa hoang dại của mình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp thì họ lại đặt ra được thêm một tiêu chuẩn nữa của du lịch nông nghiệp: Đó là sản phẩm nông nghiệp bản địa, gắn với văn hóa bản địa phải trở thành sản phẩm chủ đạo trong du lịch nông nghiệp.
Khi được trở về với cội nguồn của văn hóa nông nghiệp bản địa, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu, kể cả nghiên cứu về những sản phẩm nông nghiệp bản địa này. Và cách làm thế nào để duy trì, phát triển những sản phẩm ấy sẽ làm phong phú thêm cho “bản đồ sản phẩm văn hóa nông nghiệp” của từng vùng miền. Đó cũng là cơ hội cho những nhà khoa học nông nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu về những nguồn gen quý, về khả năng tạo ra những giống mới và bảo vệ nguồn gen truyền thống.
Về buôn làng du lịch nông nghiệp không chỉ để làm nông dân, mà còn để làm nhà khoa học nông nghiệp nữa đấy!
Thanh Thảo