(GLO)- Với khẩu hiệu “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp để phục vụ du khách dự báo sẽ tăng cao trong dịp cuối năm này.
Theo ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku, những năm qua, thành phố đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cũng như tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, chỉnh trang đô thị nhằm thu hút du khách đến với Pleiku. Cụ thể, thành phố đã đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường Tôn Đức Thắng để phục vụ khách du lịch đến Khu danh lam thắng cảnh Biển Hồ; sửa chữa và thay mới màn hình điện tử tại ngã ba Hoa Lư; cải tạo, sửa chữa giọt nước làng Ốp (phường Hoa Lư); xây dựng nhà dài và cải tạo hạng mục phụ tại nhà rông làng Ốp... Cùng với đó, việc phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng, lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc luôn được thành phố duy trì. Đến nay, thành phố có 201 cơ sở lưu trú (trong đó có 63 khách sạn, 4 nhà khách và hơn 134 nhà nghỉ) với tổng số trên 2.800 phòng và 5.000 giường.
Ban Quản lý Khu danh lam thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku) chuẩn bị điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách dịp cuối năm. Ảnh: Quang Tấn |
Nhờ đó, sức hút của đô thị loại I trực thuộc tỉnh ngày càng lớn, lượng du khách trong nước và quốc tế đến Pleiku ngày càng nhiều. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã đón trên 502.500 lượt khách tham quan, tăng 136,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, khách quốc tế là 1.477 lượt. Doanh thu từ du lịch đạt 374 tỷ đồng, tăng 222,4% so với cùng kỳ năm trước. “Dịp cuối năm với các lễ hội diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, dự báo sẽ thu hút rất đông du khách đến với Gia Lai và Pleiku sẽ là điểm đến không thể bỏ qua. Để phục vụ du khách, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân, các cơ sở lưu trú, ăn uống với tinh thần thân thiện, hiếu khách, không chèo kéo, chặt chém, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng lưu trú… Đồng thời, các đơn vị chức năng, UBND các xã, phường tăng cường vệ sinh môi trường xung quanh, nhất là các điểm du lịch, các làng văn hóa nhằm tạo ấn tượng tốt, đảm bảo “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Cùng với đó, thành phố huy động các đội cồng chiêng phục vụ nhu cầu thưởng thức không gian văn hóa cồng chiêng của du khách tại các điểm du lịch, nhà hàng”-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku cho hay.
Khu danh lam thắng cảnh Biển Hồ hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho du khách. Ảnh: Quang Tấn |
Còn ông Nguyễn Văn Hòa-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku thì thông tin: Trung tâm đang được giao quản lý và khai thác Khu danh lam thắng cảnh Biển Hồ và Công viên Diên Hồng. Đơn vị đã tổ chức dọn vệ sinh, trang trí thêm các tiểu cảnh, trồng thêm hoa, kết hợp trang trí hình ảnh các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh để phục vụ du khách. Đặc biệt, Khu danh lam thắng cảnh Biển Hồ là điểm tham quan thu hút rất đông du khách khi đến Pleiku. Do đó, Trung tâm cũng chú trọng triển khai các dịch vụ kèm theo để du khách có những trải nghiệm tốt nhất khi đến đây. Trung tâm cũng đã làm việc với Hợp tác xã Nông nghiệp liên hiệp Gia Lai để đa dạng các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu của du khách. Cùng với đó, duy trì dịch vụ xe điện đưa đón khách tham quan cũng như ngăn chặn tình trạng chặt chém du khách tại đây. Ngoài ra, Trung tâm cũng huy động các đội cồng chiêng trên địa bàn các xã Biển Hồ, Tân Sơn để phục vụ du khách vào dịp lễ, Tết.
Đội cồng chiêng của làng Tiêng 1 (xã Tân Sơn) cũng đang tích cực tập luyện và sẵn sàng phục vụ du khách khi có nhu cầu. Anh Ên (làng Tiêng 1) vui vẻ nói: “Dịp lễ 30-4 vừa rồi, đội cồng chiêng của làng đã tham gia biểu diễn tại Khu danh lam thắng cảnh Biển Hồ và được du khách hưởng ứng rất nồng nhiệt. Chúng tôi sẽ tìm hiểu, tập luyện thêm nhiều bài chiêng, điệu xoang để phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức của khách du lịch”.
QUANG TẤN