Khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, nhiều địa phương bắt đầu khởi động chương trình kích cầu. Các công ty lữ hành cũng đã đón những đoàn khách đầu tiên sau Tết
Ngày 4-3, ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành lớn ở Hà Nội và TP HCM, khách đã liên hệ đặt tour theo khách đoàn.
Tín hiệu khả quan
"Khách mấy ngày nay hỏi nhiều, tình hình khả quan rồi" - lãnh đạo nhiều công ty không giấu niềm vui khi chia sẻ với phóng viên.
Tết nguyên đán vừa qua, gần như 100% số lượng tour bị hủy do dịch Covid-19 bùng phát. Đến nay, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, DN yên tâm mở bán tour trở lại.
Bãi biển Mân Thái - Đà Nẵng đã triển khai thí điểm các hoạt động thu hút du khách về đêm .Ảnh: BÍCH VÂN |
Tại Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Ban Tiếp thị, cho hay thời gian qua, công ty vẫn phục vụ một vài đối tượng khách đi tour quy mô nhỏ, gia đình từ 8-10 người. Vài ngày nay, khách hỏi nhiều hơn về lịch trình từ TP HCM đi Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu...
Từ ngày 22 đến 28-2, số lượng khách mỗi ngày đặt tour tại Công ty Du lịch Vietravel tăng gấp 3 lần so với tuần trước đó. 70% lượng khách đi du lịch trọn gói. Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, kỳ vọng sau khi vắc-xin về Việt Nam, du lịch sẽ khởi sắc. Hiện công ty liên tục giới thiệu những sản phẩm phù hợp với tình hình mới.
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Giám đốc Công ty Saco Travel, cho hay đã có khách đăng ký tour, tình hình khả quan hơn so với giai đoạn trước. Công ty đang giới thiệu hàng loạt tour giảm giá, khuyến mại sâu. Trong khi đó, Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cũng đang mở bán hàng loạt tour khởi hành vào tháng 3-2021.
Còn Công ty TST Tourist đã có đoàn khách đầu tiên khởi hành đi Phú Quốc, những đường tour miền Trung, các điểm đến không bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
"Các tour ngắn ngày, đi về trong ngày sẽ tăng mạnh. Ngay với một số tour đi Hội An, Đà Nẵng, Huế được kỳ vọng sớm phục hồi từ tháng 4-2021" - ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TST Tourist, nói.
Tại Hà Nội, ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist - kể rằng các thành viên của hội đã xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn trong tình hình mới. Các công ty đã sẵn sàng trở lại trong tháng 3 để lấy đà cho sự bùng nổ trở lại của du lịch nội địa, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 và du lịch hè.
Hanoitourist đã cùng các thành viên của CLB VGreen (Hội Lữ hành Hà Nội) lên chương trình caravan "Tây Bắc - Mùa hoa ban" từ ngày 12 đến 16-3.
Công ty Du lịch VietSense đã mở lại các tour du lịch, đón khách bình thường và tư vấn khách tham khảo các điểm đến an toàn trong phòng chống dịch như: Tây Bắc, Côn Đảo, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng. Bên cạnh đó, VietSense cũng sớm đưa ra những gói sản phẩm cho kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 với giá ưu đãi. An toàn là yếu tố được các công ty đặt lên hàng đầu.
Hiện các đơn vị lữ hành, điểm đến, lưu trú ở Hà Nội đều lên các phương án bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19. Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội, cho hay ngay khi dịch được kiểm soát, TP nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch, sở sẽ cùng các đơn vị triển khai kế hoạch kích cầu, tăng cường quảng bá và thực hiện các chuyến khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch mới.
Vừa đón khách vừa lo dịch
Tín hiệu tích cực khác là các địa phương cũng "mở cửa" trở lại sau giai đoạn kiểm soát phòng chống dịch Covid-19.
Các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... đều có văn bản khôi phục trạng thái bình thường mới, khởi động lại hoạt động kinh tế, trong đó có du lịch.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã mở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ, trong đó chỉ tổ chức đón du khách là người sinh sống làm việc trên địa bàn tỉnh từ ngày 2-3.
Ngay ngày đầu tiên hoạt động trở lại, Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử đã phối hợp với Công ty CP Phát triển Tùng Lâm chủ động phân luồng giao thông bảo đảm khoảng cách, kiểm soát khi du khách về tham quan, lễ Phật tại Yên Tử; các đoàn khách được bố trí không quá 20 người tại mỗi điểm tham quan.
Ông Lưu Quang Trung, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cho biết lực lượng kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào khu di tích đã kiểm tra giấy tờ tùy thân của người dân cư trú trong tỉnh hoặc xác nhận của cơ quan về việc người dân đang công tác trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, người dân, du khách khi đến Yên Tử cần chủ động mang các giấy tờ cần thiết để việc tham quan, du xuân được thuận lợi.
Theo ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long, bước đầu chỉ đón khách nội tỉnh nên lượng khách sẽ không đông. Nhưng đây là việc làm cần thiết, vừa khởi động lại các hoạt động du lịch, dịch vụ vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch.
Một số chủ khách sạn lớn tại TP Hạ Long cũng thông báo đón khách trở lại. Các chủ khách sạn nhỏ vẫn nghe ngóng tình hình bởi thời gian đầu sẽ không có khách. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã làm việc với Hiệp hội DN tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh về tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số đơn vị kiến nghị tỉnh quan tâm tháo gỡ cho DN về giá đất, tiền thuê đất; giãn, gia hạn nợ; giảm thuế; trợ giá cho hoạt động xe buýt; hỗ trợ truyền thông...
Dù vui với những tín hiệu ban đầu khi có khách trở lại nhưng các DN cũng vẫn trong tâm trạng "vừa đón khách vừa phòng dịch".
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, nhận định xu hướng du lịch trong năm nay sẽ tập trung vào nhóm khách quy mô nhỏ, am hiểu lịch sử dịch tễ của nhau. Cùng với những tour đang bán, công ty sẽ tập trung đẩy mạnh những sản phẩm tour ngay tại TP HCM.
Tại Công ty Vinagroup, ông Trần Thanh Vũ, tổng giám đốc, cho hay đang tiếp tục xây dựng sản phẩm tour mới, làm việc với đối tác chuẩn bị cho đà hồi phục của ngành du lịch rõ nét hơn từ giữa năm nay. Công ty đã có khách liên hệ, đặt tour nhưng số lượng bước đầu chưa nhiều. "Các tour tập trung xây dựng gói đi ngắn ngày, dòng sản phẩm nghỉ dưỡng, nhóm khách gia đình, DN vừa và nhỏ... Chúng tôi kinh doanh trong tâm thế dịch có thể trở lại nên cố gắng duy trì hoạt động vừa làm du lịch vừa giữ khách, thương hiệu, nguồn nhân lực để chờ ngày hồi phục" - ông Trần Thanh Vũ nói.
Thí điểm chương trình Đà Nẵng về đêm UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch về việc tổ chức thí điểm chương trình Đà Nẵng về đêm - Danang By Night, dự kiến bắt đầu từ ngày 30-4 và kéo dài đến năm 2023. Theo đó, ngành du lịch tổ chức các chương trình nghệ thuật ở hai bên bờ sông Hàn, trên các cây cầu bắc qua sông Hàn; trải nghiệm các hoạt động về đêm tại phố du lịch An Thượng, tổ chức các hoạt động nghệ thuật tại các khu điểm du lịch ở Đà Nẵng. Tại các bãi biển du lịch sẽ tổ chức thí điểm các hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ lưu động thức ăn nhanh. Để thu hút du khách đến các bãi biển, Đà Nẵng sẽ thí điểm xây dựng các hoạt động như: sân khấu sự kiện ngoài trời kết hợp sinh hoạt cộng đồng, các trò chơi dân gian; dịch vụ chiếu phim trên bãi biển; khu check-in bãi biển; dịch vụ mát-xa trị liệu trên bãi biển; bãi tắm đêm; khu vui chơi trẻ em. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho hay hiệp hội đã họp và triển khai chương trình này đến các DN. Hiện một số DN đã hoàn thiện sản phẩm và triển khai bán cho du khách. Trong lần làm mới sản phẩm này, ngành du lịch sẽ tập trung vào 4 nhóm sản phẩm: đa dạng hóa các chương trình du lịch trên sông, làm tour đêm đi Khu Du lịch Bà Nà, tour khảo sát các điểm đến Đà Nẵng về đêm, tour đi bộ đêm. Bích Vân |
Theo THÁI PHƯƠNG - YẾN ANH - TRỌNG ĐỨC (NLĐO)