Du lịch Việt Nam: Hành trình đầy thăng trầm đang phục hồi mạnh mẽ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trên quãng đường 62 năm quan, ngành du lịch Việt đã "nếm" đủ mọi thăng trầm với nhiều dấu ấn và sắc màu. Vượt "bão COVID" thành công, thời điểm này, nền kinh tế xanh đang đà phục hồi mạnh mẽ.

 Du lịch Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ hậu COVID-19. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Du lịch Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ hậu COVID-19. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)



Du lịch Việt Nam vừa trải qua giai đoạn đầy thăng trầm với những thành tựu tăng trưởng ấn tượng với các giải thưởng được thế giới vinh danh (từ 2015-2019), nhưng ngay sau đó đã rơi xuống đáy cùng đại dịch. Dẫu vậy, nền kinh tế xanh nước nhà sau thời điểm chính thức mở cửa hậu COVID-19 (15/3/2022) đã bước đầu phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

Đây có thể nói là quãng đường nhiều dấu ấn và sắc màu nhất trong suốt hành trình 62 năm ngành du lịch Việt (9/7/1960 - 9/7/2022).

Điểm đến du lịch hàng đầu

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019. Đây là thành công rất đáng khích lệ cho ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn 2015-2019.

 Cũng trong thời gian này, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt (năm 2015) lên 18 triệu lượt (năm 2019), đạt tăng trưởng bình quân 22,7%/ năm - mức cao hàng đầu thế giới theo các báo cáo hàng năm của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO).

Đáng nói, năm 2019 tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam chạm mốc 16,2%, vượt xa mức trung bình toàn cầu (3,8%) và khu vực châu Á-Thái Bình Dương (4,6%). Cũng trong năm này, Việt Nam đã vượt qua Indonesia và đứng thứ 4 ở Đông Nam Á (sau Thái Lan, Malaysia, Singapore) về lượng khách quốc tế.


 

Du lịch Việt đang trải qua thời điểm vô cùng sôi động sau đại dịch. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Du lịch Việt đang trải qua thời điểm vô cùng sôi động sau đại dịch. (Ảnh: CTV/Vietnam+)



Trong khi đó, khách nội địa tăng 1,5 lần từ 57 triệu lượt năm 2015 lên 85 triệu lượt năm 2019, tăng trưởng bình quân 10,5% mỗi năm.Tổng thu từ khách du lịch tăng 2,1 lần từ 355 nghìn tỷ đồng (năm 2015) lên 755.000 tỷ đồng (năm 2019); giá trị xuất khẩu tại chỗ của du lịch (tổng thu từ khách du lịch quốc tế) tăng từ 9 tỷ USD lên 18,3 tỷ USD, tăng bình quân 20,9%/năm.

Đóng góp trực tiếp từ du lịch vào GDP cũng ngày càng tăng: 6,3% (năm 2015); 6,9% (năm 2016); 7,9% (năm 2017); 8,3% (năm 2018) và 9,2% (năm 2019), cho thấy du lịch đang từng bước trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn theo mục tiêu Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

Tốc độ triển ấn tượng đã góp phần phản ánh vị thế ngày càng tăng của du lịch Việt Nam, trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế, được các tổ chức, báo chí quốc tế uy tín tôn vinh bằng nhiều giải thưởng danh giá.

Đáng kể nhất là giải thưởng World Travel Awards, được ví như giải Oscar của ngành du lịch toàn cầu đã vinh danh Việt Nam là: Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới (năm 2019); Điểm đến Golf tốt nhất thế giới (năm 2019); Điểm đến hàng đầu châu Á (năm 2018, 2019); Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á (năm 2019); Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á (năm 2019).

Cùng với đó còn rất nhiều giải thưởng danh giá tầm khu vực và thế giới dành cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch, nhà hàng, công ty du lịch, hãng hàng không... của Việt Nam.

 

Hình ảnh điểm đến Việt Nam được quảng bá tới bạn bè thế giới. (Ảnh: TCDL)
Hình ảnh điểm đến Việt Nam được quảng bá tới bạn bè thế giới. (Ảnh: TCDL)


Mới đây nhất, Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là ba đại diện của Việt Nam có mặt trong hạng mục 10 thành phố tốt nhất Đông Nam Á của Giải thưởng Du lịch của tạp chí du lịch nổi tiếng Travel+Leisure (Mỹ).

Bên cạnh 3 thành phố sôi động, hai hòn đảo xinh đẹp của Việt Nam là Phú Quốc và Côn Đảo cũng góp mặt ở hạng mục 10 hòn đảo hàng đầu Đông Nam Á (Best island in Southeast Asia).

Có thể nói, những kết quả tăng trưởng ấn tượng cùng hàng loạt giải thưởng danh giá đạt được trong giai đoạn 2015-2019 đã vẽ nên những gam màu rực rỡ cho bức tranh du lịch Việt Nam.

Nỗ lực vượt “bão”

Đầu năm 2020, giữa thời điểm du lịch Việt đạt mức tăng trưởng các chỉ số du lịch vô cùng ấn tượng, tưởng chừng sẽ mở ra giai đoạn mới rực rỡ và đầy hứng khởi thì “bão” COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, khiến mọi hoạt động của ngành du lịch phải ngưng trệ và rơi vào cảnh “đóng băng.”

Hai năm qua, đại dịch đã đẩy du lịch thế giới, trong đó có Việt Nam xuống “vực thẳm”: Thị trường và các hoạt động hoàn toàn đứt gãy, đình trệ, các chỉ tiêu sụt giảm nghiêm trọng, tăng trưởng về con số 0 thậm chí âm.

Từ cuối tháng 3/2020, Việt Nam phải “cửa đóng then cài” để phòng chống dịch nên lượng khách giảm 80% so với năm 2019, chỉ đạt 3,7 triệu lượt; du khách nội địa giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 56 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch giảm 59%, đạt 312.200 tỷ đồng.

 

Phố cổ Hà Nội từng vắng lặng, cửa đóng then cài trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát. (Ảnh: M.Mai/Vietnam+)
Phố cổ Hà Nội từng vắng lặng, cửa đóng then cài trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát. (Ảnh: M.Mai/Vietnam+)


Các chỉ tiêu du lịch năm 2021 tiếp tục sụt giảm thê thảm hơn. Cả năm lượng khách quốc tế đến chỉ đạt 14.900 lượt; lượng khách nội địa đạt 40 triệu lượt; tổng thu từ du lịch chỉ còn 180 nghìn tỷ đồng. Thời điểm đó, có đến 90-95% số doanh nghiệp du lịch phải dừng hoạt động hoặc phải cắt giảm phần lớn nhân sự, người lao động buộc phải chuyển nghề khác; hầu hết các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch ở các địa phương phải hoãn hủy, tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Du lịch trải qua giai khó khăn chưa từng có trong lịch sử, đòi hỏi những chính sách tháo gỡ khó khăn và định hướng, giải pháp phát triển kịp thời, đúng hướng.

Trong bối cảnh đó, cả nước thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ chung. Đặc biệt, nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù cho ngành du lịch đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và lao động du lịch như: giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian hoàn trả ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành (từ 60 ngày xuống 30 ngày), giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú du lịch trực tiếp tham gia phòng chống dịch và bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch 3.710.000 đồng/người.

Nhiều địa phương cũng ban hành các chính sách miễn, giảm phí tham quan, giảm tiền thuê đất, lùi thời gian trả nợ vốn vay, cho vay trả lương người lao động hoặc hỗ trợ kích cầu du lịch nội địa…

Du lịch đang phục hồi mạnh mẽ

Sau những nỗ lực đồng lòng và quyết tâm đó, cùng quyết liệt hành động của cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương định hướng, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, hoạt động du lịch nội địa và quốc tế chính thức bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ ngay khi Chính phủ ra quyết định mở cửa trở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022.


 

Tình hình khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022.
Tình hình khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022.



Kết quả, 6 tháng đầu năm 2022, du lịch Việt Nam đã đón 413 nghìn lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 60,8 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 265 nghìn tỷ đồng. Dữ liệu từ Google cho thấy Việt Nam liên tục nằm trong top điểm đến dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin du lịch (tăng từ 50% đến 75%).

Đặc biệt, theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới.

Mặc dù đã có bước phực hồi, phát triển mạnh mẽ nhưng tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm vừa diễn ra hôm qua (6/7), Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế mà ngành du lịch đang gặp phải về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là hàng không đang có dấu hiệu quá tải, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực du lịch ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch…

Do đó, ông Việt đề nghị Tổng cục Du lịch trong 6 tháng cuối năm tập trung làm tốt công tác chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc về du lịch (dự kiến đầu năm 2023) và nhấn mạnh cần đặt ra những định hướng lâu dài, tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Du lịch phối hợp chặt chẽ với Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để triển khai, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế; bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu xây dựng các mô hình mới về phát triển du lịch như mô hình liên kết phát triển vùng, phát triển du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng...

 

Theo M.Mai (Vietnam+)

 

Có thể bạn quan tâm