Du lịch Việt Nam khởi sắc bằng 'chiều sâu-cá biệt-mới lạ-hấp dẫn'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
“Chìa khóa” làm nên hiệu quả của công tác quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế chính là sự khác biệt, độc đáo của sản phẩm, là động lực cho nền kinh tế xanh sớm phục hồi.

Trời đêm từ bãi trại hố sụt Kong, Phong Nha-Kẻ Bàng. Ảnh: Jungle Boss Tour
Trời đêm từ bãi trại hố sụt Kong, Phong Nha-Kẻ Bàng. Ảnh: Jungle Boss Tour
Hàng loạt tuần văn hóa-du lịch, chuỗi sự kiện kích cầu, năm du lịch… đã và đang được các địa phương triển khai rầm rộ trên cả nước nhằm tạo động lực cho nền kinh tế xanh sớm phục hồi và phát triển hậu COVID-19.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp du lịch và các đơn vị cung ứng dịch vụ cũng đua nhau “tung chiêu” để cùng tạo hiệu ứng hút khách. Song, làm thế nào để những hoạt động này thực sự hiệu quả trong bối cảnh mới?
Hiệu ứng chuỗi trên cả nước
Tháng Ba vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022, chủ đề “Quảng Nam-Điểm đến du lịch xanh,” với gần 300 sự kiện liên quan đến văn hóa, du lịch sẽ diễn ra suốt năm. Riêng tỉnh Quảng Nam chủ trì tổ chức chuỗi 64 sự kiện, hoạt động theo 6 chuỗi chương trình: “Du xuân đất Quảng,” “Du lịch sông nước và làng quê, làng nghề,” “Chu Lai điểm hẹn,” “Văn hóa các dân tộc và đường Hồ Chí Minh huyền thoại,” “Quảng Nam-Cảm xúc mùa Hè” và “Sắc màu di sản.”
Với chuỗi sự kiện này địa phương mong muốn không chỉ tạo tiếng vang mà còn dẫn dắt du khách hứng thú khám phá chuỗi sự kiện khác, mà hoạt động trọng tâm sẽ diễn ra từ tháng 5-9 năm nay.
Cũng nằm trên dải đất miền Trung, Festival Huế 2022 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” sẽ diễn ra từ ngày 25-30/6 đang được tích cực chuẩn bị. Mới đây, ban tổ chức đã công bố poster chính thức của sự kiện với hình ảnh chủ đạo 4 loại hoa (mai, sen, cúc, tùng) tượng trưng cho 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, thể hiện tinh thần của du lịch Huế là lễ hội sẽ diễn ra quanh năm, luôn chào đón du khách khám phá những nét văn hóa đặc của vùng đất cố đô.

Hội An là điểm đến được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng. Ảnh: Mai Mai/Vietnam+
Hội An là điểm đến được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng. Ảnh: Mai Mai/Vietnam+
Trong khi đó, Quảng Ninh - trung tâm du lịch lớn của cả nước đã xây dựng chuỗi các sự kiện, hoạt động với điểm nhấn là Tuần Du lịch Hạ Long-Quảng Ninh sẽ diễn ra vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, lễ hội Carnaval Hạ Long 2022 có chủ đề “Hạ Long-kỳ quan bừng sáng cùng SEA Games 31” nhằm kích cầu du lịch, nhất là khi Quảng Ninh đăng cai 7 môn thi đấu tại SEA Games 31…
Trước đó, Tuần Văn hóa-Du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022, Tuần Du lịch-Văn hóa Lai Châu năm 2022 cũng đã diễn ra với chuỗi hoạt động du lịch, văn hóa, văn nghệ, thể thao độc đáo và đa sắc màu… Qua các sự kiện này, những trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương đã được quảng bá tới đông đảo du khách cả nước.
Tuy nhiên, khởi động lại du lịch không đơn giản chỉ là tổ chức hàng loạt các hoạt động quảng bá như vậy, để rồi “vui xong xuôi tất cả lại về.”
Chiều sâu-cá biệt-mới lạ-hấp dẫn
Các chuyên gia du lịch cho rằng muốn khởi động lại du lịch trong bối cảnh mới, nhất thiết phải có yếu tố mới. Giờ đây, sau khi bị kìm nén một thời gian dài, du khách ít bận tâm tới dịch vụ giảm giá hay các sản phẩm thông thường, mà quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm du lịch có chiều sâu, có tính cá biệt hóa cao với nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn.
Chính vì thế, sản phẩm du lịch mới cần được xây dựng lại với điểm đến mới, hoặc điểm đến cũ nhưng gia tăng trải nghiệm mới, hay có thể tạo ra những phong cách du lịch mới…
Ví dụ như, bên cạnh việc vận hành những tour du lịch mạo hiểm cho nhóm nhỏ, Công ty Oxalis đã xây dựng thêm hành trình thám hiểm rừng sâu trong khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, nhằm giúp du khách tăng cường trải nghiệm và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã bằng việc tìm hiểu về đời sống của các loài thú trong rừng qua quan sát dấu chân, thức ăn…
Là một trong những đơn vị thường xuyên tiên phong ra mắt nhiều sản phẩm có tính sáng tạo khác biệt trên thị trường, với thông điệp “Sản phẩm mới-phong cách mới-trải nghiệm mới,” Flamingo Redtours đang làm mới hàng loạt hành trình đến các tuyến biển hoang sơ như: đảo Ðiệp Sơn (Nha Trang-Ðảo Ðiệp Sơn-Dốc Lết); đảo Phú Quý (Sài Gòn-Phan Thiết-Phú Quý); đảo Cồn Cỏ (Quảng Bình-Quảng Trị-đảo Cồn Cỏ)...
Ðặc biệt, công ty cũng vừa xây dựng bộ sản phẩm chuyên biệt về giáo dục học đường “Flamingo Education Camping” với mong muốn giúp các em giải tỏa áp lực, theo bốn chủ đề: Giáo dục truyền thống lịch sử; thiên nhiên môi trường; kỹ năng sống; nghệ thuật.
Tại Diễn đàn Du lịch Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Phục hồi du lịch Việt Nam-định hướng mới, hành động mới” tổ chức tại Hà Nội vừa qua, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ðà Nẵng nhận định, đối với nhóm khách trẻ, năng động, các hãng lữ hành, lưu trú nên tập trung xây dựng những nhóm sản phẩm có tính trải nghiệm, check-in theo hướng liên tục làm mới và cập nhật xu hướng.
Còn với nhóm khách lớn tuổi và khách quốc tế, theo ông Dũng cần tập trung vào các sản phẩm nghỉ dưỡng an toàn, đáp ứng tiêu chí xanh, thân thiện môi trường, tăng cường trải nghiệm văn hóa địa phương. Ðặc biệt, áp dụng công nghệ vào sản phẩm dịch vụ sẽ không chỉ thu hút khách hàng bằng yếu tố “thời thượng” mà còn mang lại nhiều tiện ích tự động hóa ở khâu vận hành và hạn chế tiếp xúc trong thời điểm dịch bệnh.

Du lịch trở lại mang đến niềm vui cho mọi nhà. Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+
Du lịch trở lại mang đến niềm vui cho mọi nhà. Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng trong bối cảnh mới, bên cạnh sáng tạo khi xây dựng sản phẩm du lịch cần đặc biệt chú trọng khai thác chiều sâu các giá trị tri thức như: phát triển các dịch vụ về đêm gắn với tri thức tại các bảo tàng, thư viện, di tích văn hóa, lịch sử; tăng cường trải nghiệm ẩm thực bằng tất cả giác quan, không chỉ nếm mà còn chiêm ngưỡng tinh hoa nghệ thuật ẩm thực, tìm tòi những giá trị văn hóa, học hỏi cách làm; trải nghiệm chân thực văn hóa bản địa cùng người dân địa phương…
Các chuyên gia du lịch khẳng định, “chìa khóa” làm nên hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá, đưa hình ảnh du lịch Việt Nam đến gần hơn với bạn bè trong nước, quốc tế chính là sự khác biệt, độc đáo của sản phẩm, là động lực cho nền kinh tế xanh sớm phục hồi và phát triển hậu COVID-19.
Theo M.Mai (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm