Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đại thắng mùa xuân năm 1975 là sự kiện quan trọng đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ một đất nước bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, từ một dân tộc bị nô lệ, Việt Nam đã giành lại nền độc lập và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và chủ nghĩa xã hội. Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, đất nước ta đã vươn lên một tầm cao mới, sánh vai cùng với các nước tiên tiến trên thế giới.

 

“Dư chấn” rung động địa cầu

Đầu năm 1975, trên cơ sở đánh giá tương quan lực lượng giữa ta và địch, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới của Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 của quân và dân ta diễn ra trong gần 2 tháng (từ 4-3-1975, khi ta mở Chiến dịch Tây Nguyên đến 30-4-1975, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng) với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”, gồm 3 đòn tiến công chiến lược lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế-Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Bộ Chính trị khẳng định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam”. Trên cơ sở những thắng lợi có ý nghĩa quyết định, ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn-Gia Định và hoàn toàn miền Nam. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, các đơn vị chủ lực của quân đội ta đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc, tiến về giải phóng Sài Gòn. Đêm 28 rạng ngày 29-4-1975, tất cả các cánh quân của ta đồng loạt tấn công vào trung tâm thành phố, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch như: Bộ Tổng tham mưu ngụy, Dinh Độc Lập, biệt khu Thủ đô, Sân bay Tân Sơn Nhất. Đúng 10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, xe tăng ta tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Và vào lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy quyền báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

 Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập (ảnh tư liệu).
Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập (ảnh tư liệu).



Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã tạo ra một chấn động sâu sắc khắp năm châu, có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với cách mạng Việt Nam mà còn đối với cả cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn là đề tài được dư luận trong nước và thế giới quan tâm. Dưới góc nhìn quốc tế, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã nâng cao “vị thế và uy tín của nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam… lên ngang tầm các nước, các dân tộc trên thế giới”. Một ngày sau khi miền Nam giải phóng, ngày 1-5-1975, hãng tin Pháp AFP viết: “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30-4 của Việt Nam, “dư chấn” rung động địa cầu”. Tờ New York Times ngày 1-5-1975 có bài viết gọi ngày 30-4 là ngày “lịch sử của thế giới”. Phụ trương báo Tin nhanh của Peru, số ra ngày 4-5-1975 có bài viết khẳng định: “Cuộc chiến tranh của con người Việt Nam đã chứng minh cho toàn thế giới rằng, trong thời đại ngày nay, một dân tộc dù nhỏ bé bao nhiêu, dù sống trên lãnh thổ nhỏ hẹp bao nhiêu… có thể đánh bại những kẻ xâm lược mạnh hơn gấp nhiều lần, kể cả tên trùm đế quốc là đế quốc Mỹ”.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô L.Brezhnev ngày 28-10-1975 khẳng định: “Chiến công của Việt Nam là một cống hiến lớn vào sự nghiệp đấu tranh chung của các dân tộc chống đế quốc để tự giải phóng… Năm tháng sẽ trôi qua nhưng lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt Nam anh hùng sẽ không bao giờ phai mờ trong trí nhớ loài người”. Lãnh tụ Cuba Fidel Castro nhấn mạnh: “Thắng lợi của Việt Nam là một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử cận đại, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, sau chiến thắng chủ nghĩa phát xít… Việt Nam đã chiến đấu cho cả thế giới, thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi chung của các dân tộc cách mạng, là thắng lợi của chúng tôi”…

Với đế quốc Mỹ, kẻ gây chiến tranh phi nghĩa và tàn bạo thì đây là cuộc chiến tranh kéo dài nhất, tốn kém nhất, thiệt hại nặng nề nhất mà Mỹ phải hứng chịu kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II. Tổng thống G.Ford ngày 15-6-2000, khi trả lời thư của Colin Broussard-một lính thủy quân lục chiến từng tham chiến ở Việt Nam-đã viết: “Tôi cầu xin để những tổng thống Mỹ sau này không bao giờ phải đứng trước những quyết định như tôi đã từng… 25 năm qua, tôi vẫn còn day dứt và mãi mãi khóc thương cho 2.500 lính Mỹ tới bây giờ vẫn còn mất tích… Mỗi nước đều có hồn dân tộc được tôi luyện qua gian khổ. Họ có thể bị quân đội nước ngoài đô hộ, nhưng linh hồn vĩ đại như Việt Nam thì mãi mãi sáng ngời”. McNamara-Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thì khẳng định, chiến tranh Việt Nam là một “sai lầm, sai lầm khủng khiếp”…

Những thành tựu to lớn sau 45 năm thống nhất đất nước   

 Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt gần 300 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt gần 3.000 USD, khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam với các nước đã được thu hẹp đáng kể. (ảnh nguồn VGP)
Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt gần 300 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt gần 3.000 USD, khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam với các nước đã được thu hẹp đáng kể. (ảnh nguồn VGP)



Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh và đã giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Xây dựng chế độ mới của dân, do dân và vì dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới và biển đảo quốc gia, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh, từ một đất nước đói nghèo, lạc hậu vì chiến tranh kéo dài, Việt Nam đã sớm hồi sinh, vươn mình trỗi dậy và tìm ra con đường đi lên đúng đắn, làm nên những bước phát triển diệu kỳ. Nhất là sau gần 35 năm đổi mới, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô nhỏ bé với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt gần 300 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt gần 3.000 USD, khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam với các nước đã được thu hẹp đáng kể. Đặc biệt, tỷ lệ người nghèo đã giảm mạnh từ mức trên 60% vào những năm đầu đổi mới xuống dưới 3% hiện nay. Nền kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Việt Nam hiện nay không chỉ là một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, thành viên chính thức của APEC, ASEM và WTO… mà còn đã và đang đóng góp tích cực vào những vấn đề lớn của nhân loại tại nhiều diễn đàn đa phương quan trọng. Có thể kể đến rất nhiều những dấu ấn khẳng định vị thế Việt Nam như tổ chức thành công những hội nghị cấp cao quy mô lớn, trong đó có APEC, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN), Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU-132), Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019…. Năm 2020, Việt Nam giữ vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN… Điều đó khẳng định, vị thế của Việt Nam đang ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế.

Sau gần 35 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế-xã hội đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo nên một Gia Lai đầy sức sống, năng động, vươn lên phát triển nhanh và bền vững. (ảnh internet)
Sau gần 35 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế-xã hội đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo nên một Gia Lai đầy sức sống, năng động, vươn lên phát triển nhanh và bền vững. (ảnh internet)



Đối với Gia Lai, phát huy tinh thần đại thắng mùa xuân 1975, sau gần 35 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế-xã hội đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo nên một Gia Lai đầy sức sống, năng động, vươn lên phát triển nhanh và bền vững. Từ một Gia Lai năm 1975 với đầy rẫy các căn cứ quân sự của Mỹ-ngụy, có hơn 50 vạn người phải cứu đói, 95% dân số mù chữ, cơ sở vật chất, kỹ thuật thấp kém... đã vươn lên trở thành một tỉnh phát triển trong khu vực. Năm 2020, dự kiến GRDP của tỉnh đạt 82.198 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 54,8 triệu đồng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; công tác an sinh xã hội được chú trọng, các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ kinh tế, xã hội vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn dưới 5%...

Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Gia Lai xác định: Tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng và những thành tựu to lớn sau 45 năm giải phóng, phấn đấu nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, phát triển nhanh và bền vững, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ đề ra, xây dựng tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của khu vực Bắc Tây Nguyên, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của các tỉnh trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước.

 

 LÊ PHAN LƯƠNG
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


 

Có thể bạn quan tâm