Kinh tế

Nông nghiệp

Đức Cơ: Chủ động nguồn giống sản xuất vụ mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo kế hoạch, vụ mùa 2017, huyện Đức Cơ sẽ gieo trồng 3.481 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa nước 340 ha, lúa rẫy 100 ha, mì 2.300 ha, bắp 100 ha, đậu các loại 80 ha, rau các loại 50 ha, trồng mới 40 ha cà phê, tái canh hơn 401 ha cà phê, trồng mới 20 ha hồ tiêu… Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện đã cơ bản xuống giống xong các loại cây trồng cạn như mì, bắp, lúa rẫy.

Để đảm bảo cây trồng phát triển, tránh sâu bệnh hại và phòng tránh nắng hạn, vụ mùa năm nay, cơ quan chuyên môn huyện đã xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho từng loại cây trồng như: đối với cây lúa nước gieo sạ từ ngày 20-5 đến 20-6; cây bắp vụ 1 từ ngày 25-5 đến 10-6 và vụ 2 gieo trồng vào thời điểm 1-8 đến 15-8; cây công nghiệp dài ngày trồng từ ngày 25-6 đến 15-7; các loại rau màu và đậu trồng rải rác tùy thuộc vào thời tiết và lịch thời vụ… Ngoài ra, huyện chỉ đạo các địa phương tích cực hướng dẫn, đôn đốc và khuyến cáo người dân chỉ gieo trồng khi đất đã đủ ẩm, điều kiện thời tiết thuận lợi, xuống giống nhanh gọn, tập trung.

 

Người dân làm đất để sản xuất vụ mùa. Ảnh: L.N
Người dân làm đất để sản xuất vụ mùa. Ảnh: L.N

Cùng với lịch gieo trồng cụ thể cho từng loại cây, cơ quan chuyên môn của huyện đã hướng dẫn người dân nên trồng một số loại giống chính trong vụ mùa này như đối với cây lúa là giống lúa trung ngày (105-110 ngày) gồm Hương Thơm 1, ĐV108, TBR-1, Nhị Ưu 838, AN1; giống bắp lai C919, CP888, LVN10, bắp nếp nù; giống mì KM94, KM140; giống đậu phộng L14, L25, LDH01; giống cà phê lai đa dòng TRS1 và đơn dòng TR4, TR5, TR8; giống hồ tiêu Vĩnh Linh, Ấn Độ, Lộc Ninh, Phú Quốc… Đặc biệt, người dân không nên sử dụng những giống bị nhiễm bệnh, giống không rõ nguồn gốc và lựa chọn nguồn giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Để giúp người dân sản xuất an toàn và hiệu quả, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, huyện thực hiện chính sách hỗ trợ 50% kinh phí mua các loại giống cây lương thực (lúa, bắp); 100% kinh phí mua các loại giống cây trồng chịu hạn để chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên diện tích đất thường xuyên bị thiếu nước ở cuối vụ, ưu tiên các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ người Kinh nghèo và cận nghèo.  

Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, cải tạo, tái canh một số loại cây trồng cũng được triển khai tích cực. Việc chuyển đổi giống được người dân chủ động thực hiện sử dụng những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như hồ tiêu, cà phê… Những diện tích không thể trồng lúa hoặc những khu vực không có công trình thủy lợi, người dân chủ động chuyển đổi sang trồng bắp, đậu phộng, rau và các cây ngắn ngày.

Ngoài cây công nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, trong vụ mùa này, huyện tập trung xây dựng một số mô hình điểm và hỗ trợ tái canh cà phê. Cây cà phê trên địa bàn huyện phần lớn được trồng cách đây hơn 20 năm, đã già cỗi, giống không được chọn lọc kỹ nên năng suất đã giảm vì vậy phải tiến hành tái canh. Huyện ưu tiên trợ giá giống cà phê tái canh cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo.

Theo ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Kế hoạch tái canh năm nay tỉnh giao cho huyện là 60 ha nhưng huyện nâng lên 80 ha. Tuy nhiên đến nay, người dân đã đăng ký hơn 111 ha. Để chuẩn bị giống cho tái canh và hỗ trợ người dân, Phòng đã tổ chức gieo ươm hơn 89.000 cây con, ưu tiên hỗ trợ hộ có nhu cầu, hộ chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Mức hỗ trợ  là 3.000 đồng/cây và nhân dân đóng góp 1.000 đồng/cây. Còn đối với cây hồ tiêu, vụ này huyện triển khai nhân rộng mô hình canh tác hồ tiêu bền vững và xây dựng mô hình trình diễn giống hồ tiêu nuôi cấy mô tại các xã, thị trấn với quy mô 2,5 ha. Giống hồ tiêu nuôi cấy mô có ưu điểm là cây khỏe, bộ rễ mạnh, cây sinh trưởng tốt, ít bệnh.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm