GLO)- Nhờ tích cực triển khai các phong trào, đặc biệt là cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, nhiều gia đình dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Đức Cơ, Gia Lai đã ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Năm 2014, gia đình anh Rơ Mah Brao (làng Sung Kép 2, xã Ia Kla) thuộc diện hộ nghèo. Khi đó nhà anh Brao vừa đông con, vừa thiếu vốn, lại chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Để từng bước giúp gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương đã chọn gia đình anh làm điểm của huyện để triển khai thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Từ đó, hộ anh Brao được hướng dẫn cải tạo đất vườn, trồng cây công nghiệp và làm chuồng trại để chăn nuôi. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã còn đứng ra tín chấp giúp gia đình vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư trồng cà phê, điều, làm chuồng nuôi heo. Nhờ vậy, đến nay, nguồn thu nhập từ 100 cây cà phê, hơn 1 ha điều và 3 sào mì đã giúp cuộc sống của gia đình anh Brao ổn định hơn trước. Anh Rơ Mah Brao chia sẻ thêm: “Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các đoàn thể đã hỗ trợ làm nhà ở và hướng dẫn cách làm ăn, giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, tôi mong muốn tiếp tục được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất”.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Ảnh: Đ.T |
Tương tự, trước đây, gia đình anh Rơ Mah Hơn (làng Hrang, xã Ia Kriêng) rất khó khăn. Có đất sản xuất nhưng không có vốn, thiếu kiến thức trong cách làm ăn nên thu nhập của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào việc trồng mì, cuộc sống rất bấp bênh. Được sự tuyên truyền, vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, vợ chồng anh đã mạnh dạn vay vốn để chuyển đổi cây mì sang trồng điều và cà phê. Hiện nay, với 400 cây cà phê và 3 ha điều, mỗi năm sau khi trừ hết chi phí gia đình anh có nguồn thu khoảng 60 triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo, gia đình còn xây dựng được một căn nhà mới khang trang. Anh Rơ Mah Hơn vui vẻ nói: “Được chính quyền xã quan tâm, tổ chức tập huấn về công tác trồng trọt, chăn nuôi, mình đã biết trồng những loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Tới đây, gia đình mình sẽ cố gắng phấn đấu hơn nữa để phát triển kinh tế và chăm lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn”.
Ông Trần Trọng Nghĩa-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Kla-cho biết: Để thực hiện tốt cuộc vận động, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Kla đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình bằng nhiều hình thức như sử dụng hệ thống loa truyền thanh, cử cán bộ Mặt trận xã phối hợp với các đoàn thể trực tiếp xuống thôn, làng để vận động, hướng dẫn bà con. Nhờ đó, người dân đã dần thay đổi nhận thức, biết cải tạo vườn tạp, xây dựng chuồng trại để chăn nuôi và giữ gìn vệ sinh môi trường. Việc triển khai cuộc vận động đã góp phần đáng kể trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững của xã Ia Kla. Trước năm 2014, toàn xã có 45% hộ nghèo thì đến cuối năm 2017, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 21%. “Từ chỗ là hộ nghèo, sau khi được MTTQ và các đoàn thể của xã xuống tuyên truyền, giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật, đến nay đã có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện giúp họ thoát nghèo một cách bền vững”-ông Nghĩa nói.
Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo, cuối năm 2017 trên địa bàn huyện Đức Cơ có 3.087 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 17,52%. Trong đó, số hộ nghèo là người DTTS là 2.637 hộ. Nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao là do thiếu các điều kiện cơ bản về sản xuất, công cụ sản xuất thô sơ, thiếu vốn, canh tác lạc hậu, cá biệt có một bộ phận còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Mục tiêu của huyện đến cuối năm 2020 là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ DTTS nghèo trên địa bàn xuống dưới 15,2%.
Để cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Cơ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới đông đảo bà con DTTS. Việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó phát huy vai trò của già làng, thôn trưởng, người có uy tín tiêu biểu tại khu dân cư. Ông Rơ Lan Thứ-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Cơ-cho biết: “Thời gian qua, cuộc vận động đã mang lại nhiều kết quả, tác động tích cực đối với đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS trên địa bàn. Người dân đã thay đổi cả trong nhận thức và hành động; các phong tục, tập quán lạc hậu như mê tín dị đoan, lãng phí trong việc cưới, việc tang, lễ hội… dần được xóa bỏ. Thông qua việc tuyên truyền, bà con đã biết cách chi tiêu hợp lý, tích lũy vốn để tái sản xuất và phát triển chăn nuôi. Nhiều hộ DTTS đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và học hỏi, tiếp thu cái mới, cái tiến bộ. Nhờ vậy, không ít hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện”.
Lê Nam