Thời sự - Bình luận

Dung hòa truyền thống và thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một số môn nghệ thuật truyền thống có thể dừng đào tạo do không thể tuyển sinh, không có người học. Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ tại phiên họp Thường vụ Quốc hội vừa qua. 

Việc ngưng đào tạo có thể gây ra những khoảng trống về nhân lực, vốn đang rất thiếu của ngành văn hóa.

Hiện không nhiều người trẻ theo đuổi các bộ môn nghệ thuật truyền thống (ảnh minh họa). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Hiện không nhiều người trẻ theo đuổi các bộ môn nghệ thuật truyền thống (ảnh minh họa). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Vấn đề này tồn tại nhiều năm nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu. Dù mùa tuyển sinh của các trường nghệ thuật thường rất dài, nhà trường, thầy cô tích cực tìm kiếm, huy động đầu vào “từ sớm, từ xa” nhưng con số thí sinh dự tuyển chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cái khó về tuyển sinh trải rộng từ lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, đờn ca tài tử, ca trù, bài chòi, nhóm ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống như tỳ bà, nguyệt đến nhạc cụ phương Tây như đàn harp, kèn tuba, kèn trombone… Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin và sự lấn lướt của các chương trình truyền hình thực tế, nghệ thuật truyền thống dần bị lép vế, nhiều lĩnh vực chuyên ngành dân gian có thể bị xóa sổ vì không tìm được đội ngũ kế cận.

Về phía cơ sở đào tạo, không những chật vật tuyển sinh mà còn chọn lọc rất kỹ trong số ít hồ sơ đăng ký thi tuyển - vốn đòi hỏi đầu vào hội đủ yếu tố tiên quyết là năng khiếu và tình yêu nghề… Nhưng sau quá trình học tập, khổ luyện, tốt nghiệp, cơ hội biểu diễn cùng thu nhập không như mong muốn, khiến các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian đã khó càng thêm khó.

Thực tế, một số loại hình nghệ thuật truyền thống hiện đã mất bối cảnh, điều kiện thực hành. Trong khi, nghệ thuật truyền thống được sống khỏe trong cộng đồng từng nuôi dưỡng và phát triển nó, chúng ta mới hy vọng thu hút được thế hệ kế cận. Từng có ý kiến cho rằng thay vì đào tạo chính quy, nên chăng duy trì hình thức trao truyền.

Theo đó, các nghệ nhân không chỉ trao truyền kiến thức, kinh nghiệm, ngón trò… mà còn khơi dậy lòng tự hào, trách nhiệm về việc gìn giữ, duy trì và phát triển nghệ thuật. Trao truyền cũng là cách thức gìn giữ nghệ thuật truyền thống trong cộng đồng bao lâu nay. Đề xuất này không phải không có lý, nhưng nếu không có bằng cấp được đào tạo bài bản, cũng đồng nghĩa với khó có mức thu nhập tương xứng và tất nhiên cũng khó có cơ hội làm quản lý khi hết tuổi nghề trong khi tuổi đời còn trẻ.

Với những ngành đào tạo đặc thù, việc có cơ chế hỗ trợ khuyến khích như học bổng cao, giúp các học viên có thể toàn tâm, toàn ý theo đuổi ngành nghề là việc vô cùng cần thiết. Nhưng như vậy thôi chưa đủ và việc tạo cơ chế đặc thù cho việc dạy và học với các ngành học khó tuyển sinh chỉ là giải pháp tình thế. Nâng cao đãi ngộ, có thể có học viên, nhưng khi họ tốt nghiệp mà không có môi trường làm nghề, cũng dễ mai một. Do vậy, trên bình diện chung, đào tạo nghệ thuật bền vững phải thuận theo sự điều tiết của thị trường. Khi xã hội cần, thị trường cần, chắc sẽ có người học.

Bên cạnh đó, sự quan tâm và hành động quyết liệt từ các cơ quan chức năng, cộng đồng và toàn xã hội là rất cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống. Giải pháp có thể là tạo ra những chính sách hỗ trợ phù hợp, cải thiện chất lượng đào tạo, và phát huy nghệ thuật trong đời sống xã hội. Khi đó, chúng ta có thể hy vọng nghệ thuật truyền thống không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ như một kênh gia tăng giá trị cho nền kinh tế của đất nước.

Theo MAI AN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm