Thời sự - Bình luận

Đừng mãi nghĩ... nhỏ!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một chuyện khá thời sự: Trong kỳ họp HĐND vừa diễn ra của tỉnh Thừa Thiên - Huế, có đại biểu đề nghị UBND tỉnh đòi lại đất là trụ sở cũ của các cơ quan trung ương đóng tại thị xã Hương Trà sau khi được di dời đến nơi làm việc mới.

Theo đại biểu này, còn nhiều trụ sở cũ trên địa bàn nhưng cơ quan chủ quản cứ "ôm" không chịu trả lại. Địa phương đã bố trí đất, giải phóng mặt bằng và tạo mọi điều kiện xây trụ sở mới thì phải trả lại đất cũ để địa phương sử dụng vào việc khác. Mặt khác, người dân nhìn vào trụ sở bỏ hoang mà xót, mà bức bối với cách giữ đất vô lý này.

Ở phạm vi thị xã mà thế thì ở cấp tỉnh, thành phố trên toàn quốc càng nghiêm trọng. Cách đây cũng chưa lâu, trong kỳ họp Quốc hội đầu năm 2020, Chủ tịch Quốc hội lúc ấy là bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói thẳng nhiều bộ, ngành trung ương có trụ sở mới vẫn không trả lại trụ sở cũ. Trước đó, trong tờ trình với Quốc hội, Bộ Xây dựng nêu đích danh 7 bộ, cơ quan trung ương tại TP Hà Nội sau khi di dời vẫn "ôm" trụ sở cũ. Mà trụ sở cũ thì ở toàn vị trí đắc địa, diện tích rất lớn. Vấn đề này cứ dây dưa và Hà Nội cũng không thể giải quyết được nên phải trình lên Quốc hội.

Sang kỳ họp vào tháng 4-2021, vấn đề này một lần nữa được cử tri đặt ra và Bộ Tài chính hướng các bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm đề xuất phương án xử lý đối với nhà, đất của cơ quan, đơn vị mình quản lý theo đúng quy định. Có vẻ vấn đề khó tìm được cách xử lý thỏa đáng, bởi nơi đã không muốn trả thì làm sao có cách xử lý vẹn toàn.

Ở cấp độ địa phương, sau khi sắp xếp lại địa giới hành chính, tổ chức lại bộ máy hành chính thường kéo theo cả phong trào xây lại trụ sở mới. Cứ thế, hàng loạt trụ sở cũ cũng bị bỏ hoang. Không ít mảnh đất công bị chuyển đổi công năng và bán đi với giá rẻ.

Thực trạng trên không dừng lại ở tính toán cục bộ của từng bộ, ngành, đơn vị mà bộc lộ một vấn đề rất nghiêm trọng: lãng phí đất công. Hàng triệu mét vuông đất nằm trong tay nhiều bộ, ngành, các doanh nghiệp nhà nước được sử dụng tùy ý theo lợi ích của đơn vị và cả từng cá nhân. Nó không phục vụ mục đích đem lại nguồn lợi lớn nhất cho ngân sách và từ đây được đầu tư trở lại vì lợi ích của người dân theo nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Đất đai vốn là tài sản giá trị lớn, nếu không sử dụng đúng mục đích thì lâu dần sẽ làm nảy sinh lòng tham của không ít người được giao quản lý. Thực tế đã minh chứng khá thuyết phục, nhiều vụ án lớn gần đây đều liên quan đất công và không ít người liên lụy. Việc này tác động xấu đến cảm xúc của xã hội trước tài sản chung.

Trong chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, nêu rõ trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, nhà ở công vụ phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà công vụ, thu hồi 100% nhà ở công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng, hết thời gian sử dụng. Pháp luật đã quy định và chủ trương đã ban hành, vấn đề còn lại chính là sự hiệu quả của thực thi.

Theo GIA KHANG (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm