Phóng sự - Ký sự

Đuối nước ở trẻ em: Thực trạng đáng quan ngại - Kỳ 1: Ám ảnh nỗi đau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm khiến 12 em nhỏ tử vong.

Điều này không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các ngành, địa phương trong việc triển khai các giải pháp phòng tránh đuối nước một cách thiết thực, hiệu quả hơn nữa.

5 trẻ tử vong do đuối nước trong 1 tuần

Hơn 1 tuần đã trôi qua nhưng người dân làng Bot Grek (xã Hnol, huyện Đak Đoa) vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ đuối nước thương tâm trên sông Ayun khiến 3 bé gái là Tr. (12 tuổi), C. (9 tuổi) và T. (8 tuổi) tử vong. Còn với bà Tơt-mẹ và bà ngoại của 2 trong số 3 đứa trẻ thì không biết đến bao giờ nỗi đau này mới nguôi ngoai.

Thẫn thờ nhìn di ảnh con, bà Tơt vừa lau nước mắt vừa kể lại: “Chiều 23-3, sau khi đi học về, tôi có bảo cháu ở nhà học bài để chị đi chăn bò nhưng Tr. cứ đòi đi. Sau khi xin tiền mua thức ăn mang theo, Tr. cùng T. (cháu ngoại của bà Tơt-P.V) và cháu C. dắt bò đến bãi chăn thả thường ngày bên bờ sông Ayun. Lúc người làng gọi điện báo chuyện không may, vợ chồng tôi vội vàng bỏ việc đang làm thuê chạy về thì thấy người ta đã vớt xác con, cháu lên rồi”-bà Tơt lau nước mắt. Anh Hưk-cha của cháu T. nghẹn ngào không nói nên lời, chỉ lặng lẽ cúi mặt khi nghe nhắc đến con. Còn chị Tem-vợ anh Hưk nét mặt thất thần, gần như không còn nước mắt để khóc.

Đại diện lãnh đạo UBND xã Hnol (huyện Đak Đoa) đến động viên gia đình bà Tơt. Ảnh: M.P

Đại diện lãnh đạo UBND xã Hnol (huyện Đak Đoa) đến động viên gia đình bà Tơt. Ảnh: M.P

Sông Ayun mùa này cạn nước. Nơi khúc sông các cháu gặp nạn có nhiều chỗ nước chưa tới đầu gối, nhưng ở đoạn cuối chỗ cạn này là một vùng nước sâu khoảng 2 m. Theo một cán bộ xã, ban đầu, các cháu đều tắm chỗ nước nông, rồi thả mình theo dòng nước khi trôi đến chỗ nước sâu thì giật mình không xoay xở kịp, bị hụt chân, chới với. Thấy vậy, 2 cháu còn lại đang ở vùng nước cạn lao đến ứng cứu nhưng bất thành. Một số cháu chạy đi báo người lớn làm rẫy gần đó nhưng cũng không cứu kịp.

Với anh Yinh và chị Hrach-cha mẹ của C, sự ra đi của cháu đã đẩy gia đình đến tận cùng nỗi đau. Bởi lẽ, cách đây chưa lâu, anh trai C. mất do tai nạn giao thông. Những giọt nước mắt đau đớn lăn dài trên gương mặt người mẹ. Không biết bao lần lịm đi rồi tỉnh dậy, chị Hrach cứ nấc nghẹn. Ai thấy cảnh ấy cũng xót xa.

Trong khi vụ đuối nước đau lòng nói trên vẫn còn khiến nhiều người chưa hết bàng hoàng thì chiều 29-3, một nhóm trẻ tại làng D (xã Gào, TP. Pleiku) rủ nhau ra hồ tắm, dẫn đến việc 2 bé gái bị đuối nước. Nạn nhân là cháu R.C.V. (11 tuổi) và R.C.Đ. (12 tuổi). Ông Puih Lêr-Phó Chủ tịch UBND xã Gào-cho hay: Gia đình cháu R.C.Đ. thuộc diện cận nghèo. Còn bố cháu R.C.V. thì đang đưa con trai đi điều trị bệnh hiểm nghèo tại TP. Hồ Chí Minh, hoàn cảnh rất khó khăn. Do thời tiết nắng nóng, các cháu tìm đến ao hồ để tắm. Trong lúc vui chơi, các cháu sảy chân vào vũng nước sâu nên dẫn đến sự việc đau lòng.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 55 vụ đuối nước khiến 69 trẻ tử vong (tăng 15% so với năm trước). Trong số này có đến 45 trường hợp là trẻ em người dân tộc thiểu số. Các địa phương có số trẻ em tử vong do đuối nước đáng lo ngại như: Kbang (7 vụ, 9 em tử vong), Chư Păh (7 vụ, 8 em), Krông Pa (5 vụ, 8 em), Đak Đoa (6 vụ, 7 em), Ia Grai (5 vụ, 7 em). Riêng 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 8 vụ đuối nước khiến 12 trẻ em tử vong, trong đó có 10 trường hợp là trẻ em dân tộc thiểu số. Đáng chú ý, huyện Đak Đoa chiếm đến 3/8 vụ với 5 trẻ em tử vong.

Đuối nước trẻ em luôn là vấn đề “nóng” trong những năm gần đây. Theo ông Trần Oanh Tuấn-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Păh: Toàn huyện có gần 24.200 trẻ em, chiếm 28,75% dân số; số trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo chiếm 22,46%. Năm 2023, trên địa bàn huyện xảy ra 7 vụ tai nạn đuối nước, trong đó có 6 vụ mà nạn nhân là trẻ em dân tộc thiểu số.

Nguyên nhân cũ, nỗi đau mới

Đi tìm câu hỏi liên quan đến các vụ đuối nước liên tiếp xảy ra có thể thấy những nguyên nhân rất cũ từ nhiều phía. Chính vì chúng chưa được quan tâm, giải quyết rốt ráo nên nỗi đau mới vẫn ập đến với các gia đình.

Trao đổi với P.V, ông Blươi-Phó Trưởng thôn Bot Grek-cho hay: 3 gia đình có con bị đuối nước mới đây đều có điều kiện kinh tế khó khăn. Bà con thường xuyên đi rẫy, không thể theo sát con em mình mọi lúc, mọi nơi nên để các cháu tự trông coi lẫn nhau. Vì thiếu sự giám sát, các cháu rủ nhau ra sông suối, ao hồ vui chơi, rất nguy hiểm. “Người dân trong làng ai cũng lo lắng cho con em mình nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên không có điều kiện quản lý, theo sát các cháu. Mặc dù bà con cũng dặn dò con em không được tự ý đi bơi ở sông, suối, hồ khi không có người lớn đi cùng, nhưng chỉ cần một vài phút lơ là thì tai nạn vẫn có thể xảy ra”-ông Blươi nêu thực trạng. Những cái chết đau lòng như trên thường xảy ra vào thời điểm nắng nóng hoặc khi bước vào kỳ nghỉ hè, ở những nơi có nhiều sông suối, ao hồ và khu vực nước sâu nguy hiểm. Đặc biệt, với những trẻ không được tiếp cận với việc học kỹ năng an toàn phòng tránh đuối nước thì khi xảy ra tai nạn không thể tự cứu được mình.

Khúc sông nơi 3 bé gái ở làng Bot Grek (xã Hnol, huyện Đak Đoa) gặp nạn. Ảnh: M.P

Khúc sông nơi 3 bé gái ở làng Bot Grek (xã Hnol, huyện Đak Đoa) gặp nạn. Ảnh: M.P

Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Păh cũng dẫn chứng vụ đuối nước thương tâm tại làng Mrông Yố 1 (xã Ia Ka) vào ngày 10-4-2023. Do nắng nóng, 2 em nhỏ là R.C.D. và S.T.N. (cùng SN 2015) rủ nhau đi tắm tại một khu ruộng của làng và không may đuối nước. Khi người dân đi thăm ruộng phát hiện và báo cho gia đình thì đã không cứu kịp.

Ông Phạm Trần Anh-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Những năm qua, Sở chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng tránh đuối nước trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị đuối nước vẫn xảy ra ở một số địa phương. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước nhưng đa số là do các em không biết bơi và chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Trong khi đó, hiện nay, số lượng bể bơi chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ, môn bơi lội chưa được đưa vào môn học chính thức trong nhà trường”.

Ngoài sông suối thì các ao hồ tưới cà phê không được rào chắn cũng là những “cái bẫy” chực chờ đối với các em nhỏ vốn hiếu động. Đơn cử như vụ tai nạn đuối nước hồi đầu năm 2023 tại thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) khiến 3 chị em ruột gồm: L.T.K.D. (SN 2015), L.T.Đ. (SN 2017) và L.T.Đ. (SN 2019) tử vong. Một vụ việc đau lòng khác cũng đã xảy ra khi các cháu N.K. (SN 2014) và N.S. (SN 2014, cùng trú tại buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) tử vong khi rủ nhau đi tắm tại hố nước không có rào chắn tại rẫy của gia đình. Hay đầu tháng 4-2023, nhóm 6 em nhỏ ở thôn 2 (xã Sơ Pai, huyện Kbang) rủ nhau đến ao làng Tơ Kơr tắm, 2 em H.V.T. (SN 2014) và N.V.B. (SN 2015) bị đuối nước dẫn đến tử vong. Đa số các em ở lứa tuổi này không biết bơi và chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước nên rất dễ gặp nạn.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Hai-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đak Đoa-cho biết: Những năm qua, các trường đều tăng cường công tác tuyên truyền phòng tránh tai nạn đuối nước. Cùng với đó, huyện cũng thành lập đoàn kiểm tra định kỳ các ao hồ, nhất là những ao hồ, hố nước tưới cà phê nhưng vẫn có trường hợp đáng tiếc xảy ra. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đak Đoa thừa nhận: Toàn huyện có 56 trường học nhưng chưa trường nào có hồ bơi. “Muốn tạo điều kiện cho các em học bơi thì phải có hồ bơi nhưng hiện nay không có nguồn kinh phí để đầu tư. Các trường thường xuyên tổ chức tuyên truyền về phòng tránh tai nạn đuối nước, giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất cũng hướng dẫn kỹ năng phòng tránh đuối nước nhưng không có nơi thực hành rèn luyện kỹ năng bơi thì rất khó”-ông Hai nói.

Có thể bạn quan tâm