Thời sự - Bình luận

G7 áp giá trần dầu Nga và đâu là tác động thực sự?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 2-​12, các quốc gia nhóm G7 và Úc đồng ý mức giá trần 60 đô la Mỹ/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Mức giá này có hiệu lực vào ngày 5-12 hoặc sau đó. Các quốc gia cam kết "giám sát chặt chẽ hiệu quả và tác động của giá trần".

EU công bố áp dụng mức trần giá dầu thô của Nga. Ảnh: DW
EU công bố áp dụng mức trần giá dầu thô của Nga. Ảnh: DW

“Chúng tôi đang phân tích tình hình- ông Peskov- người phát ngôn Điện Kremlin nói với các phóng viên. "Chúng tôi đã chuẩn bị một số bước để đối phó. Chúng tôi sẽ không chấp nhận mức trần này và sẽ cung cấp thêm thông tin về các bước cụ thể sau khi xem xét”.

Việc áp đặt giá trần G7 đưa ra nhằm giảm thu nhập của Nga từ việc bán dầu, đồng thời ngăn giá dầu toàn cầu tăng đột biến sau khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô của Nga có hiệu lực vào ngày 5-12.

Giá trần của G7 cho phép các nước không thuộc EU tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển, nhưng cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi nó được bán với giá thấp hơn giá trần.

Hiện các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng nhất đều có trụ sở tại các nước G7, nên mức trần giá sẽ khiến Mátxcơva khó bán dầu của mình với giá cao hơn.

Tán thành với quan điểm của G7, EU cũng đã thống nhất mức giá trần sau khi được Ba Lan ủng hộ với đề xuất ban đầu là 65-70 đô la Mỹ/thùng. Nhưng vì dầu thô Ural của Nga đã được giao dịch thấp hơn mức này, nên Ba Lan, Lithuania và Estonia muốn đẩy giá xuống thấp hơn (khoảng 30 đô la Mỹ/thùng) để siết thu nhập của Nga. Trước đó, dầu thô Urals của Nga được giao dịch ở mức khoảng 67 đô la Mỹ/thùng.

Nga đã nhiều lần tuyên bố sẽ không bán dầu cho các quốc gia áp giá trần, đồng thời cảnh báo rằng mức trần này sẽ tàn phá thị trường năng lượng và đẩy giá hàng hóa lên cao hơn nữa.

Trên thực tế, EU muốn áp mức giá trần với dầu và khí đốt của Nga, nhưng điều này hầu như không tạo ra sự khác biệt nào. EU muốn trừng phạt Nga, nhưng lại muốn bảo vệ ngành công nghiệp của mình nhiều hơn.

Vì hậu quả của việc Nga từ chối xuất khẩu dầu cho các khách hàng phương Tây muốn sử dụng giới hạn giá sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu.

Nói tóm lại, gần như tất cả các biện pháp trừng phạt được áp đặt trước và sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra chủ yếu mang tính tượng trưng, do tất cả đều thận trọng để tránh các hiệu ứng boomerang (những hậu quả không mong muốn).

Căn nguyên của thất bại trong áp đặt các biện pháp trừng phạt thực sự đối với Nga là do EU gần như hoàn toàn không muốn gây tổn hại cho ngành công nghiệp của mình.

 

T.S (từ tintuc.vn, TPO, NDO)

Có thể bạn quan tâm