Trong lúc ngẫu hứng, gã quăng bộ đồ nghề đóng yên ngựa sang một bên, móc sợi dây từ trong túi quần ra cột lại mái tóc dài xõa quá bờ vai. Rướn người với cây đàn guitar dựng thường trực bên tường nhà, một mình gã phiêu theo bản nhạc “Phượng Hồng” với tâm trạng da diết nhớ thương như nuối tiếc một thời trai trẻ đã rất xa rồi.
Lãng tử trên lưng ngựa
Gã là Nguyễn Anh Dũng, năm nay bước sang tuổi 55, ở tổ dân phố Nam Hồ, phường 11, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, một dân chơi thứ thiệt có 40 năm miệt mài với nghề nài ngựa. Gã cũng là người duy nhất sót lại cao nguyên Langbiang này còn giữ được nghề đóng yên ngựa tới thời điểm này.
Gã nói với tôi, gã đóng yên ngựa vì lòng đam mê của một tay cao bồi đúng nghĩa chứ hoàn toàn không phải do đồng tiền, bát gạo xui khiến. Thời này, nếu đóng yên ngựa để kiếm miếng ăn thì quả thực gã đã chọn lầm nghề. “Bây giờ có mấy người mua yên ngựa nữa đâu, mỗi năm bán được vài ba bộ, lấy đó là niềm vui thôi! Cứ trông chờ vào đó có mà đói rã họng...”.
Cao bồi phố núi Nguyễn Anh Dũng. |
Dụi tắt điếu thuốc vừa châm lửa kéo được nửa hơi, gã thành thật chia sẻ những lời từ ruột gan, có vẻ oán trách cái thời oai phong của những tay nài ngựa có số đã trôi qua từ lâu. Cũng từng có một thời, nghề đóng yên ngựa đã đem về cho gã hàng tháng một khoản tiền kha khá, không dư dả nhưng cũng đủ cho tay cao bồi này tiêu pha thỏa sức bay nhảy sống theo đam mê trên lưng những con ngựa quý. Nhưng, đó là những tháng ngày đẹp của thời đã rất xa...
Gã không phải là người Đà Lạt chính gốc. Quê Nguyễn Anh Dũng ở Khánh Hòa nhưng lớn lên lại gần Trường đua Phú Thọ (TP Hồ Chí Minh), nơi một thời từng diễn ra các cuộc đua ngựa oanh liệt bậc nhất của giới thượng lưu Nam kỳ Lục tỉnh. Nhà sát trường đua, từ nhỏ Nguyễn Anh Dũng được nhiều người kể về huyền thoại của những con ngựa chiến với cái tên mạnh mẽ như Đạm lang, Tuấn mã, Bóng xám, Hoàng tử… vốn đã oai phong, khi khoác trên mình bộ yên da lại càng thêm uy dũng. Đam mê ngựa tới nỗi, gã có thể ngồi nhịn ăn cả ngày để nghe người đời truyền miệng nhau về những con ngựa quý đã giúp các “nài chiến” nhiều lần đứng trên đỉnh vinh quang và rủng rỉnh tiền bạc vì liên tục thắng cược với số tiền lớn. Thành thử, không ít lần gã trốn nhà tìm cách đột nhập vào trường đua qua đường “tiểu ngạch”, chễm chệ ngồi trên khán đài tự tin cổ vũ cho các chiến mã bước vào chặng đua. Không tiền đặt cược, đến trường đua cổ vũ chỉ vì đam mê, thành ra gã là một khán giả nhí trung lập hiếm hoi có mặt trên khán đài. Để được mắt thấy tay sờ vào những con ngựa chiến, cậu nhóc Nguyễn Anh Dũng khi đó còn lân la tới làm quen với các chủ ngựa quanh Trường đua Phú Thọ rồi trở thành một tay… chăn ngựa thuê sau buổi lên lớp từ khi nào không hay.
Nguyễn Anh Dũng đo đạc da bò để bọc phần cốt yên ngựa |
Với gã, ngay từ thuở ấu thơ đã khao khát trở thành một nài ngựa chuyên nghiệp, ngày đêm luyện tập chờ thời để tham gia các cuộc đua nghiệt ngã và vinh quang. Nhưng thời thế thay đổi, Sài Gòn xa hoa không còn chỗ cư ngụ cho những con ngựa chiến uy danh một thời ngạo nghễ. Cuộc sống của loài ngựa nằm giữa Sài thành ngày càng chật chội và không còn được con người trọng dụng như xưa. Buồn bã, gã theo gia đình lỉnh kỉnh đồ đạc lên Đà Lạt cư ngụ.
Nào ngờ trên miền đất lạnh, đời sống của những chú ngựa cũng sôi động chẳng kém Sài Gòn hào hoa. Có điều, ngựa ở Đà Lạt chủ yếu phục vụ kéo xe, chở hàng và làm mẫu cho du khách tạo dáng chụp hình. Rất hiếm có những con ngựa chiến kỳ cựu đã kinh qua các cuộc đua gay cấn, sặc mùi cá cược, đậm chất thắng thua như Sài Gòn phố thị của các dân chơi lừng danh một thời. Nhưng, với Dũng, chỉ cần có ngựa là đủ. Gã thừa kinh nghiệm để tuyển chọn được những con ngựa có tố chất vẫn đang lẫn lộn đâu đó trong hàng trăm con ngựa kéo xe trên vùng đất này để nài thành ngựa chiến. Quả thực vậy, chẳng mấy chốc, gia đình Dũng đã có trong tay cả đàn ngựa quý, có lai lịch hẳn hoi, thuộc dạng độc nhất vô nhị trên cao nguyên Langbiang này. Những kỹ năng nài ngựa học được từ thời chăn ngựa thuê ở Trường đua Phú Thọ và qua lời kể của các cao bồi thứ thiệt được gã vận dụng tối đa để huấn luyện thành ngựa chiến, phục tùng những mệnh lệnh của con người. Sở hữu trong tay ngựa quý, dĩ nhiên không thể thiếu được bộ yên ngựa xứng tầm.
Thắng yên lên lưng ngựa |
Đà Lạt sau năm 1975 không nhiều người sở hữu được những bộ yên ngựa đúng nghĩa. Phần lớn yên ngựa được làm tạm bợ, qua loa để người cưỡi lên làm sao cho đủ êm. Chủ ngựa ở xứ đất này hầu hết là nông dân chân chất, nuôi ngựa để phục vụ sản xuất, không nhắm tới các cuộc đua thắng thua khốc liệt nên yên ngựa thường chẳng theo một quy tắc chuẩn mực rõ ràng nào.
Hay tin có người đang sở hữu một bộ yên ngựa chính hiệu do một gia đình người Pháp trước khi rời Đà Lạt để lại, cha con Nguyễn Anh Dũng lân la tới đặt chuyện làm quen ngay. Khi chủ nhân nhận ra cha con ông là người mê ngựa tới mức quên ăn, mất ngủ, đang có nhã ý muốn đóng một bộ yên cho xứng tầm với những con tuấn mã oai phong vừa tuyển được, chủ nhà cũng hào phóng cho cha con ông Dũng mượn hẳn một tuần đem về để nghiên cứu cách đóng yên ngựa sao cho chuẩn nhất. Gã nhớ như in, đó là một đêm đầu năm 1983, đem yên ngựa vừa mượn được về, hai cha con thức trắng đêm cùng nhau nghiên cứu rất kỹ cách thức, chất liệu để làm ra một chiếc yên ngựa vừa ý. Để “ăn cắp” được bản quyền của chiếc yên ngựa cổ này, hai cha con ông Dũng đánh liều, “xẻ” từng bộ phận ra xem có những chất liệu gì. “Tối hôm đó, bố con tui tháo từng mũi chỉ may, vừa phác thảo ra giấy, ghi chép lại những chi tiết, kết cấu của chiếc yên ngựa mượn được đó...”, nhả một miệng đặc quánh khói trắng, gã cao bồi kể lại chi tiết kỷ niệm khó quên của một đêm đã xảy ra cách đây gần 40 năm...
Con Kim cương phấn khích đáp lại hiệu lệnh của nài ngựa Nguyễn Anh Dũng |
Nắm được bí kíp đóng yên ngựa trong tay, từ đó cha con ông Dũng trở thành người chuyên đóng yên ngựa để cung cấp cho người dân phố núi Đà Lạt và các vùng lân cận như Đơn Dương, Đức Trọng… Năm đó, Dũng 17 tuổi, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu và thích sống theo những đam mê của cảm giác mạnh. Dù công việc có bận tới mấy, hằng ngày gã vẫn phải dành một khoảng thời gian nhất định mũ áo chỉnh tề nhảy phắt lên lưng con Kim cương, Chapi, Lọ lem hay Red Blue cơ bắp vạm vỡ chạy vài vòng hí vang trên các quả đồi phía ngoại ô Đà Lạt rồi mới chịu về.
Niềm đam mê say đắm
Đến bây giờ, đã gần lục tuần, gã cao bồi của miền thảo nguyên Đà Lạt vẫn trung thành với nghề đóng yên ngựa, dẫu có khi cả năm mới bán chịu được vài bộ cho các dân chơi với giá thấp hơn “hữu nghị”. Cái cớ gã đưa ra để trung thành với nghề này đó là làm vì đam mê, nghe có vẻ chẳng mấy thuyết phục nhưng đó lại là sự thực. Ở đời, bên cạnh mục đích vật chất lấn át, ta vẫn đâu đó bắt gặp những kẻ lãng tử sống theo cảm xúc thăng hoa và đam mê lạ lẫm như vậy.
Lấy ra bộ yên ngựa mới toanh vừa hoàn thành, sau một hiệu lệnh của nài ngựa, con Chapi quỳ hai chân trước xuống đất, ông Dũng quăng lên lưng bộ yên da. Sau vài thao tác cần thiết, chiếc yên đã cố định trên lưng con ngựa quý, trông càng thêm cao sang. Gã nhảy phát lên yên, giật mạnh dây cương, hai chân thúc vào bụng ngựa, ra hiệu cho Chapi phi nước đại để trình diễn cho tôi xem. Nhận lệnh của chủ nhân, Chapi hí vang, chồm hai chân trước lên như để phô diễn sức mạnh và răn đe sự xuất hiện của người lạ mặt là tôi. Khác hẳn với cái tuổi đã U60, những động tác của nài ngựa Nguyễn Anh Dũng nhanh nhẹn như một thanh niên đang ở độ tuổi sung sức nhất của đời người. Thoắt cái, cả người lẫn ngựa đã mất hút sau con đường mòn gập ghềnh vừa đi đã mỏi của phố núi Đà Lạt, chỉ còn vọng lại phía sau tiếng vó ngựa chan chát nện xuống nền đường. Khoảng 10 phút sau, ngựa về chốn cũ, gã nhảy phắt xuống đất, nói như khoe: “Tớ vừa thám hiểm xong một vòng quả đồi thông ở hồ Than Thở đấy nhé!..”.
Trước khi cho ngựa vào chuồng, gã không quên tháo bộ yên ra khỏi lưng con Chapi, giơ cao lên khoe với tôi: “Hàng xịn đấy!.. Tất cả làm bằng thủ công, chất liệu tuyển!..”. Ông cho biết, một bộ yên ngựa đầy đủ gồm nhiều bộ phận hợp thành như yên, dây ức, dây đuôi, khớp miệng để nài ngựa điều khiển dây cương... Để hoàn chỉnh một bộ yên ngựa, phải trải qua nhiều công đoạn, nhưng trước hết là đóng bộ cốt định hình phù hợp với con ngựa đặt yên. Công đoạn này đặc biệt quan trọng, phần khung yên ngựa quyết định sản phẩm làm ra có đạt chất lượng không. Phần khung này được làm từ gỗ dầu, bền, đẹp, không bị nứt, quá trình đục đẽo phần khung yên ngựa được đẽo hoàn toàn thủ công chỉ với đục, búa.
Mỗi mẫu cốt sẽ phù hợp cho những dáng ngựa khác nhau, tùy ngựa béo, gầy. Trước khi đẽo phần khung yên ngựa, người thợ sẽ quan sát, đo đạc, thế lưng của mỗi con, đặc biệt là tư thế khi những con ngựa phóng nước đại, phải căn chỉnh sao cho bộ cốt vừa bám sát vào phần lưng của ngựa. Sau khi hoàn thành phần cốt, sẽ tiến hành bọc da, nhồi bông, may các đường da lại với nhau, cuối cùng là may thêm các bộ phận trang trí khác như dây cầm, đai, dây bụng... Đặc biệt, gã cao bồi phố núi còn có những sáng tạo, cải tiến để chiếc yên ngựa bền chắc, phù hợp với loài ngựa cỏ trên cao nguyên Langbiang hơn. Thông thường, yên của ngựa ở nước ngoài có trọng lượng từ 20-30kg, cộng thêm trọng lượng của người cưỡi sẽ nhanh làm ngựa đuối sức nếu tham gia các cuộc đua hoặc phi nước đại. Do vậy, ông Dũng đã gọn yên lại, loại bỏ những phần thừa nhằm giảm trọng lượng của chiếc yên chỉ còn tối đa 8kg. Lành nghề như gã, nhưng để ra được một bộ yên ngựa hoàn chỉnh ít nhất cũng mất 10 ngày. Đó là chưa kể đôi khi gã thường dở chứng, đang làm lại quăng bộ đồ nghề sang một bên, cầm đàn đệm, nghêu ngao một mình ca hát. Có khi cả tháng, bộ yên ngựa vẫn chưa hoàn thành.
Khi cuộc sống của người dân đã có nhiều cải thiện, khách tới Đà Lạt du lịch ngày một đông thì ngựa cũng trở thành mẫu cho con người tạo dáng, chụp hình. Dĩ nhiên, những con ngựa cảnh như thế không thể thiếu được bộ yên, không chỉ là nơi để du khách cưỡi mà còn được xem là vật trang trí cho con ngựa thêm phần oai phong hơn. Rồi người Việt sinh sống ở Hòa Kỳ, Canada, Úc châu… có cùng đam mê cưỡi ngựa, bắt gặp những bộ yên đẹp mắt cũng lần mò tìm tới tay cao bồi Nguyễn Anh Dũng thăm thú. Có khi ngẫu hứng, họ đặt gã làm một hai bộ đem sang bên kia bán cầu phục vụ thú tiêu khiển. Nhờ đó mà ngoài làm vì đam mê, lâu lâu gã cũng rủng rỉnh đồng ra đồng vào, “hú” các chiến hữu lai rai vài xị.
Bây giờ, những người còn duy trì dịch vụ du lịch bằng ngựa ở Đà Lạt chỉ đếm trên đầu ngón tay, khách hàng mua yên cũng thưa dần. Tay cao bồi cuối cùng còn sót lại trên cao nguyên này thì vẫn nồng cháy nhiệt huyết. Hằng ngày, gã vẫn rong ruổi cùng đàn ngựa quý để thỏa lòng đam mê.
Khắc Lịch (cand.com.vn)