Gần 50% người mắc bệnh đái tháo đường có biến chứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Do bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) thường diễn biến âm thầm và không có biểu hiện gì trong nhiều năm nên khi được phát hiện, 50% bệnh nhân có biến chứng ở thời điểm chẩn đoán.
Tại buổi triển khai Dự án phòng chống đái tháo đường (ĐTĐ) ở TPHCM ngày 16-6, BS Lê Thị Kim Quý, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM cho biết, có từ 40- 50% bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng ở thời điểm chẩn đoán, nguyên nhân chính là do bệnh được phát hiện muộn
Tại Việt Nam, cuộc điều tra bệnh ĐTĐ cuối năm 2008 cho thấy tỷ lệ người dân mắc ĐTĐ tăng gần gấp đôi so với năm 2002 (5% so với 2,7%). Cũng trong cuộc điều tra này, số người mắc ĐTĐ tăng rất nhanh ở 4 thành phố lớn là 7% so với 4% năm 2000. Riêng TPHCM, tỷ lệ người mắc ĐTĐ tăng gần gấp đôi sau 7 năm là 7% năm 2008 so với 3,8% năm 2001.
Tuy nhiên, bệnh ĐTĐ týp 2 có thể phòng ngừa được qua chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý. Hơn nữa, phương pháp trên còn giúp kiểm soát hữu hiệu đường huyết, làm chậm xuất hiện và tiến triển của các biến chứng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dự báo đến năm 2025 sẽ có 324 triệu người (chiếm 5,4%) dân số thế giới sẽ mắc bệnh ĐTĐ, con số hiện nay là hơn 220 triệu người. Theo đó, tỷ lệ mắc ĐTĐ sẽ tăng nhanh (170%) ở các nước đang phát triển, với tốc độ tăng gấp 4 lần các nước phát triển (42%).
Nếu con số dự đoán chính xác, tổng số tiền thế giới phải chi phí cho việc điều trị bệnh ĐTĐ vào năm 2025 sẽ gần 400 tỷ USD.
Theo Dantri

Có thể bạn quan tâm