Xã hội

Gia đình

Gánh hàng rong trĩu nặng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đời người có biết bao gánh nặng, nhưng gánh nặng trên vai những người phụ nữ nghèo bán hàng rong lại bao hàm cả nghĩa đen. Họ lầm lũi trong gió bụi, mưa dầm nắng dãi để mong sao cuộc đời người thân được bớt nặng.

Tôi gặp chị với gánh hàng trĩu nặng trên vai, bước đi và rao mời tận khắp nẻo phố phường những món lương thực, thực phẩm thân thuộc, rẻ tiền: bánh tráng và trứng. Gánh hàng cộng lại chỉ hơn 30 ký, thế mà cứ kẽo kẹt trên đôi vai gầy người phụ nữ luống tuổi, vóc người quá nhỏ bé từ 5 giờ sáng đến tận cuối ngày trông mới nhọc làm sao! Quê chị ở Bình Định, nhà đông con. Chị đã có 3 người con lập gia đình riêng. Ước mong được học hành đến nơi đến chốn của các em đành khép lại khi người cha đột ngột ra đi, cảnh nhà trở nên khốn khó. Không thể trông chờ vào mấy sào ruộng lúa, chị đành bỏ lại đàn con xa quê theo lối xóm buôn bán. Đồng tiền kiếm được có khá hơn, cho 2 con nhỏ tiếp tục được đi học.

 

Một phụ nữ bán hàng rong ở TP. Plieku. Ảnh: N.Đ

Gánh nặng cơm áo rồi sẽ nặng thêm. “Chỉ mong chúng biết nghĩ đến nỗi khổ của mẹ mà chí thú làm ăn, chăm chỉ học tập”-chị cười mà mắt ngấn ướt. Vết chân chim hằn sâu chạy dài theo đuôi mắt cho làn da rám nắng thêm sạm lại. Tính ra đến nay chị bán hàng rong đã ngót 13 năm. Mỗi tháng tằn tiện chi tiêu chị dư ra được khoảng 4,5-5 triệu đồng, nhờ đó mà an tâm hơn khi nghĩ về tương lai 2 con nhỏ.

Tôi dừng xe bên đường mua ít bánh cốm nếp, thức quà quê ngọt ngào trong ký ức tuổi thơ và cũng để bắt chuyện với người phụ nữ đang rảo bước cùng đôi bầu cốm đong đưa trên chiếc đòn gánh lên nước nâu bóng trên vai. Câu chuyện làm quen, chị cho biết, quê ở thôn Chánh Liêm (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), cái nôi sản sinh ra bánh cốm. Sau vài câu thăm hỏi, chị kể mà lời nghẹn: “Tôi gắn bó với nghề làm bánh cốm gia truyền từ tấm bé. Lấy chồng phải người đàn ông ham mê cờ bạc, rượu chè, theo độ đá gà… tứ đổ tường đủ cả. Của cải trong nhà cứ dần đội nón ra đi. Tôi quyết định ly hôn, giữ cả 3 đứa con nhỏ bên mình. Ban đầu, tôi ngược xuôi buôn bán ở quê nhưng thu nhập chẳng là bao. Giờ chúng cũng đã lớn, tự lo liệu được nên mới rong ruổi lên đây kiếm thêm thu nhập lo cho chúng thành người”. Khi tôi hỏi chị cảm thấy đôi quang gánh thế nào, chị trả lời buổi sáng còn thấy nhẹ, nhưng đến trưa và chiều cứ nặng dần, đôi chân mỏi rã rời không muốn bước nữa.

Vậy đó, mỗi người mỗi cảnh, những người nghèo chọn gánh hàng rong làm cứu cánh mưu sinh. Họ lần ra phố, tìm đến phố bán những mặt hàng ít vốn với hy vọng kiếm thêm thu nhập lo cho bản thân và cả gia đình. Không ít trong số họ là những ông bà cụ đáng ra phải được hưởng tuổi già bên con cháu thì lại phải bươn chải kiếm từng đồng để nuôi cháu chắt và bản thân. Tôi vẫn thường gặp những cụ bà cắp bên hông rổ bánh mì, thúng xôi hay bó chổi; cụ ông chở sau xe giỏ bánh chưng, bánh tét rảo khắp phố phường huyên náo cùng lời rao khản đặc chào mời khách. Tôi mong sao con cháu của họ thấm thía được nỗi nhọc nhằn kia mà khôn lớn trưởng thành!

Nguyễn Đình

Có thể bạn quan tâm