Mẹ tôi nói mùa đông người ta ăn quà vặt bằng ngô nướng rất đông, vì vậy nghề này bán chạy hàng...
Minh họa: Bảo |
Quê tôi nằm cách Hà Nội chỉ dăm chục cây số, người dân trong vùng đều sinh sống bằng nghề nông.
Năm nào cũng vậy, khi những cơn gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về, dù việc nhà nông còn dang dở, mẹ cũng giao phó cho cha tôi để vội vàng lên phố kiếm tiền.
Mẹ nói mùa đông người ta ăn quà vặt bằng ngô nướng rất đông, vì vậy nghề này bán chạy hàng.
Bao năm hành nghề quạt than nướng ngô trên thành phố, hành trang kiếm tiền của mẹ để phụ giúp cha nuôi chúng tôi học hành, lớn khôn chỉ là đôi quang gánh, chậu than hoa cùng một chút tiền vốn.
Mẹ tôi thuê trọ với giá rất rẻ tại một xóm dành cho người ngoại tỉnh lên thành phố mưu sinh ở gần sông Hồng. Sáng sớm, trong hơi sương và cái lạnh căm căm, mẹ đi bộ từ nhà ra khu chợ bán ngô nếp ở gần cầu Long Biên để mua hàng.
Thường mẹ rong ruổi khắp các nẻo phố phường, chỗ nào có khách, đông người là mẹ hạ gánh để bán. Buổi tối, mẹ về ngồi dưới gốc một cây đa cổ thụ bên vỉa hè gần cổng đền Ngọc Sơn.
Những lần cha đưa lên chơi với mẹ, theo mẹ đi bán ngô, tôi còn nhớ bao giờ mẹ cũng mua đầy hai thúng ngô, bán suốt ngày cho kỳ hết mới quẩy gánh về nhà trọ.
Có đêm, đồng hồ trên nóc nhà bưu điện thành phố điểm một hồi báo hiệu 1 giờ đêm, trong thúng vẫn còn dăm bắp ngô, mẹ vẫn nán lại bên phố với hi vọng khách qua đường thấy lạnh ghé vào sưởi ấm mua ngô ăn nốt giúp.
Bán ngô suốt mấy tháng mùa đông, đến tận áp tết mới chịu về quê, mẹ chắt chiu từng đồng bạc lẻ, chưa bao giờ tự mua cho mình một chiếc áo len ấm áp.
Hôm nào rét quá, mẹ chỉ quàng thêm một tấm nilông mỏng, nói đã có chậu than để sưởi rồi nên không thấy lạnh...
Giờ đây, cả bốn anh chị em chúng tôi đều có công ăn việc làm và cuộc sống tạm ổn nơi thành phố. Nhưng mẹ tôi đã là người thiên cổ từ mấy năm nay rồi.
Sớm nay, đi ngang qua một con phố gần nhà, trông thấy một người phụ nữ đang mải miết quẩy gánh ngô cùng chậu than hoa đỏ lửa, nước mắt tôi lại trào dâng...
Nguyễn Thị Hải (TTO)