Gặp kơ-nia nơi Đảo Ngọc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cây kơ-nia được biết đến như là một biểu trưng cho cảnh sắc và sức sống Tây Nguyên. Và, nó cũng gần như mặc nhiên được coi là loài cây “đặc hữu” của khu vực này. Tuy nhiên, nhiều tư liệu cho biết kơ-nia còn phân bổ rải rác đến tận đảo Phú Quốc giữa biển trời Tây Nam. Chúng tôi đã có dịp đến Đảo Ngọc (tên gọi khác của đảo Phú Quốc) để mục sở thị bằng được “linh vật” kơ-nia!

Quả thật, cũng như ở Tây Nguyên, rải rác trên các triền núi, các lũng rừng nguyên sinh kỳ vĩ nơi Đảo Ngọc, thi thoảng vài bóng kơ-nia thoắt ẩn thoắt hiện đó đây. Nói thoắt ẩn thoắt hiện là bởi kơ-nia không mọc thành đám thành chòm, chỉ rải rác một đôi cây đơn độc; mà Phú Quốc còn là rừng nguyên sinh, rất um tùm sum suê, cây lá chen đan dày kịt, rất khó nhận biết và phân biệt.

 

Bóng kơ-nia trong vườn chùa Hùng Long. Ảnh: T.V.S
Bóng kơ-nia trong vườn chùa Hùng Long. Ảnh: T.V.S

Vì đã có chủ tâm, nên vừa đặt chân lên bến phà Thạnh Thới (ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm), chúng tôi liền bắt chuyện làm quen và hỏi thăm ngay người đang làm nhiệm vụ điều khiển trật tự bến phà, rằng ở Phú Quốc mình có cây kơ-nia không, thì nhận được câu trả lời xởi lởi: Có chớ, ở đây gọi là khơ-nia, hoặc cây cầy, chớ không nói kơ-nia.

Vâng, thì cây cầy, hay khơ-nia, hay kơ-nia thì cũng là một thôi mà! Hỏi tiếp, gần đây nhất có cây nào không; được bảo rằng gần đây nhất, cách chừng 2 km, trong khuôn viên Trạm Biên phòng Bãi Thơm, có một cây kơ-nia cổ thụ, phải đến 3, 4 người nối vòng tay ôm mới kín gốc. Là hỏi cho biết vậy thôi, chứ không đến Trạm Biên phòng được, vì xe của tour du lịch đã xịch đến đón về khách sạn. Lên xe, chọn ngay ghế ngồi bên cạnh tài xế để tiện việc “điều tra” kơ-nia. Trên đường từ thị trấn Dương Đông-trung tâm huyện lỵ-đến thị trấn An Thới tít cùng phía Nam đảo, lúc ngang qua Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc, anh lái xe chỉ tay vào sân bay, bảo cái tán cây cao to nhất, sừng sững một mình đứng giữa sân bay kia là cây kơ-nia; nhưng từ lúc làm sân bay đến giờ dân Đảo Ngọc không gọi cây ấy bằng cái “tên húy” nữa mà gọi là “Cây Tâm Linh”! Là cũng bởi-anh lái vui chuyện kể tiếp-khi thi công, cây vướng vào khoảng cách an toàn của đường băng, người ta đem xe cẩu vào để kéo đổ thì cần cẩu gãy; lại điều xe húc vào để xô cây thì xe húc đứt xích; lại đem cưa máy vào cưa thì máy… không chạy nổi! “Quá tam ba bận”! Thế là người ta phải điều chỉnh đường băng để tránh xa cây. Do vậy cây kơ-nia này được mọi người nhất loạt gọi là… cây tâm linh!

Đến viếng chùa Hùng Long (ở ấp Suối Đá, xã Dương Tơ). Chùa dựa lưng vào vách núi, phía sau chùa là khu vườn rừng rậm rạp hoang sơ. Vút cao lên trên tất cả các tán lá cây rừng và cây trồng là một bóng kơ-nia lừng lững. Cây đã có chừng trên 300 năm tuổi, tỏa bóng một vùng rộng lớn thâm u, giống như cội bồ đề trong khu Bồ Đề Đạo Tràng, nơi xưa kia Đức Phật Thích Ca hành thiền và đạt ngộ. Do thế mà nhà chùa cho đặt cạnh gốc một tượng Phật lớn trong tư thế ngồi kiết già, nhập định.

Không đến được với bóng kơ-nia nơi Trạm Biên phòng, nhưng tưởng tượng cây đang cùng với những bóng áo xanh luôn thao thức canh giữ đất trời biển đảo quê hương nơi miền biên viễn. Và biết đâu chừng các anh lính Biên phòng nơi ấy cũng có nhiều chuyện kể về cây.

Mặc dù cùng chung đặc điểm là không có mùa thay lá, nhưng lại có chút khác biệt giữa kơ-nia Đảo Ngọc và kơ-nia Tây Nguyên. Trong khi tán lá kơ-nia Tây Nguyên luôn vun lên đều đặn hình quả trám, quả trứng, như được cắt tỉa gọn gàng, thì tán lá kơ-nia Đảo Ngọc trông có vẻ xùm xòa hơn. Điều này, dẫu không phải là nhà sinh học, mọi người cũng dễ suy diễn rằng: giữa bốn bề gió lộng trùng khơi, phong ba bão tố, cây kơ-nia ở đây khó bề giữ gìn, “chăm chút” cho tán lá của mình được mướt mát, “tươm tất” như cây đứng giữa đất liền cách xa biển cả! Đó là lẽ thích ứng của muôn loài!

Tiếc là không có nhiều điều kiện và thời gian để tìm biết thêm về kơ-nia nơi Đảo Ngọc xa vời. Tuy nhiên, có thể tưởng tượng được ngày về lại miền núi cao vời vợi Tây Nguyên, có lẽ nhiều người sẽ cùng chung tâm trạng với cô gái trong bài thơ-ca khúc “Bóng cây kơ-nia” của Ngọc Anh và Phan Huỳnh Điểu: “Em và mẹ nhớ anh/Như bóng cây kơ-nia/Như gió cây kơ-nia” nơi Đảo Ngọc!

Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm